Skip to content

7 Tháng Mười, 2011

Trải nghiệm qua kỳ thực tập

AT – Thực tế từ kỳ thực tập giúp du học sinh rút ra kinh nghiệm, chọn môi trường phù hợp nhất cho mình, thậm chí là chuyển sang học ngành mới. Tuy nhiên, cũng qua kỳ thực tập, nhiều du học sinh được nắm giữ những vị trí công việc quan trọng.

Trải nghiệm qua kỳ thực tập

Nguyễn Phương Nhật Hạ, sinh viên Trường ĐH Toronto sẽ có một mùa hè năng động ngay tại trường, trong chương trình thực tập kéo dài bốn tháng

Nguyễn Phương Nhật Hạ 19 tuổi, đang là sinh viên ngành quản lý âm nhạc tại Trường ĐH Toronto (Ontario, Canada). Mùa hè vừa qua, Hạ có bốn tháng để thực tập tại Phòng nghệ thuật và sự kiện của trường, nơi Hạ có thể trải nghiệm thực sự về công việc tương lai của mình: làm công ăn lương, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình và được đánh giá năng lực thật sự trước khi ra trường.

Thực tập như… thật

Ở Trường ĐH Toronto, một trong những trường đại học lớn nhất Canada, sinh viên có thể có 8  – 12 tháng suốt chương trình cử nhân để thật sự làm việc tại các công ty, nhận lương và hoàn toàn có cơ hội thăng tiến lên những vị trí cao hơn. “Hơi khó để tìm một nơi thực tập phù  hợp với ngành quản lý nghệ thuật. Các giáo sư của trường đã giới thiệu cho mình tham gia chính phòng nghệ thuật và sự kiện của trường.

Mình được giao vào một nhóm và sẵn sàng lên kế hoạch và sản xuất các chương trình nghệ thuật, sự kiện trong và ngoài trường. Ban đầu mình rất choáng khi được làm việc chung với những cây đa cây đề của ngành nghệ thuật trong nước, lần đầu tiên mình hiểu cặn kẽ những phẩm chất cần có của một người làm quản lý nghệ thuật, và có thêm các mối quan hệ”.

Với giá sinh hoạt phí vào khoảng 1.500 đô Canada/ tháng, “chuyến” vừa học vừa làm này còn có thể giúp Hạ trang trải chi phí ăn ở tại trung tâm thành phố Toronto vốn khá đắt đỏ. Cuối kỳ thực tập, nơi Hạ làm việc sẽ có bản nhận xét về năng lực của Hạ và nhận xét này là một tiêu chí quan trọng cho tấm bằng danh dự khi Hạ tốt nghiệp.

Nguyễn Minh Huyền, sinh viên Việt Nam tại Trường cao đẳng Mohawk ở Toronto chia sẻ: “Có hai cách để tìm một công việc cho kỳ thực tập của mình, hoặc xin đi thực tập kiểu vừa học vừa làm tại các công ty hoặc làm việc tình nguyện. Vào những đợt tổng kết, một số công ty nhà nước cần người hỗ trợ khai thuế, mình và các bạn ở lớp kế toán đều tranh thủ những dịp này để có thêm kinh nghiệm.

Để có một kỳ thực tập dài tại một công ty, bạn phải chăm chỉ lên các trang web, liên hệ để nộp hồ sơ và phỏng vấn như những người đi xin việc thật sự. Nhà tuyển dụng cũng rất nghiêm túc khi chọn lựa sinh viên thực tập tại công ty mình, với lý do họ có thể giữ những sinh viên này ở lại với những vị trí xứng đáng trong công ty”.

Và kinh nghiệm của những chuyến thực tập này là “bạn không còn bỡ ngỡ sau khi ra trường, bởi chuyến thực tập cho bạn biết thế nào là cạnh tranh, là chịu trách nhiệm với công việc của mình cũng như những nguyên tắc không tên trong công việc của một kế toán, ví dụ như đánh máy bằng cả 10 ngón tay chẳng hạn”, Huyền kể.

Hè này,Nguyễn Hồng Lân, sinh 1984, quê Đồng Nai, học ngành sửa chữa ô tô ở trường CĐ Niagara (Toronto) dự định xin thực tập tại một một showroom ở Toronto. Lân cho biết: “Đây là dịp để nâng cao tay nghề, học hỏi kinh nghiệm các bậc đàn anh, và chuẩn bị hành trang cho một công việc sau khi tốt nghiệp”.

Một giờ thực hành của SV ngành đầu bếp tại Trường Cao đẳng Niagara. Trường còn có một nhà hàng để sinh viên thực tập và làm việc ngay tại trường

Thử nghiệm để chọn lựa

Rất phổ biến tại các trường ĐH và CĐ ở Canada, Chương trình thực tập (thường gọi là chương trình Co-op, viết tắt của Co-operative Education Programs) cho phép sinh viên được tuyển dụng và trở thành nhân sự của các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực mà sinh viên học tập. Đây cũng là một môn học có tín chỉ mà sinh viên cần hoàn thành trước khi tốt nghiệp một chương trình cử nhân.

Vào mỗi kỳ Co-op kéo dài khoảng 4-6 tháng/ năm, sinh viên có thể đăng ký để được tuyển dụng và có thể có mức lương khá cao. Vấn đề là không hề có sự trợ giúp nào từ nhà trường, sinh viên tự tìm việc, xin việc và thực hiện nhiệm vụ được giao để hoàn thành công việc của mình, thậm chí phải cạnh tranh với bạn học để có được một chỗ làm. Mặt khác, các công ty ở Canada thường muốn sinh viên thực tập trong thời gian dài để quen công việc chứ không muốn sinh viên chỉ vừa vào thực tập 2, 3 tháng đã quay trở lại trường mà chưa kịp để lại dấu ấn gì.

Minh Huyền cho biết: “Mỗi năm có một kỳ thực tập, bạn có thể thử sức nhiều công việc, lĩnh vực khác nhau để rút ra kinh nghiệm và chọn môi trường nào phù hợp nhất cho mình. Thực tế có nhiều bạn chọn học ngành kế toán, nhưng khi đi thực tập mới cảm thấy mình không phù hợp với tính toán, giấy tờ… nên đã chuyển sang học một ngành mới. Bên cạnh đó, sau kỳ thực tập, nhiều bạn lại được giữ những vị trí khác nhau trong công ty, thậm chí thăng tiến và được giữ lại”.

Ông Micah Schiven, phòng tuyển sinh của ĐH Toronto cho rằng: “Mỗi sinh viên đều có ít nhất 12 tháng để có thêm kinh nghiệm tại các công ty. Sinh viên sẽ có cảm giác trở thành người lao động thực sự, từ đó có những chuẩn bị cần thiết cho công việc sau khi ra trường, nếu không thì họ cũng sử dụng kết quả thực tập cho việc đăng ký các chương trình sau đại học”.

Sinh viên Việt Nam đang du học tại Canada còn có cơ hội ở lại làm việc tại nước này trong ba năm sau khi tốt nghiệp để hoàn chỉnh tay nghề và có thêm kinh nghiệm. Các bạn cho biết chương trình Co-op thật sự mang lại sự tự tin, kinh nghiệm, khả năng nghề nghiệp và cả cơ hội cho họ sau khi ra trường.

 LƯU TRANG

 

 Áo Trắng số 18
(
số 104 bộ mới)
ra ngày 01/10/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments