Skip to content

18 Tháng Mười, 2011

Nhận diện 12 hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp

(Dân trí) – Hiện nay tình hình cản trở, hành hung người làm báo đã và đang diễn biến rất phức tạp, việc cản trở nhà báo gây thiệt hại cho lợi ích chung của xã hội. Có tới trên 80% nhà báo được hỏi cho biết đã từng bị cản trở trong khi tác nghiệp…

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển – Red Communication (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu khảo sát và nhận diện các hành vi cản trở báo chí thuộc Dự án “Nghiên cứu – truyền thông các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp”, đóng góp hoàn thiện khung chính sách bảo vệ nhà báo tác nghiệp.

 

Dự án này do Red khởi xướng, được sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh, triển khai từ tháng 6/2011 và sẽ kết thúc vào đầu năm 2012.
 

Một phóng viên bị xô đẩy ra ngoài khi tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy tòa chung cư trong ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội (Ảnh: Tiến Nguyên).

 

Hiện nay tình hình cản trở, hành hung người làm báo đã và đang diễn biến rất phức tạp, việc cản trở nhà báo gây thiệt hại cho lợi ích chung của xã hội. Nhóm nghiên cứu đã công bố 12 loại hành vi thường xuyên cản trở hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo Việt Nam. Đó là các hành vi né tránh cung cấp thông tin, gây khó dễ, tác động, mua chuộc đến đe dọa, giữ người, tấn công gây thương tích, trả thù… Đáng chú ý, trong kết quả nghiên cứu có tới trên 80% nhà báo được hỏi cho biết đã từng bị cản trở trong khi tác nghiệp. Các hành vi né tránh cung cấp thông tin là phổ biến nhất, chiếm từ 11 đến 12%.

 

Trong số nhiều nguyên nhân được nhắc tới có lý do chế tài mà cơ quan tư pháp áp dụng cho các vụ việc tấn công nhà báo không còn phù hợp với thực tế. Vì vậy, nhóm chuyên gia của Dự án đề xuất đóng góp chính sách bảo vệ khi nhà báo tác nghiệp như: về hình sự, cần xây dựng một tội riêng về cản trở, hành hung phóng viên khi tác nghiệp trên cơ sở giống như tội cản trở, chống người thi hành công vụ (bổ sung vào Bộ luật Hình sự); về hành chính, đề nghị xây dựng một thông tư hướng dẫn, làm rõ Nghị định 02/2011 do Bộ Thông tin – Truyền thông, hoặc cơ quan chức năng tương đương ban hành làm rõ 12 hành vi cản trở nhà báo đã được nhận diện.

 

Ngoài ra, nhóm chuyên gia của Dự án cũng đề nghị sự tăng cường vai trò của Hội Nhà báo trong bảo vệ quyền tác nghiệp của tất cả những người làm báo và phục vụ báo chí; nâng cao tính khả dụng của “đường dây nóng” và cơ chế phản hồi nhanh, mạnh mẽ trước những hành vi xâm phạm quyền tác nghiệp của nhà báo. Đồng thời các nhà báo, tòa soạn báo cũng cần có cơ chế tự trau dồi, nâng cao, chia sẻ các kỹ năng tác nghiệp, hỗ trợ bảo vệ nhau trước các hành vi cản trở báo chí.

 

Lý Thanh Hương

TTXVN

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments