Skip to content

4 Tháng Mười, 2011

Liệu tiếng còi còn méo, thu nhập cầu thủ còn cao ngất?

TTO – BTC giải V-League 2012 sẽ không do VFF chỉ định mà do các ông bầu tìm chọn, thậm chí có thể thuê người nước ngoài.

Liệu tiếng còi còn méo, thu nhập cầu thủ còn cao ngất?

Liệu rằng chất lượng của trọng tài có được nâng lên khi nhận thù lao làm việc hằng tháng từ 30-50 triệu đồng/người? Bên cạnh đó, giá trị chuyển nhượng cầu thủ liệu có cao ngất như hiện tại?

Nụ cười thân thiện giữa cầu thủ và trọng tài quá hiếm – Ảnh: Sĩ Huyên

Tuổi Trẻ Online đã đặt ba câu hỏi nói trên với các cầu thủ nổi tiếng của ba CLB Navibank Sài Gòn, Becamex Bình Dương và SHB Đà Nẵng. Dưới đây là câu trả lời của người trong cuộc:

Tiền vệ Tài Em (Navibank Sài Gòn): Bóng đá chuyên nghiệp muốn phát triển, có lẽ đó là hướng đi xác đáng nhất. Bao giờ cũng vậy, người làm thuê luôn có trách nhiệm với vị trí và nghề nghiệp của mình, trả lương xứng đáng thì phải có nghĩa vụ lao động xứng đáng.

Ý tôi muốn đề cập tới vai trò của người đứng đầu giải. Ai có năng lực thì xin mời nắm giữ vai trò đó, làm được và làm tốt thì tiếp tục, còn không thì xin mời đi chỗ khác. BTC mới chắc chắn sẽ có nhiều lúng túng, bỡ ngỡ nhưng điều khó khăn ấy cần được xã hội chung tay vun đắp, mới chập chững ra đời thì mấy ai có được bước đi vững vàng đâu.

Mai này, cầu thủ sẽ nể trọng “vua sân cỏ” nhiều hơn – Ảnh: Sĩ Huyên

Thật lòng mà nói thì tôi không có nhiều thiện cảm lắm với trọng tài, nhưng suy nghĩ ấy hi vọng sẽ không tồn tại nữa một khi trọng tài được chuẩn bị chu đáo hơn, làm việc hết lòng hơn và nhất là thu nhập của họ phải cao hơn trước nhiều lần. Bất cứ trọng tài nào bước vào sân với tư tưởng vững vàng, tiếng còi dứt khoát, bám sát diễn biến trận đấu chặt chẽ cùng chế độ đãi ngộ hợp lý giúp họ an tâm về mọi mặt thì khó mà có chỗ cho tiếng còi méo tồn tại.

Tôi không nghĩ rằng một khi các ông bầu ngồi lại với nhau rồi thì cơn sốt chuyển nhượng sẽ hạ nhiệt. Đơn giản chỉ vì trong các cuộc dịch chuyển ấy, cầu thủ đến đúng vào nơi mình cần đến, còn các ông bầu thì chấp nhận được với số tiền bỏ ra để mua “món hàng” mình cần. Muốn việc chuyển nhượng hạ nhiệt  thì chẳng cách nào khác hơn là phải chú tâm đào tạo trẻ để làm nhiệm vụ kế thừa.

Thay vào đó là hình ảnh đôi co, xỉa xói vào mặt trọng tài là điều thường bắt gặp ở V-League – Ảnh: Sĩ Huyên

Tiền đạo Việt Thắng (B.Bình Dương): Suy nghĩ của tôi rất đơn giản rằng một khi “đồng tiền đi liền khúc ruột” cùng với uy tín của cá nhân, hình ảnh của thương hiệu luôn muốn được tỏa sáng thì họ sẽ chung tay điều hành giải tốt đẹp.

Công sức của cả một tập thể trôi sạch ra sông ra biển bởi một sai lầm của trọng tài, điều ấy quá oan ức. Vẫn biết rằng không phải trọng tài nào cũng phạm sai sót, nhưng chỉ cần một lần thôi là đội bóng đủ khóc ròng rồi… Sự căng thẳng luôn thường trực với trọng tài, nhưng chế độ đãi ngộ quá thấp là không công bằng và thử hỏi có mấy người an tâm sống, cống hiến hết sức mình với cái nghề bạc bẽo ấy?

Bóng đá ngày nay là sân chơi của tiền bạc. Không có tiền thì khó mà có bóng đá chuyên nghiệp. Giá trị chuyển nhượng của cầu thủ được cho là cao, là ảo nhưng đó là cái giá do chính ông bầu đưa ra hoặc chấp nhận với lời đề nghị từ phía cầu thủ. Không ai ép buộc ai cả trong việc chuyển nhượng, nói huỵch toẹt thì thuận mua vừa bán. Nếu nói rằng giá ảo, giá cao thì vì sao CLB không chuyên tâm việc đào tạo trẻ để tránh bị hụt hẫng lực lượng, thậm chí còn có lãi ở tương lai khi bán cầu thủ giỏi do mình đào tạo.

Tiền vệ Minh Phương (SHB Đà Nẵng): Nhiều mùa bóng đã qua, mỗi CLB đều có góp vốn trước mùa giải, nhưng tiếng nói không có trọng lượng và đồng vốn ấy cũng không biết đi về đâu, sử dụng vào việc gì. Tâm tình cùng nhiều đồng nghiệp trong mấy ngày qua thì anh em cầu thủ cùng chung quan điểm rằng dù ai ngồi làm trưởng BTC giải hay tổng giám đốc giải thì chúng tôi vẫn phải ra sân tập và thi đấu.

Nhưng, anh em chúng tôi mừng và mong đợi nhiều hơn hết vẫn là sân chơi của bóng đá VN mai này sẽ được điều hành một cách tích cực, không bị chi phối bởi bất kỳ điều gì và quan trọng phải giữ vững tiêu chí sạch – đẹp thì mới mong kéo khán giả tới sân đông hơn.

Thật là thiếu công bằng trong cuộc chơi khi thu nhập của cầu thủ thì cao mà trọng tài thì ngược lại. Chỉ đến khi nào trọng tài ra sân bằng đôi chân vững vàng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tiếng còi mạnh mẽ, vận dụng đúng tinh thần của luật thì khi ấy vai trò trọng tài mới được cầu thủ và xã hội tôn trọng hơn. Khi ấy, sẽ bớt đi những hình ảnh xấu xí trên sân cỏ, nhất là màn cãi tay đôi giữa cầu thủ – trọng tài.

Việc cầu thủ chuyển nhượng có bị phá giá, có bị đẩy giá lên cao hay không là do sự tác động của ông chủ các CLB mà thôi. Theo tôi, giá chuyển nhượng sẽ không có điểm dừng và mỗi lúc sẽ cao hơn chẳng khác gì thông lệ bóng đá quốc tế…

SĨ HUYÊN lược ghi

Source: Báo Tuổi Trẻ

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments