Skip to content

14 Tháng Mười, 2011

Bác sĩ “vòi” thì hiếm nhưng gây khó để “tự nguyện” chi thì nhiều

(Dân trí) – “Là bệnh nhân tôi thấy chuyện bác sĩ vòi vĩnh là hiếm, nhưng bác sĩ gây khó khăn để buộc người bệnh phải bồi dưỡng thì rất nhiều. Người mang bệnh đã quá khổ rồi mà phải gặp những bác sĩ như vậy còn thấy khổ hơn cả chết…” – Nguyễn Bình: mrbinhnguyen79@yahoo.com chia sẻ. >>  Giám đốc BV Việt Đức: “Vòi vĩnh, lấy phong bì là đuổi việc!” >>  Bác sĩ không đòi nhưng vẫn nhận phong bì

Tiếp tục lý giải về cái sự tồn tài dai dẳng của “văn hóa phong bì” Hồ Thanh Phúc: hothanhphuc82@yahoo.com thổ lộ: “Khổ lắm ông Giám đốc BV Việt Đức ơi!Họ không tự động vòi vĩnh mà các bác sỹ, y sỹ họ chỉ ít quan tâm hơn, hay nạt nộ hơn, tiêm đau hơn… Như thế là các bệnh nhân phải biết mà lo phong bì rồi. Hãy hiểu cho bệnh nhân”.

 

“Không nhận phong bì đâu, lằng nhằng lại không đếm ngay được. Tiền triệu thì nhận chứ vài trăm thì ít quá, ai cầm. Lương tâm nghề nghiệp còn để sang một bên, thì mấy cái ký kết này có là gì mà không dám ký. Không nhận tiền thì lấy đâu nhà lầu, xe hơi để mà phóng như điên mà gây tai nạn” – timo: hue_hut@yahoo.com.vn bức xúc.  
 

“Chỉ có phục vụ bệnh nhân thật tốt, coi người ta như bố mẹ, anh em ruột thịt, như người nhà… thì người ta mới nhớ đến mình”… – Mong rằng lời nói của GĐBV Việt Đức sẽ sớm đi vào thực tế (Ảnh minh họa)

 

Còn Nguyễn Đăng Minh: dangminhvkt@yahoo.com cho rằng đã cấm thì phải cấm triệt để để không thể lách luật khi bị bắt quả tang: “Văn hóa phong bì (gọi khác đi là đút lót, móc ngoặc) tồn tại khắp nơi (không trừ bất cứ ở đâu). Muốn chống triệt để thì cần chống chung trong xã hội rồi mới có hy vọng chống triệt để nó ở trong bệnh viện.

Tuy nhiên “văn hóa phong bì” ở bệnh viện nó mang mầu sắc khác, đó là văn hóa hạch sách bệnh nhân. Trước cái sống và cái chết thì dù còn một xu cũng phải trao cho bác sỹ, không có 1 xu thì phải đi vay. Bây giờ nếu làm được triệt để “không gợi ý nhận phong bì, không vòi vĩnh phong bì” thì cũng đã làm cho văn hóa phong bì mang mầu mới lạ, “văn hóa nụ cười”. Chữa xong nếu êm ả, khỏi bệnh thì cám ơn với một nụ cười trên môi.

 

Có điều tôi quá nghi ngờ về việc 5 bệnh viện trên thực sự muốn làm việc”không vòi vĩnh phong bì” vì chứng minh được là họ vòi vĩnh là rất khó (nên cứ nhận mà chẳng vi phạm cam kết). Nên chăng là cấm tiệt. Ai muốn cám ơn thì mang phong bì đến nộp cho Khoa, nộp cho bệnh viện rồi Ban Giám đốc quyết định dùng nó vào việc gì thì tùy. Có dám cấm triệt để không? Nếu làm được, các giám đốc các bệnh viện trên xứng đáng được phong anh hùng, vì họ thực sự có hành động anh hùng”.

 

Sự kiên quyết nói không với văn hóa phong bì của Giám đốc BV Việt Đức trong bài phỏng vấn mới nhất với Dân trí thật sự đã làm yên lòng nhiều người. Tuy nhiên, dư luận vẫn lưu ý: nói thì dễ nhưng để thực hiện thì rất khó. Họ cũng băn khoăn rằng với một núi công việc chuyên môn như vậy liệu Giám đốc có đủ “tai mắt” để “tiêu diệt” vấn nạn phong bì?

 

“Liệu Giám đốc BV Việt Đức có làm được không hay chỉ là nói cho qua chuyện. Đừng để trường hợp không có phong bì lót tay cho bác sĩ thì chỉ nằm đấy thôi. Mong ông hãy làm như ông nói, dân chúng tôi sẽ dõi theo những hành động, phương pháp của ông với “căn bệnh mãn tính” này” – Hoa Đào: hoadao2007@yahoo.com nhấn mạnh.

 

Không đồng tình với khẳng định “Tôi đố các đồng chí phóng viên, khi vào Việt Đức đưa tiền phong bì bồi dưỡng mà nhân viên y tế nhận” của GĐBV, hoa: nguyenduy@yahoo.com cho biết trong bệnh viện Việt Đức vẫn còn nhiều trường hợp bác sĩ, y tá, hộ lý thậm chí cả bảo vệ vẫn nhận phong bì: “GĐBV hoặc là quá chủ quan hoặc là cố tình nói mạnh để gây ấn tượng.  Tôi có người nhà mổ não cách đây mấy tháng tại Việt Đức nên tôi biết rất rõ việc này. Trước khi đi mổ, thấy nhà tôi chưa đả động gì đến việc bồi dưỡng, chính bác sĩ mổ đã nói thẳng với tôi rằng “thế em đã bồi dưỡng kíp mổ chưa”. Không những thế còn bày cách cho tôi là chia ra làm hai khoản, một cho bác sĩ gây mê, một cho kíp mổ.

 

Sau khi mổ xong về đến phòng hồi sức thì đến lượt điều dưỡng gợi ý. Thấy  người nhà tôi vừa được đưa về từ phòng mổ, 1 cô điều dưỡng chạy ra nói nhỏ vào tai tôi “em bồi dưỡng cho chị kia để chị ấy thay quần áo cho bệnh nhân không lạnh”.

 

Tôi tin chắc rằng nếu ông nói đó là “những con sâu trong ngành y tế” thì ngành y tế nên được ví như “một nồi canh đầy sâu”.

 

Còn nick Hai lúa: ngocdubk@gmail.com gợi ý: “Nên học theo Bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng, trảm tướng ngay công trình. Ông nên vi hành xuống hỏi trực tiếp người nhà bệnh nhân những bác sĩ, y tá nào đã nhận tiền thì đuổi ngay để làm gương. Có làm như vậy mới mong diệt được tận gốc điều này!”

 

Ủng hộ quan điểm kiên quyết của Giám đốc BV Việt Đức, tuy nhiên Thụy Trần: hethongmangvdc@gmail.com cũng lưu ý: “Tôi rất đồng tình với ý kiến của GĐ Viện Việt Đức. Tuy nhiên “Nói” và “Làm” là một điều không phải ai cũng làm được. Hi vọng những điều mà Giám đốc nói trên sẽ được thực hiện quyết liệt đến nơi đến chốn chứ không phải là thực hiện theo kiểu “đem con bỏ chợ” hay “nói cho vui” là không được. Các bác cấp trên của viện hãy đặt mình là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, là những người không có tiền thì ắt sẽ hiểu được nỗi lòng người dân”…

 

Để vừa hoàn thành công việc lẫn điều hành, quản lý nhân sự có lẽ đó là một thử thách không nhỏ đối với không chỉ riêng lãnh đạo bệnh viện Việt Đức mà của các bệnh viện khác trên toàn quốc.

 

Trần Bách

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments