Skip to content

30 Tháng Chín, 2011

Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn – Kỳ cuối: Lặn lội vì con…

TT – Khó khăn lắm chúng tôi mới được ông chủ người Hàn cho phép tiếp cận một xưởng có sử dụng lao động bất hợp pháp. Đây là một xưởng chuyên sản xuất chỉ may nằm sâu trong một con đường nhỏ thuộc thành phố Pocheon.

Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn – Kỳ cuối: Lặn lội vì con…

Mỗi ngày của anh Xuân chỉ quẩn quanh trong thế giới chật hẹp của cơ sở sản xuất này – Ảnh: Thế Anh

Cổng xưởng luôn được khóa kín, gác ở cửa là một con chó bẹcgiê to vật vã… Trong xưởng là tiếng máy móc gầm rú suốt 24 giờ, xung quanh là những chiếc container được phủ kín bạt làm chỗ ở cho công nhân. Xưởng có bảy người làm, trong đó có một người Campuchia, hai người Bangladesh và bốn người VN.

15 năm lưu lạc

Trực tiếp điều hành công việc ở đây là anh Lê Thế Xuân, chồng chị Vũ Thị Tuyết. Anh Xuân quê ở huyện Nông Cống, còn chị ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Anh chị ở trong số những lao động Việt lâu năm ở thành phố Pocheon mà chúng tôi gặp được. Đã có thâm niên trên 15 năm lao động tại Hàn, nhưng trong suốt thời gian ấy họ chưa một lần về thăm quê…

Anh chị từng quen biết nhau ở VN, cùng nhau sang Hàn mưu sinh rồi cưới nhau vào năm 2001. Đến năm 2007 thì đứa con đầu lòng ra đời. Nếu để con ở lại thì không thể đi làm nên họ đành gửi con về VN nhờ người thân nuôi. Đó là quyết định quá khó khăn. Chị Tuyết nhớ lại: “Khi gửi cháu về thì nó mới gần 1 tuổi. Phải thuê người ẵm ra sân bay giá hơn 3.000 USD vì thân phận lao động bất hợp pháp, ra đó là bị trục xuất luôn. Tiễn con ra sân bay mà lòng tôi như ai xát muối, khóc cả mấy tháng liền…”.

Ba mẹ xin lỗi

Mãi đến hơn 10 giờ đêm chúng tôi mới gặp được anh Trần Văn Duyên và chị Nguyễn Thị Vân. Vợ chồng anh Duyên, chị Vân là một trong những lao động bất hợp pháp bám trụ trên đất Hàn Quốc đã 17 năm. Anh Duyên qua Hàn từ năm 1994 làm thuyền viên cho một tàu đánh cá đại dương. Công việc quá khắc nghiệt, chỉ sau sáu tháng lênh đênh nơi đầu sóng ngọn gió anh đành bỏ trốn khi tàu cập cảng Busan. Anh kể: “Lên bờ, không tiền bạc, không giấy tờ tùy thân, ngôn ngữ thì tiếng được tiếng mất. Tôi phải đi xin từng đồng lẻ để đón xe về Seoul, nơi có một vài người bạn đồng hương để nương nhờ“. Còn chị Vân qua Hàn Quốc từ năm 2000, làm việc tại một công ty ở thành phố Gimpo. Chưa hết hợp đồng thì công ty gặp khó khăn nên chị ra ngoài tìm việc mới. Trên vách tường của căn phòng trọ nhỏ hẹp dưới tầng hầm một chung cư, họ treo kín những bức hình của hai con. Phía dưới bức hình là những dòng chữ nguệch ngoạc đã úa màu: “Saron ơi, mẹ nhớ con lắm!”, “Thành Tín ơi, ba mẹ xin lỗi con nhiều nhé…!”. Mười năm trước, hai con của họ, đứa lớn 1 tuổi, đứa nhỏ 9 tháng tuổi, đã phải rứt ruột gửi về quê nhà…

Mỗi ngày phải làm việc hơn 12 tiếng, mỗi đêm phải thức dậy hai lần để canh chừng máy móc. Môi trường làm việc đầy bụi bặm và ồn ào.

Anh Xuân tâm sự: “Chỉ những công việc nặng nhọc, ô nhiễm, máy móc cũ kỹ hay lương thấp… thì người ta mới nhận lao động bất hợp pháp vào làm. Ở đây tai nạn lao động luôn là nỗi ám ảnh của các lao động bất hợp pháp VN. Bởi nếu bị tai nạn, họ sẽ bị chủ cho nghỉ ngay với một chút tiền ít ỏi. Đó là chưa kể đến việc một số ông chủ lợi dụng điểm yếu của lao động bất hợp pháp để quát nạt, chèn ép. Bởi họ biết dù có bị bất công đến đâu thì chúng tôi cũng chỉ biết im lặng, không dám thưa kiện tới cảnh sát…”.

Đi lao động nước ngoài mà phải ăn mì gói trừ bữa, có lẽ điều này ít ai tin. Nhưng vợ chồng anh Xuân, chị Tuyết đã phải trải qua những ngày khó khăn như thế trong những năm tháng Hàn Quốc rơi vào cơn khủng hoảng kinh tế.

Anh Xuân nhớ lại: “Đó là vào năm 2007, nền kinh tế Hàn Quốc suy thoái, hàng loạt nhà máy ngưng sản xuất, người lao động rơi vào cảnh lao đao. Với anh em lao động bất hợp pháp như chúng tôi lại càng khó khăn hơn. Nhiều tháng liền ngồi ở nhà, góp nhặt những đồng tiền còn lại đi mua mì gói và ớt xanh về dự trữ để ăn cầm hơi. Nhiều người chịu không nổi đã bỏ về nước. Lúc đó tôi chỉ ước có một nơi nào đó nhận vào làm, chỉ cho ăn thôi cũng được, không cần lương…”.

Trải qua nhiều mùa tuyết giá rét, những công xưởng nặng nhọc và ô nhiễm trên chặng đường mưu sinh, hiện anh Xuân và cả chị Tuyết đang mang trong mình những mầm bệnh nghề nghiệp. Nhưng họ phải quên đi tuổi thanh xuân và sức khỏe của mình để cầu mong những điều tốt đẹp hơn.

Chị Tuyết chia sẻ: “Ở đây nhớ con lắm, nhưng cũng phải gắng gượng để lo cho tương lai của con. Với lại gia đình tôi còn mẹ già và ba người chị tật nguyền ở quê nữa…”.

Nặng nợ với quê nhà

Chúng tôi đã tìm về mảnh đất trồng đậu phộng của gia đình chị Tuyết ở xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Giữa trưa nắng, hai người chị bị khiếm thính của chị Tuyết đang nhổ đậu phộng trên ruộng.

Năm nay mùa mưa bão tới sớm, hai người chị của chị Tuyết phải tất tả nhổ đậu phộng sớm để tránh bão. Căn nhà khang trang mới xây xong cuối năm 2010 của gia đình chị được góp bởi những đồng lương của người anh trai cả lành lặn, của đứa em út chị Tuyết đi lao động ở Libya và cả công sức của chị Tuyết nơi xứ Hàn.

Mảnh vườn này, căn nhà này đã 15 năm chị Tuyết chưa một lần về thăm. Nhưng ở xứ Hàn chưa lúc nào chị nguôi quên về hình ảnh người mẹ đã 80 tuổi và ba người chị đều bị khuyết tật. Bà Cao Thị An, mẹ chị Tuyết, bùi ngùi: “Vất vả xa quê để lo cho gia đình, lo cho các chị tàn tật, vậy mà ngày bố nó mất cũng không về được…”.

Có một điểm rất giống nhau ở cả bốn người phụ nữ trong ngôi nhà này là mỗi khi nhắc tới vợ chồng anh Xuân, chị Tuyết, họ sẽ chỉ món đồ, những cái áo… ra hiệu rằng đó là quà của người em gửi về từ Hàn Quốc.

Khi phóng sự này đến với độc giả cũng là lúc chúng tôi nhận được tin vợ chồng anh Xuân, chị Tuyết đã bị trục xuất khỏi đất Hàn. Họ lấy lý do bận bịu để từ chối những cuộc tiếp xúc, nhưng chúng tôi hiểu rằng họ không muốn ai xoáy thêm vào nỗi đau của đời mình – nỗi đau của những phận đời bất hợp pháp nơi xứ người…

Chẳng biết rồi anh chị sẽ làm gì để sống nơi quê nhà khi mà đã 15 năm xa cách? Đó là một câu hỏi khó cho những thân cò như vợ chồng họ…

THẾ ANH

 ————————————

* Tin bài liên quan:

>> Kỳ 1: Nơi miền gió tuyết
>> Kỳ 2: Nỗi đau đời thợ
>> Kỳ 3: Rủi ro nghề biển
>> Kỳ 4: Nghề nông ở đất Hàn
>> Kỳ 5: Những mảnh đời lưu lạc

 Mời bạn đọc theo dõi loạt phim phóng sự về bức tranh toàn cảnh của người Việt tại Hàn Quốc, do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty cổ phần phát triển truyền thông quốc tế Ánh Bình Minh (DID) thực hiện, sẽ được khởi chiếu trên HTV2 và Tuổi Trẻ TV Online vào đầu tháng 10-2011.

____________

Đón đọc số tới: Người mẫu nam – sau ánh hào quang

Dưới ánh đèn màu, khoác trên mình những mẫu thời trang đắt tiền, sành điệu nhất, bước chân song hành bên những người mẫu nữ tuyệt đẹp giữa sàn catwalk… Phía sau ánh hào quang ấy, đâu là chân dung thật của những người mẫu nam?

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments