Skip to content

13 Tháng Mười, 2011

Doanh nhân – người chèo thuyền

Giữa muôn ngàn nghề nghiệp, thì nghề kinh doanh cũng là một công việc có tính chất tổng hợp. Nghề kinh doanh như người chèo thuyền, phải sắm sửa chiếc thuyền sao cho phù hợp, rồi chọn bến bãi, rồi đợi chờ khách, rồi lèo lái đưa họ qua bên kia bờ, rồi ngày lại ngày trôi qua cứ như vậy…

Tuy nhiên người chèo thuyền này có chèo chiếc thuyền tốt hay không, có bền vững qua năm tháng hay không, có được nhiều người yêu mến và nhớ hay không, và chính người chèo thuyền có hạnh phúc hay không, còn phụ thuộc rất nhiều vào chính người chèo thuyền, vào thời gian, hoàn cảnh, vào bến bãi, vào tâm lý người đi thuyền và cả con sông, biển cả đó nữa.

Nhưng trước hết, người chèo thuyền phải có cái “Tâm”. Phải tìm hiểu và lựa chọn nguyên liệu gỗ, thép thật tốt, đóng thật kỹ, soi xét kỹ lưỡng từng vết ghép, từng loại chất keo kết dính; còn phải biết dung hòa, động viên khích lệ cộng sự, người đóng thuyền làm việc thật nhiệt tình, thật tâm huyết, để cho thuyền được đẹp, được bền chật, được hữu ích vá có lợi nhất cho người đi thuyền… phải biết tìm hiểu kỹ, cái gì cần trang bị thêm cho tốt, cho tiện ích cho người đi thuyền được an toàn, được thoải mái, được an tâm khi ngồi trên thuyền dù khi đó, có thể có mưa gió, bão, có sóng xô, có nắng gắt hay có sự cố bất ngờ xảy ra.

Người chèo thuyền phải hết sức dành thời gian và tâm huyết để kiểm tra chiếc thuyền trước khi đưa vào sử dụng, trước khi đón khách xem có bị mối mọt, bị tì vết hay có gì không hay xảy ra không… còn phải biết dự đoán thời tiết, cập nhật thông tin từng ngày, từng giờ về bến bãi, về điều kiện khách quan và môi trường như lễ hội, hay quy định của chính quyền địa phương sở tại.

Người chèo thuyền cũng không được lơ là trong suốt quá trình đưa khách qua bờ, dù mọi thứ đã được kiểm tra kỹ trước đó. Phải thường xuyên theo dõi, giám sát và phát triển các ý tưởng, tìm hiểu tâm lý người đang đi thuyền v.v để sau đó có thể phục vụ tốt hơn. Người chèo thuyền còn phải biết trang bị các kỹ năng cơ bản, để tránh các thế lực thù nghịch quấy rối để đảm bảo tài sản, tính mạng của mình và hành khách.

Người chèo thuyền cũng phải biết trân trọng và cảm ơn quý khách hàng đã sử dụng dịch vụ của mình, đã hợp tác cùng nhau để có những chuyến hành trình thú vị, bổ ích và an toàn.

Người chèo thuyền có những khoảnh khắc thật lãng mạn khi chèo thuyền đưa khách giữa đêm trăng thanh gió mát, sóng êm biển lặng, sông nước hữu tình, phong cảnh hung vĩ, khách hàng vui tính, hòa hợp, lãng mạn… cũng có những khoảnh khắc đau khổ tột cùng giữa nắng gắt, mưa giông, đêm đông lạnh cắt với bão tố, đói rét cô đơn… cũng có những khoảnh khắc hẩm hiu, vất vả với sự hư hại, rối bời mà chiếc thuyền bị hư hại… cũng có những khoảnh khắc bị bỏ rơi hắt hủi, bị cô lập ruồng rẫy, bị tấn công quấy rối…. Nhưng tấm lòng và tinh thần người chèo thuyền sẽ phải, và vẫn phải mãi mãi không ngại khó khăn, không sợ gian truân, không nề hà nguy hiểm…phải sửa chữa, phải lèo lái để thuyền được tốt lành, để khách an tâm qua tới bến bờ, để mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm, cùng nở nụ cười tới bến bờ và về nhà có giấc ngủ ngon.

Người chèo thuyền có những lúc vinh quang tột đỉnh, sống và sử dụng những tiện nghi tối tân, tốt đẹp cùng những chiếc du thuyền hiện đại sang trọng với đội ngũ cộng sự tài năng và đa dạng, và chu du qua nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều khách hàng sang trọng, đẳng cấp, ở những nền văn hóa phong phú, với những chuyến hải trình vòng quanh thế giới, cùng sự hậu đãi, cảm ơn và tôn trọng của khách…thì người chèo thuyền cũng có những lúc đơn điệu với chiếc thuyền độc mộc, khách hàng lẻ loi bình dân, qua những khúc sông ngắn, con kênh be bé ở những lũy tre làng, cùng chuyến đi ngắn gọn vài giây phút và lặp đi lặp lại hàng ngày…và lắm khi nhận được những lời trách giận, sự khinh rẻ hồ nghi.

Nhưng dù thế nào đi nữa, một đời người, một kiếp người, một nghề giữa bao nghề phục vụ con người, và phục vụ xã hội. Người kinh doanh – Người chèo thuyền không được nao núng, nhụt chí, hoặc tự cao tự đại, hoặc kiêu mạn hoặc buông xuôi. Người chèo thuyền hãy luôn bình tĩnh, tự tin, cầu tiến, sống vì cái tâm của chính mình, đó là góp phần vào sự phát triển của xã hội, vào việc giúp người với người gần nhau hơn, vào sự bình an, phồn thịnh mà khách hàng đã có duyên cùng ta chung một chuyến hành trình trong cuộc sống này.

Doanh nhân – Người chèo thuyền là người làm chủ doanh nghiệp, là người đang làm một việc gì đó trong công ty, tổ chức, cộng đồng…hay nhiều khi đơn giản là một chú bé bán vé số, một bác bán bánh ở vỉa hè, một cô bán nước, một chú xe ôm…Khách hàng là cộng sự, là nguồn lực tổng hợp trong tổ chức, là bản thân người chèo thuyền, là người tiêu dùng, là cộng đồng, là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và cũng là môi trường sống xung quanh… là tất cả những gì giúp cho người chèo thuyền sống, làm việc và tồn tại trên cõi đời này.

Nhân ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10/2011, chúc cho tất cả mỗi người chúng ta, mỗi người mỗi việc luôn là một người chèo thuyền giỏi, luôn tự tin, luôn phấn đấu và luôn vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúc cho các Vị lãnh đạo, các Doanh nhân, các bậc Thiện Tri Thức hạnh phúc cùng gia đình và thành công trong cuộc sống.

Phạm Quốc Hưng, CEO – MELY COMMUNICATION

Source: Báo VNExpress

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments