Skip to content

6 Tháng Mười Một, 2011

Khuyến mãi giá vẫn đắt

TT – Nhiều siêu thị ở Hà Nội quảng cáo rầm rộ khuyến mãi giảm giá cho người tiêu dùng với mức giảm lên tới 3-5 triệu đồng/mặt hàng. Thế nhưng, các mặt hàng được khuyến mãi vẫn… đắt hơn hoặc chỉ tương đương các sản phẩm cùng loại ở cửa hàng nhỏ bên ngoài.

Khuyến mãi giá vẫn đắt


Các chương trình khuyến mãi rầm rộ nhưng người tiêu dùng có thật sự được hưởng lợi? – Ảnh: P.P.

Khảo sát một loạt trung tâm điện tử, điện máy lớn ở quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Nội, đều có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như máy tính, máy giặt, tivi, tủ lạnh…

Ví dụ, tại siêu thị điện máy Topcare (đường Cầu Giấy), một chiếc máy giặt Samsung loại 12kg (model: WD 8122 CVD) sau khi giảm 5 triệu còn 34,9 triệu đồng, tặng thêm một năm bảo hành. Cũng loại này cách đây gần một tuần khi hỏi giá ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân thì mức giá bán lẻ là 34,8 triệu đồng, khuyến mãi thêm bộ ly Zen nhập khẩu trị giá 375.000 đồng.

Tương tự, tại siêu thị Big C Thăng Long, giá tivi LCD 32LD550 giảm từ 11,8 triệu xuống còn 8,5 triệu đồng, còn tại cửa hàng điện tử Hải Tàu (48 Hai Bà Trưng) giá bán lẻ chỉ 7,8 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy giá một số sản phẩm mặc dù đã khuyến mãi nhưng chỉ tương đương giá bán lẻ, có khi còn cao hơn so với cửa hàng hoặc những công ty khác.

Lý giải việc trên, ông Lê Tùng – giám đốc marketing của hệ thống siêu thị điện máy Topcare – cho biết: “Mỗi sản phẩm đều có ít nhất hai loại giá: giá niêm yết (theo yêu cầu bắt buộc của hãng) và giá sau khi được sự cho phép của hãng có thể giảm. Vì vậy các siêu thị, công ty có bán hàng của hãng phải niêm yết theo giá mà hãng quy định, đây là hình thức cạnh tranh giữa các siêu thị để chống bán phá giá và chúng tôi vẫn tuân thủ đúng khi khuyến mãi”.

Theo ông Tùng, khó có thể so sánh giá bán tại các trung tâm, siêu thị điện máy với các cửa hàng, vì các siêu thị lớn có nhiều dịch vụ đi kèm để phục vụ khách như vận chuyển lắp đặt, bảo hành sửa chữa, chăm sóc khách hàng… Còn cửa hàng nhỏ lẻ thì thường những dịch vụ chăm sóc khách hàng khi mua sản phẩm không thể bằng hoặc không có. Ngoài ra các cửa hàng nhỏ lẻ có thể là hàng tồn kho, hàng không rõ nguồn gốc,…

Ông Vũ Vinh Phú – nguyên phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội – cho rằng đối với những chương trình khuyến mãi thì Bộ Công thương và Sở Công thương phải quản lý chặt chẽ, nghiêm túc vấn đề này để người tiêu dùng được hưởng quyền lợi thật sự.

So sánh giá siêu thị, trung tâm thương mại khi khuyến mãi thường chỉ bằng giá bán lẻ, ông Phú cho rằng trong siêu thị thường chịu nhiều chi phí dịch vụ để phục vụ khách hàng, vì vậy có sản phẩm đã khuyến mãi rồi nhưng lại bằng giá ngoài thị trường là bình thường.

Bên cạnh đó, ở các cửa hàng, họ có thể trốn thuế hoặc thuế khoán nên giá có thể rẻ hơn. Điều quan trọng hơn để biết một mặt hàng có thật sự khuyến mãi, giảm giá 20% hay 50% thì Sở Công thương phải rà soát, yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp đăng ký bảng giá ban đầu trước khi khuyến mãi và sở phải đi kiểm tra để có cơ sở so sánh giá. Quản lý thị trường phải theo dõi kỹ những hàng khuyến mãi, hàng kém phẩm chất, hàng gần hết hạn…

Bảng so sánh giá một số sản phẩm
đã và chưa khuyến mãi giữa các siêu thị, cửa hàng:

Sản phẩm

Khuyến mãi

Chưa khuyến mãi,
giá bán lẻ

Tivi Sony

Led 32EX 310

Siêu thị điện máy Mediamart (đường Nguyễn Chí Thanh): giảm 3,5 triệu đồng còn 9,4 triệu, giảm thêm 300.000 đồng khi mua hàng

Công ty điện tử Hiền Quân (Hai Bà Trưng): 8,6 triệu đồng + 50.000 đồng phí vận chuyển =>8,650 triệu đồng

Tivi LCD

46CX 520

Siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng): 22.990.000 đồng/chiếc

Công ty TNHH dịch vụ & thương mại Hoàng Hải (Hai Bà Trưng, Q.Hoàn Kiếm): 21,9 triệu đồng

Tủ lạnh Side by Side Samsung
RS-21HKLMR

Một số siêu thị điện máy lớn: từ 39 triệu đồng đến 46-47 triệu đồng/chiếc

Cửa hàng điện tử Dũng Yến (Cầu Giấy): 38,5 triệu đồng/chiếc

P.P.

Cảm giác bị lừa

Theo kinh nghiệm của nhiều người tiêu dùng, nhóm hàng khuyến mãi dễ bị mua “hớ” nhất là hàng thời trang và điện tử, vì đặc thù của hai nhóm hàng này phụ thuộc vào cảm tính người mua, thông tin tư vấn người bán rất cao.

Anh Hùng, ngụ Q.7 (TP.HCM), cho biết cách đây không lâu có mua một đầu DVD hiệu Ph giá khuyến mãi cho tuần lễ vàng của một trung tâm điện máy ở Q.1 (TP.HCM) chỉ còn 550.000 đồng. Quyết định mua được đưa ra vì chương trình quảng cáo quá hấp dẫn, mức giá được nhân viên bán cho biết là “không thể rẻ hơn”.

Thế nhưng chỉ ít ngày sau, khi cùng gia đình đi siêu thị điện máy gần nhà, anh phát hiện đầu DVD cùng thương hiệu, kiểu dáng giá chỉ 470.000 đồng/cái. Anh Hùng nói chênh lệch 80.000 đồng không làm anh bức xúc bằng cảm giác bị lừa. Đây cũng không phải lần đầu tiên anh Hùng mua “nhầm” giá hàng khuyến mãi.

Mua hàng khuyến mãi giá cao hơn lúc không khuyến mãi thỉnh thoảng vẫn xảy ra tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Nhiều nhà bán lẻ giải thích đây là hiện tượng bình thường vì chính sách giá trong siêu thị bị chi phối rất nhiều bởi thuế VAT, chi phí hậu cần, điện nước, chính sách giá…

Nhưng theo chị Nhân, một nhân viên văn phòng tại Q.1, nhiều lúc mức chênh lệch giá quá cao khiến người tiêu dùng phải nghi ngờ. Chị kể có lần mua bộ quần áo cho con gái ở chợ Thái Bình giá 80.000 đồng, vào siêu thị cách chợ không xa, cũng bộ đồ y chang giá niêm yết 130.000 đồng/bộ, khuyến mãi còn 87.000 đồng/bộ. “Rõ ràng sau khi khuyến mãi giá mặt hàng ấy vẫn cao hơn gần 9%” – chị Nhân cho biết.

N.BÌNH

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments