Skip to content

14 Tháng Mười, 2011

Đổi mới giáo dục nên gắn với yêu cầu thực tế

TTO –  Sau khi đăng bài “Hạ thấp đại học”, rất nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ. TTO xin trích đăng một số ý kiến sau.

Đổi mới giáo dục nên gắn với yêu cầu thực tế

>> “Giáo dục đại học đang lạc đường”

Vấn đề rất quan trọng hiện nay là cách giáo dục đại học tại Việt Nam đang rất lạc hậu và xa rời thực tiễn, dẫn đến sinh viên ra trường chất lượng không cao. Nguyên nhân nhiều nhưng theo tôi có hai vấn đề chính.

Thứ nhất, thầy giáo yếu kém, rất nhiều người vừa giáo điều sách vở vừa thiếu thực tiễn (hầu như là không có thực tiễn). Hai là sinh viên phải học quá nhiều môn mang nặng tính lý thuyết và nhiều môn thừa làm cho thời gian thực tập chuyên ngành chính của nghề nghiệp quá ít.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 vào Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) – Ảnh: Như Hùng

Theo tôi, các trường ĐH nên xem xét giảm 1/2 số môn lý thuyết, triết học, lịch sử… để sinh viên tự nghiên cứu rồi viết bài luận để chấm xét cấp chứng chỉ. Tăng thời gian học nhóm và thực tập lên 2-3 lần so với hiện nay. Yêu cầu bắt buộc các giáo viên đại học phải kinh qua ít nhất 2 năm làm việc chuyên môn tại các doanh nghiệp, cơ quan quản lý… để có các kiến thức thực tiễn trước khi dạy học.

Nói chung các giảng viên ĐH nên đi làm tại các cơ sở để có kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời cũng biết được khả năng thật sự của mình nếu đi làm liệu có được như khi giảng bài cho sinh viên.

Ngoài ra nên có quy chế mời thêm các chuyên gia đầu ngành, các cán bộ quản lý cấp trung cao, các CEO từ các doanh nghiệp tham gia giảng dạy các môn chuyên ngành. Việc này có thể giúp các trường ĐH bớt gánh nặng thiếu hụt giáo viên trầm trọng như hiện nay mà lại nâng cao chất lượng giảng dạy.

TRƯƠNG XUÂN TƯ

Ai chịu trách nhiệm!

Sự bất cập của giáo dục không chỉ ở đại học mà ngay ở các trường phổ thông đã lộ rõ. Các động thái cải cách giáo dục ngày càng đi vào ngõ cụt. Chúng ta thử đi từ thấp dến cao: Ở bậc phổ thông, phải học thêm mới đủ kiến thức thi vào các lớp có môi trường tốt hoặc kiến thức vững chãi, đội ngũ GV dạy rập khuôn bó gọn sách giáo khoa làm chuẩn không hề quan tâm đến học sinh có sáng tạo hay phát huy gì hơn vì không đủ thời lượng và sợ cháy giáo án…  Điều cơ bản nhất này vẫn chưa khắc phục triệt để hướng giảng dạy tốt.

Bậc đại học, càng phóng khoáng hơn. Ai ai cũng có thể học được cả! Có tiền là được: không lớp chất lượng cao thì ngoài chỉ tiêu, ngoài ngân sách, dân lập, tại chức, liên kết… Các mô hình này không làm đúng chức năng tạo nên một lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo mà tạo nên hiện tượng lao động trẻ tốt nghiệp không chất lượng ở các trường rất nhiều, trong khi vẫn thiếu người làm được việc.

Danh tiếng “đại học” làm cho giới trẻ mất tính cầu tiến xung trận, khi ra trường không học tập kinh nghiệm thực hành từ phong cách đạo đức đến các kỹ năng mềm mà chỉ dùng thủ đoạn hoặc không chịu làm những việc đơn giản nhất phục vụ tích lũy kinh nghiệm liên quan công việc của mình.

Về đào tạo, theo thực tế những năm qua cho thấy khâu then chốt là kiến thức phổ thông (sở dĩ trước đây con người tôn vinh những bậc làm thầy là vậy: uyên bác cả về trí tuệ lẫn đạo đức cách sống) cho nên ngành sư phạm phải là ngành được tuyển chọn chặt chẽ và chọn những học sinh vừa có kiến thức tốt, sức khỏe, không nói ngọng nói lắp, phong thái đáng là “tấm gương sáng cho HS noi theo”.

Chế độ đãi ngộ hết sức thỏa đáng: cấp học bổng, cho chọn nơi công tác theo ý muốn nếu đạt thành tích tốt như tốt nghiệp loại giỏi hoặc trong quá trình thực tập gây ấn tượng nơi được thực hành… Nhiều tiêu chí nữa để tránh tình trạng thừa SV được đào tạo và là động lực nâng cao trình độ cho những GV đã có nhiều năm công tác mà không cập nhật kiến thức nâng cao năng lực giảng dạy. Bên cạnh đó, phải được đãi ngộ xứng đáng để không còn dạy thêm học thêm như hiện nay.

Tôi cũng rất đồng tình với TS Lưu Tiến Hiệp, những ngành chủ lực mang tính chất xã hội cao như các ngành lịch sử, ngôn ngữ học, thiên văn học, đại dương học… mang tính chất nghiên cứu không nhất thiết phải tuyển sinh hằng năm và khi ra trường đội ngũ này được đãi ngộ xứng đáng tối đa (vì họ là những nhà khoa học, xã hội học ươm mầm cho tương lai của đất nước).

Về khâu đào tạo ở các ngành kinh tế, nên xem xét lại trường nào cũng có ngành tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị kinh daonh… nhưng chỉ ở mức độ làm những thao tác ghi chép thống kê đơn giản, còn các nguyên lý cơ bản nghiên cứu ở tầm vi mô thì không làm nổi. Vì sao? Đầu vào quá thấp.

SV hiện nay không thi vào ngành nào được thì thi vào kinh tế vừa nhiều trường vừa dễ vào, thậm chí có những học sinh ở trường phổ thông chưa đủ điểm đậu tốt nghiệp, phải cộng thêm các điểm ưu tiên. Thế mà vẫn vào được các trường đại học ngành kinh tế mà đúng ra các HS này chỉ nên vào các trường cao đẳng thực hành.

Hơn nữa, cách tuyển sinh của các trường chênh lệch nhau quá xa, vậy chất lượng đầu ra không đồng đều là đương nhiên. Bộ hoặc không có cơ quan nào kiểm định chất lượng đầu ra. Cụ thể cũng là ngành tài chính – ngân hàng (trong những năm gần đây là nóng nhất khối ngành kinh tế) Trường KT-Luật giữ ở mức chuẩn 19-20 điểm, Trường ĐH Công nghiệp chỉ ở mức 14,5 điểm. Lệch nhau quá xa chất lượng như thế nào? Các trường cần có một mức chuẩn tuyển cho từng ngành, nếu có chênh lệch cũng chỉ 1-1,5 điểm thì chất lượng đầu vào mới bảo đảm. Khi tốt nghiệp đề thi cũng phải ngang nhau và được cơ quan quản lý ra đề chung như đầu vào…

Nếu cải cách quyết liệt, thế hệ sau mới có chất lượng, không như thế hệ của chúng tôi không biết là tốt hay xấu và nâng cao tầm vóc giá trị của người được bước vào ngưỡng cửa đại học.

Đỗ Nguyên Bảo

Lối thoát nào?

Thời tôi đi học, người nào thi đậu đại học và tốt nghiệp đại học là một vinh dự to lớn cho bản thân, gia đình bên nội bên ngoại và dòng tộc họ hàng. Mọi người ai cũng mến phục, yêu quý và trân trọng, đồng thời cũng là vinh dự lớn cho nhà trường nơi mình được đào tạo.  

Ngày nay sự tiến bộ về khoa học và công nghệ, nên đòi hỏi tất cả chúng ta phải luôn luôn nghiên cứu học tập và trở thành một xã hội học tập (học nữa và học mãi). Chính điều đó đã giúp xuất hiện nhiều nhân tài cho đất nước Việt Nam.

Việt Nam đã có một đội ngũ các nhà khoa học, các giáo sư tiến sĩ hùng hậu, giỏi như thế. Vậy tại sao nền giáo dục Việt Nam nói riêng và các vấn đề khác của các ngành khác nói chung đều xuống cấp và yếu kém đến vậy?

Đúng ra nền giáo dục Việt Nam phải ngày càng thịnh vượng mới đúng chứ! Nhưng tại sao lại xuống cấp và lòng vòng mãi vậy (càng tệ)? Những cuộc hội thảo triền miên và rồi không giải quyết được.

Đã 30 năm rồi chứ còn ít gì nữa mà lòng vòng không lối thoát? Trách nhiệm thuộc về ai? Sai phạm nằm ở đâu? Yếu kém ở điểm nào? Nguyên nhân của nó phải tìm cho ra chứ! Theo tôi, có thể đặt ra rằng:

– Hay là đội ngũ các nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ: không phải giỏi, bằng cấp có cần phải kiểm tra xem đúng thực lực không? Chúng ta phải thẳng thắn với nhau đi để phát triển và hội tụ người tài về làm việc đưa sự nghiệp tiến lên!

– Hiện tượng chạy trường, lớp, tiêu cực… có ngăn chặn và xử lý triệt để được không?

– Chương trình, giáo trình, vấn đề cải cách thế nào?

– Khi cuộc thảo luận nào cũng có ý kiến trái chiều nhưng các vị lãnh đạo xem ý kiến nào là tham mưu chuẩn, tìm cho ra nguyên nhân người nào tham mưu vì sao gần 30 năm rồi vẫn cứ lòng vòng. Người tài thì về vườn nhiều hoặc không làm và bị trù dập! Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Đất nước đang kêu gọi, người dân đang trông nhờ vào người tài.

* Một vấn đề rất quan trọng mà tôi đặt ra cho các lãnh đạo của ngành giáo dục cũng như các ngành khác là vấn đề khảo sát, thiết kế, thẩm định và xây dựng đã đúng chưa? Đã 30 năm rồi, đừng để thêm nữa. Khổ mọi người dân và con cháu chúng ta. Và thật sự có ích cho bản thân, gia đình, dòng tộc, xã hội và cống hiến cho đất nước. Sự phát triển của hệ thống giáo dục Việt Nam đang ngày càng đi xuống.

Lý Văn Hanh  

Source: Báo Tuổi Trẻ

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments