Skip to content

9 Tháng Mười Một, 2011

“Phòng thể dục tinh thần”

TT – Năm 2005 Milan chịu một thất bại nặng nề và cay đắng: trong trận chung kết Champions League với Liverpool họ đã thua khi đá luân lưu trên chấm 11m, dù dẫn trước tới 3-0 ngay trong hiệp 1!

Thể thao và “phù thủy” công nghệ cao – Kỳ 5:

“Phòng thể dục tinh thần”

“Thể dục tinh thần” ở Milan – Ảnh tư liệu

Chuyên gia Demichelis quen thuộc của chúng ta biết rằng cho đến lúc này Milan Lab vẫn là chưa đủ, vì ông hiểu thất bại vừa gánh chịu là một thất bại về mặt tâm lý. AC Milan lại buộc phải lựa chọn giữa hai khả năng, “một là đổ ra sông ra biển tất cả những gì đã có, và hai là tiếp tục xây thêm một phòng thí nghiệm tinh thần – tâm lý mang tên Mind Room”. Đã kỳ bí, bây giờ Milan lại càng thêm bí mật.

Tuyệt mật trong Mind Room

Nếu phòng tập thể lực của Milan nằm ở tầng trệt, thì Mind Room nằm tận dưới tầng hầm. Hơn nữa, nếu ai cũng có thể vào tập thể lực, thì muốn vào Mind Room phải chịu sự giám sát theo mã nhân trắc học: một bộ sensor (cảm biến) ở ngay cửa ra vào kiểm tra vân tay của từng cầu thủ và quyết định mở cửa. Trong phòng không hề có ánh sáng mặt trời, cách âm tuyệt đối. Phía trên kia, cầu thủ luyện tập thể lực. Bên dưới này, cầu thủ tập luyện tinh thần. Tuyệt mật, giống như một phòng thí nghiệm vũ khí trong thời buổi chiến tranh.

“Tư lệnh” của Mind Room là Demichelis, chuyên gia tâm lý học. Ông ngồi ở phòng bên cạnh, trước một màn hình máy tính với vô số dữ liệu, bảng biểu, hình ảnh. Lời giải thích ngắn gọn:”Chúng tôi cho các vận động viên tập thể dục tinh thần – mental gymnastics”. Cầu thủ được đặt ngồi trên ghế với một hệ thống lằng nhằng điện cực và cáp nối. Một bài tập được giới thiệu công khai với khách tham quan: bài tập về độ tập trung. Chúng ta đều biết một lỗi lầm phổ biến trong thi đấu đỉnh cao là mất tập trung. Lúc đó vận động viên hay rơi vào tình trạng”giật mình”, từ đó để thua những bàn ngớ ngẩn, để mất những cơ hội mười mươi. Làm thế nào để luyện tập một tiêu chí không mang dấu ấn thể lực này?

Sự kiệt quệ

Trong năm 2011, những bài báo, những câu chuyện liên quan đến hiện tượng kiệt quệ (burnout) xuất hiện một cách dày đặc, thu hút sự chú ý đầy lo âu của dư luận.

Kiệt quệ được hiểu là một hiện tượng mang tính bệnh lý, khi người ta cảm thấy kiệt sức hoàn toàn, cả về thể lực, tinh thần lẫn cảm xúc. Thường bị mắc hội chứng này là những người thường xuyên làm việc ở giới hạn cao nhất trong khả năng của mình, hết sức phấn khích về nghề nghiệp và tự đặt cho mình những khát vọng quá cao.

Nguy hiểm hơn, với những đặc điểm ấy, người bệnh thường tìm cách giấu giếm căn bệnh của mình để bệnh ngày càng trầm trọng, chuyển qua trầm cảm và có thể dẫn đến tự sát. Đấy là lúc bệnh nhân cảm thấy tuyệt vọng, tuyệt vọng với cuộc sống, tuyệt vọng với chính mình, tuyệt vọng hoàn toàn.

Những đặc điểm đó chúng ta thấy trùng hợp với đời sống cầu thủ bóng đá. Và Bundesliga đã khổ tâm chứng kiến Enke tự vẫn, Deissler giải nghệ, Breno tự đốt nhà mình, Sternkopf vào bệnh viện hay Fenin trong đêm nhảy xuống từ tầng hai một ngôi nhà tập thể… Khi chết, Fenin mới 24 tuổi. Khi giải nghệ, Deissler mới 27 tuổi. Và có lẽ đây mới chỉ là điểm mở đầu cho một chương mới của y học thể thao hiện đại.

Độ tập trung được đo bằng tín hiệu điện não, trong khi vẫn kiểm soát toàn diện cả điện tim, hô hấp, các thông số ngoại môi trong phòng… vận động viên chăm chú nhìn vào một đối tượng nhỏ, chuyển động theo quỹ đạo và tốc độ do HLV điều khiển hay được lập trình trước.

Nhiệm vụ của vận động viên là luôn giữ cho đối tượng nằm trong vùng kiểm soát thị giác của mình (mô phỏng trạng thái luôn đủ tập trung để theo dõi trái bóng và làm chủ tình huống). Nếu vận động viên không nhìn thấy bóng nữa, tín hiệu điện não lập tức thay đổi. Có những cầu thủ ở AC Milan tập hàng trăm buổi theo bài tập này. Vấn đề ở đây là khả năng tập trung của vận động viên được đánh giá, đo đạc và có thể luyện tập.

Quy trình này được nhóm tác giả mô tả như những bài tập cho hệ thống phản hồi sinh học. Khi khả năng tập trung được nâng cao, dường như những ức chế tâm lý cũng được giải tỏa và vận động viên phát huy được tiềm năng của mình, vươn lên thành tích tốt nhất. Chưa phải mọi chuyện đã hoàn tất, nhưng rõ ràng ở Milan người ta đã có những hành động đầy quyết tâm để giải quyết những vấn đề về y sinh học thể thao hiện đại.

HLV tâm lý

Hiện nay, rất nhiều vận động viên có HLV tâm lý của riêng mình, nhiều CLB, nhiều đội tuyển cũng sử dụng HLV tâm lý riêng biệt, cho dù vấn đề này chưa thật rõ ràng như HLV thể lực. Tác dụng thường là thấy rõ, nhưng giải thích về phương pháp, kỹ thuật không phải lúc nào cũng mang tính định lượng, khoa học.

Câu lạc bộ Sevilla sử dụng đến 12 HLV tâm lý, một con số khiến nhiều đồng nghiệp ngờ vực. Nhưng người lãnh đạo nhóm chuyên gia này, ông Miguel Gomez khẳng định: “Các HLV tâm lý giữ vai trò cụ thể trong đội bóng y như các chuyên gia thể lực hay cán bộ vật lý trị liệu”.

Đối với Sevilla, chuyện một chuyên viên tâm lý có mặt trên sân tập, kể cả sân tập của những trẻ em mới 8 tuổi, là một điều đương nhiên. Những quan sát, chỉ dẫn về mặt nhân cách ngày càng tỏ ra quan trọng với vận động viên thuộc đủ mọi lứa tuổi.

Mùa bóng 2010-2011, câu lạc bộ hàng đầu Đức là Werden Bremen thi đấu kém cỏi, thậm chí nhiều vòng đấu chập chờn trong khu vực xuống hạng. Người bị thay duy nhất trong giai đoạn khủng hoảng này là HLV tâm lý. Người mới được mời về là Joerg Loehr, nguyên là cầu thủ bóng ném, 94 lần khoác áo đội tuyển quốc gia, là HLV tâm lý cả đội tuyển bóng ném Đức vô địch thế giới năm 2007. Loehr là người rất quan tâm đến tính cách con người và ông có kinh nghiệm bồi đắp những tính cách lạc quan.

Với ông, cái ly có một nửa nước phải là “ly nước đầy một nửa” chứ không phải “vơi đi một nửa”. Theo ông, việc xây dựng lòng tin và sự quyết tâm đạt được mục đích là yếu tố chủ yếu, chứ không phải lúc nào cũng nghĩ tới những gì sẽ cản trở trên con đường đi tới mục đích ấy. Hơn nữa, theo quan điểm của ông, ở đội Bremen, điều quyết định là những tính cách mang dấu ấn tập thể khiến cả đội xuất hiện như một khối. Và cuối mùa bóng Bremen đã rất thành công.

Các vận động viên điền kinh ở môn đẩy ném của đội tuyển Đức có một địa chỉ quen thuộc: “Phòng thí nghiệm tâm sinh lý” của Wili Neumann ở Neubrandenburg. Khi các vận động viên đến đây có HLV chuyên môn và HLV thể lực đi cùng. Lúc đầu họ cũng có e ngại, nhưng ngày càng tràn đầy tin tưởng. Neumann cũng thực hiện các bài tập tinh thần. Ông tạo cho vận động viên cảm giác thanh thản, giảm bớt âu lo.

Những bài tập với Neumann mang yếu tố thôi miên và ông truyền niềm tin cho vận động viên trong trạng thái đó. Kết quả là học trò của ông, Dietzsch, trở thành nữ vận động viên ba lần vô địch thế giới.

VŨ CÔNG LẬP

_______________________

Vì sao khi cầm quân thi đấu SEA Games 26, HLV Falko Goetz đã cấm các cầu thủ ăn khoai tây chiên và uống các loại nước ngọt có gas? Đâu chỉ đơn thuần là việc chống béo, nó còn liên quan đến hàng loạt nguyên tắc dinh dưỡng đang được chú ý tối đa trong thể thao.

Kỳ tới: Bữa ăn và bàn thắng

 

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments