Skip to content

28 Tháng Mười, 2011

Tìm việc khó, có nên chuyển nghề?

Ảnh minh họa: transitioning.orgTTO – * Em tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán vào tháng 6-2011. Hiện em vẫn đang tìm việc kế toán nhưng hầu hết yêu cầu kinh nghiệm. Trong quá trình học điểm của em cũng khá thấp, liệu em có nên chuyển nghề không?

Tìm việc khó, có nên chuyển nghề?

* Câu hỏi phỏng vấn thường gặp cho vị trí giao dịch viên

Nếu chuyển thì em nên làm gì và cần những kỹ năng nào? Em  rất hoang mang, mong chương trình tư vấn giúp em.

(Huyen Tran)

– Chào bạn. Bạn đã có trong tay một nền tảng vững chắc để bước vào nghề kế toán, bằng cấp và điểm số hoàn toàn không đóng vai trò quan trọng, vì thế việc còn lại là xác định xem bản thân bạn có thật sự hứng thú và phù hợp với nghề kế toán hay không trước khi có những quyết định khác.

Một số tố chất cần có của một kế toán viên:

– Yêu thích làm việc với con số;
– Cẩn thận, tỉ mỉ, chăm chỉ;
– Trung thực;
– Tinh thần làm việc nhóm;
– Nhạy bén, ham học hỏi, nắm bắt nhanh chóng kiến thức mới;
– Năng động, có kiến thức tổng hợp để phân tích đánh giá tham mưu

Nếu bạn là người yêu thích các con số, các bảng thống kê và sự chính xác, kế toán là một lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, nếu bạn không thích các công việc mang tính lặp đi lặp lại, thích các hoạt động giao tiếp rộng với mọi người thì đây chưa hẳn là công việc phù hợp với bạn.

Sau khi đã kiểm chứng lại bản thân với một số tiêu chí ở trên, nếu bạn thật sự cảm thấy mình phù hợp với nghề này, bạn nên tìm kiếm cơ hội ở những công ty dịch vụ có quy mô nhỏ. Bạn sẽ vào để hỗ trợ công việc kế toán, với tư cách là người học việc và sẽ phải trả cho họ một khoản học phí vừa phải. Sau thời gian làm việc ở đó, công ty sẽ cấp cho bạn chứng chỉ thực tập kế toán.

Ngoài ra, bạn có thể nhận thêm sổ sách làm ngoài giờ để ứng dụng kiến thức kế toán trong công việc cụ thể, từ đó có thêm những mối quan hệ khác, điều này sẽ giúp cho bạn tìm kiếm cơ hội tốt trong ngành này.

Hi vọng bạn sẽ có quyết định đúng đắn cho nghề nghiệp tương lại của mình.

* Em học chuyên ngành hướng dẫn tại trường du lịch và không học gì liên quan đến kế toán hay ngân hàng. Nay em sắp có buổi phỏng vấn với một ngân hàng cho vị trí giao dịch viên. Em muốn biết mình cần phải chuẩn bị những gì và những câu hỏi thường gặp của nhà tuyển dụng cho vị trí này (em đã đi làm được 3 năm, nhưng đều làm hành chính văn phòng và lễ tân văn phòng).

(thuy…@gmail.com)

– Giao dịch viên là các nhân viên ngân hàng làm việc tại quầy giao dịch của ngân hàng. Hằng ngày họ tiếp xúc với khách hàng để tiến hành các giao dịch, vì thế giao dịch viên góp phần gián tiếp trong việc xây dựng uy tín của ngân hàng.

Tiêu chuẩn tuyển dụng vị trí giao dịch viên của các ngân hàng nói chung tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên, có kỹ năng mềm và có hình thức. Những kiến thức nền tảng về ngân hàng sẽ được bổ sung trong công việc hằng ngày của các giao dịch viên.

Việc bạn được mời đến dự buổi phỏng vấn mặc dù bản thân bạn chưa hề được đào tạo qua trường lớp về ngân hàng chứng tỏ bạn cũng đã thể hiện được phần nào hai lợi thế trên qua quá trình làm lễ tân và thư ký trước đây.

Vì thế một số việc bạn có thể chuẩn bị cho buổi phỏng vấn như sau:

– Ngoại hình: ăn mặc lịch sự, chuyên nghiệp.

– Những câu hỏi về tình huống để đánh giá sự linh hoạt của bạn, ví dụ như: nếu có một khách hàng nổi nóng với bạn, bạn không có thẩm quyền giải quyết, vậy bạn sẽ xử lý tình huống đó như thế nào?

– Những câu hỏi về tính cách của bản thân: ham học hỏi, giao tiếp tốt, tự tin, thân thiện, kiên nhẫn, cẩn thận, chính xác, nhanh chóng…

Chúc bạn thành công trong buổi phỏng vấn sắp tới!

NGUYỄN NHẬT TÂN
(chuyên viên tư vấn nghề nghiệp CareerVision)

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc… bạn đọc gửi về chương trình “Tư vấn việc làm” tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments