Skip to content

19 Tháng Mười, 2011

Không được tuyển vì thiếu bằng cấp?

Ảnh minh họa: passjobinterviews.comTTO – * Em tốt nghiệp ĐH Ngân hàng TP.HCM, chuyên ngành kế toán loại khá. Điểm số của em khá tốt, các bằng cấp tin học, TOEIC, luật ngân hàng, tín dụng ngân hàng đều đầy đủ.

Không được tuyển vì thiếu bằng cấp?

Từ năm 2, em nhận ra mình không phù hợp với kế toán và mơ ước làm tín dụng ngân hàng. Nhưng em không thi lại vì em hiểu ngành kế toán của ĐH Ngân hàng nếu tự học thêm về tín dụng cũng có thể làm tín dụng tốt. Do vậy em đã học “ké” các môn của các bạn ở lớp tín dụng, đi học thêm chứng chỉ tín dụng ngân hàng, luật…

Có thể nói kiến thức chuyên ngành tài chính – tín dụng của em không thua kém so với các bạn học tín dụng, dù bằng tốt nghiệp của em là kế toán. Tuy nhiên khi ứng tuyển vào 3 ngân hàng ở vị trí tín dụng, vòng test thì em qua nhưng vào phỏng vấn bị rớt. Có thể do em chưa thuyết phục được nhà tuyển dụng.

Thời gian sau đó em tiếp tục nộp đơn nhưng nhiều lần rớt ngay vòng loại hồ sơ. Em không hiểu lý do tại sao. Hồ sơ của em chuẩn bị rất kỹ, thậm chí còn có thêm đơn xin việc (dù không yêu cầu) để bày tỏ ước mơ của mình cho nhà tuyển dụng.

Trong khi nhiều bạn của em, cũng là nữ, tốt nghiệp điểm số thấp hơn, hồ sơ cũng bình thường, thậm chí nhờ người khác đi nộp giùm, vậy mà vẫn được gọi đi thi. Chẳng lẽ vì các bạn đó có tấm bằng tài chính ngân hàng? Vậy các nhà tuyển dụng muốn gì: là những nhân viên tâm huyết đam mê cống hiến cho công việc hay chỉ quan tâm đến bằng cấp?

Xin hãy cho em một lời khuyên, em vẫn đang hi vọng và vẫn chưa muốn dừng lại ước mơ sự nghiệp của mình về ngành tín dụng. Em chân thành cảm ơn!

(H.T.)

Tư vấn của bà Vũ Thùy Như Linh – trưởng nhóm tư vấn nghề nghiệp Kiemviec.com: Chào bạn. Tôi hoàn toàn chia sẻ với tâm sự của bạn cũng như quyết tâm về ước mơ sự nghiệp của bạn trong ngành tín dụng.

Với nhà tuyển dụng, việc xem hồ sơ chỉ là bước đầu tiên để sàng lọc ứng viên theo những tiêu chí tuyển dụng (ví dụ bằng cấp, tuổi tác, kinh nghiệm…). Để quyết định tuyển dụng nhân tài cho doanh nghiệp, nhà tuyển dụng còn xem xét thêm nhiều yếu tố khác như: năng lực, cá tính, khả năng thích nghi, hòa nhập môi trường và văn hóa doanh nghiệp, các kỹ năng khác hỗ trợ trong công việc, khả năng ngoại ngữ…

Sau những lần phỏng vấn trước, tôi nghĩ bạn đã có kinh nghiệm cũng như bài học rút ra từ các buổi phỏng vấn. Bạn cũng không nên nản chí mà hãy tiếp tục vì có thể bạn chưa phù hợp với các yêu cầu của vị trí tuyển dụng hoặc chưa phù hợp với môi trường doanh nghiệp (ngân hàng) mà bạn đã nộp hồ sơ.

Ngoài việc tham gia khóa học ngắn hạn chuyên ngành tín dụng, bạn cũng đừng bỏ qua việc tìm hiểu môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp nơi bạn ứng tuyển. Đối với vị trí nhân viên tín dụng, các ngân hàng thường ưu tiên tuyển chọn những người năng động, nhiệt tình với công việc.

Với những chia sẻ của bạn, tôi cho rằng bạn không thiếu sự nhiệt tình với công việc. Điều bạn cần bây giờ là sự kiên nhẫn để thành công.

Tôi tin sự đam mê, lòng nhiệt huyết đối với nghề tín dụng của bạn sẽ được nhà tuyển dụng nhận ra và hi vọng bạn sớm tìm được một công việc như mơ ước.

– Tư vấn của ông Nguyễn Anh Vũ – giám đốc khối quản trị nguồn nhân lực HDBank: Theo tôi, quan điểm “chỉ cần học “ké”, biết các kiến thức học trên lớp là có thể làm tín dụng tốt” của bạn khó có thể dẫn đến thành công. Đây cũng là lý do khi bạn nộp hồ sơ ứng tuyển vào các ngân hàng, bộ phận tuyển dụng đã đánh rớt ngay từ vòng ngoài khi họ cảm nhận được quan điểm này của bạn.

Tất cả các kỹ năng mà chúng ta rèn luyện được luôn phải trải qua va vấp, thiếu sót, làm sai vào những lần đầu tiên. Quyết tâm dám sửa sai, dám làm lại sẽ giúp chúng ta ngày càng hoàn thiện và sở hữu những kỹ năng tốt. Thường nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đến kiến thức nền tảng đã học, thái độ chấp nhận thử thách, nhiệt huyết cống hiến… để đưa ra quyết định khi phỏng vấn những sinh viên mới ra trường. Và thông thường, họ sẽ căn cứ vào các hành động của bạn để đánh giá chứ không phải chỉ căn cứ trên những gì bạn viết hoặc nói.

Đây cũng có thể là điểm mà bộ phận tuyển dụng tại các ngân hàng đã không đánh giá cao ở bạn, vì họ cảm nhận bạn chưa thật sự tâm huyết với ngành tín dụng (chẳng hạn bạn không dám từ bỏ ngành kế toán ngay từ năm thứ hai để theo học ngành tín dụng mà mình mong ước…).

Tôi hơi tiếc là những tâm huyết với nghề tín dụng của bạn trình bày ở trên đã không được bạn thể hiện tốt trong các cuộc phỏng vấn trước đó (bằng chứng là bạn không vượt qua được vòng này, và cá nhân bạn cũng thừa nhận “chưa thuyết phục được nhà tuyển dụng”). Tôi nghĩ nếu bạn thật sự đam mê nghề tín dụng, cơ hội sẽ luôn có cho bạn. Tại HDBank luôn sẵn sàng đón nhận hồ sơ của bạn, và mong bạn vượt qua vòng phỏng vấn của bộ phận tuyển dụng.

Chúc bạn thành công!

VIỆC LÀM ONLINE

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc… bạn đọc gửi về chương trình “Tư vấn việc làm” tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments