Skip to content

2 Tháng Mười, 2011

Gặp mặt những ‘quái nhân’ sau song sắt

“Siêu đạo chích” là biệt danh bạn bè giang hồ đặt cho Minh. Và cũng bởi biệt danh ấy, ở phân trại 2, trại giam Tân Lập, Phú Thọ, Minh cũng “đánh bật” các phạm nhân khác bởi số lần “vào tù ra tội”…


>>Sát nhân ‘máu lạnh’ và giây phút muốn sống để sám hối

Họ là những phạm nhân khoác trên mình áo số, nhưng cũng không ít người thật sự có tài. Có người được tôn là siêu đạo chích với khả năng “ăn cắp như ảo thuật”, có người chỉ mất mấy chục giây để phá tung mọi loại khóa tối tân nhất, cũng có người lại thông minh kiệt xuất với khả năng sáng tạo… như nhà khoa học.. Nhìn họ, Trung tá Nguyễn Hữu Ngọ, phân trại số 2, trại giam Tân Lập, Phú Thọ, cũng phải chép miệng: “Giá như họ dùng những biệt tài ấy giúp ích cho đời thì hay biết mấy.

Người lập kỷ lục số lần “mặc áo tù”

Theo Trung tá Ngọ, người “lập kỷ lục” số lần vào tù ra tội ở trại giam này là Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1960, quê ở Yên Bái. Theo Trung tá Ngọ thì Minh đã có đến 9 lần vào tù ra tội.

Còn Minh, Minh bảo, chỉ nhớ lần đầu tiên mình được “ở nhà xây, ăn cơm nhà nước” khi Minh tròn 16 tuổi. Khi ấy, bởi tuổi vị thành niên nên Minh “chỉ được” đi trường giáo dưỡng. Và khi ấy, Minh bị triệu đi là bởi rất nhiều lần, người ta bắt được cậu nhóc có có nước da đen nhẻm ấy hành nghề móc túi ở ga Yên Bái. Hết hạn ở trường giáo dưỡng, Minh được thả.

Gặp mặt những 'quái nhân' sau song sắt

Minh không nhớ nổi mình đã bao lần khoác áo tù vì nghề “hai ngón”. Ảnh minh họa

Thế nhưng, không biết là “cái nghề hai ngón” ấy theo Minh hay vì Minh sống chết vì… “nghề” mà từ sau lần đó, cứ ít thời gian là người ta lại thấy Minh nhập trại cũng với chỉ duy nhất một “tội danh”: Móc túi!

Minh kể, hôm ấy, thiếu tiền uống rượu, hết cách xoay, Minh lại “phải” vận dụng nghề cũ của mình dù khi ấy, Minh mới ra tù được vài tháng. Minh là người nghiền rượu và uống như thuồng luồng. Nếu sẵn rượu sẵn mồi, một mình Minh có thể tu hết hơn 2 lít rượu mà vẫn tỉnh như sáo sậu. Không có rượu, chân tay Minh cứ run bắn lên như người trúng tà. Bởi vậy, đến bữa phải uống, không có thì thấy mình như đang bị muôn vàn cực hình hành hạ.

Khi lên cơn khát rượu, Minh có thể làm bất cứ chuyện gì miễn là có cái thứ nước cay cay ấy đổ vào mồm. Hôm ấy, lang thang ở Hạ Hoà thì cơn khát rượu ập đến. Bóp trán nghĩ mãi mà chẳng tìm thấy một… địa chỉ nào có thể giúp mình giải toả bí bách ấy, Minh đánh liều, vào chợ Hạ Hoà. Chỉ mất vài phút quan sát, mắt Minh đã sáng nên khi thấy “con mồi” xuất hiện. Đó là một người đàn ông ăn vận lịch sự có chiếc ví căng đét sau hông. Vậy là a- lê- hấp! Chỉ bằng một động tác rất nhẹ, chiếc ví đã nằm gọn trong tay Minh.

Thế nhưng, hỡi ôi, lại một “tai nạn nghề nghiệp” nữa đến với “ông vua” móc túi ấy. Có lẽ bởi cơn vật rượu đã làm mắt Minh mờ đi, không nhìn rõ là chiếc ví đó đã được người đàn ông cẩn thận gài thêm chiếc khoá dây nhỏ xíu móc liền với cạp quần. Và, lần ấy Minh một trận no đòn và bị đưa về “bốt”. 42 tháng tù giam là cái giá mà Minh phải trả cho cơn khát rượu của mình.

Từng… chặt ngón tay, thề không móc túi

Minh kể về cuộc đời mình không được rành rọt. Có lẽ do vào tù nhiều lần và ở tù quá lâu nên Minh có vấn đề về trí nhớ. Thế nhưng, trong câu chuyện của mình, Minh nhớ rõ nhất 2 chi tiết mà theo Minh, dù có chết thì Minh vẫn không thể nào quên được.

Thứ nhất, ấy là những tháng ngày đầu tiên Minh bước chân vào thế giới của tội lỗi. Minh là con thứ hai trong gia đình có 4 người con. Bố mẹ Minh bởi ít chữ nên phải làm thuê làm mướn nuôi bầy con nheo nhóc. Có lẽ thấy cuộc sống không được học hành tới nơi tới chốn nên họ rất kỳ vọng vào những đứa con của mình.

Thế nhưng, hy vọng ấy nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng. Ngay từ nhỏ, Minh đã tỏ ra là một đứa con bất trị. Học xong lớp 1, một chữ cắn đôi còn ù ù cạc cạc, Minh bỏ học. Ngày ấy, nhà Minh ở ven thành phố Yên Bái, Minh lớn lên cùng đám trẻ hư nhếch nhác ở thị xã miền núi heo hút ấy.

Và, khi vừa biết tiêu tiền, Minh cùng đám trẻ cả ngày dặt dẹo ở ga, kiếm được thứ gì thì ăn thứ đó, chẳng thiết về nhà. Hồi đó, ga Yên Bái là điểm nóng của tệ nạn trộm cắp, móc túi, cướp giật. Minh và đám lâu la là một trong những tác nhân gây nên sự mất trật tự đó. Bởi là người nhanh tay nhanh mắt, Minh chọn móc túi làm kế sinh nhai cho mình.

Gặp mặt những 'quái nhân' sau song sắt

Chi tiết thứ hai mà Minh nhớ đó là vào cuối năm 1983, Minh từ trại tù về. Đó là lần thứ mấy được tha thì Minh không nhớ chính xác. Về tới nhà, Minh đã vô cùng hoảng hốt khi thấy trên bàn thờ có… di ảnh của mẹ mình. Không biết bởi quá chán đứa con bất trị ấy hay không mà khi Minh hỏi, mọi người chỉ đáp có một câu cộc lốc là “mẹ ốm chết” rồi ai làm việc nấy.

Thấy mình bị bỏ rơi, hắt hủi, Minh tủi lắm! Ngay khi ấy, Minh thề là sẽ làm lại cuộc đời. Minh bảo, đời Minh, đó là quãng thời gian đẹp nhất. Để có thêm trách nhiệm với đời, Minh muốn lấy vợ. Bởi sự lẻo mép của mình mà chỉ ít lâu tán tỉnh, người Minh muốn nên vợ thành chồng cũng rất có cảm tình với Minh.

Người con gái kia không sợ nhà Minh nghèo, nhưng chỉ e một điều, Minh lại ngựa quen đường cũ, lại tiếp tục cái “nghề”… móc túi của mình. Bởi thế, đã mấy lần ngỏ lời nhưng Minh vẫn bị cự tuyệt. Minh hứa, Minh thề thốt đủ đường mà “người ấy” vẫn không tin. Không biết làm cách nào, Minh bèn vận đến “nước cờ” cuối cùng.

Hôm ấy, đến nhà người yêu, Minh thủ theo con dao sắc lẹm. Tình tự, thấy đối phương vẫn chẳng tin mình, Minh rút phăng con dao kê ngón tay trỏ bên bàn tay trái lên miếng gỗ chém đánh “phập”. Khi cô gái còn đang hốt hoảng bởi hành động điên rồ ấy thì Minh tranh thủ… ngỏ lời. Đến nước đó thì có không thích thì cô gái cũng phải nhận lời. Vậy là Minh thành người có vợ.

Sự kiện Minh chặt ngón tay thề sẽ từ bỏ nghề móc túi khi ấy làm rúng động cả thị xã nhỏ bé khi ấy. Thế nhưng, niềm vui mừng của mọi người chẳng kéo dài được lâu. Làm người lương thiện chẳng dễ như Minh tưởng.

Gánh nặng gia đình khiến Minh mệt mỏi. Minh hay tìm đến rượu mỗi khi thấy bế tắc. Và, trong một lần say, thiếu tiền nhậu tiếp, ma khiến quỷ xui, Minh lại lao vào nghề cũ. Trò chuyện với tôi, Minh bảo, chặt mất một ngón tay cũng chẳng… ảnh hưởng nhiều đến cái “nghề” mà Minh đã nhiều năm gắn bó.

Tuy móc tiền như ảo thuật nhưng trăm lần thành thì cũng phải có một lần bại. Mỗi lần như thế là một lần vào trại. Bây giờ, Minh đã có 4 mặt con. Chúng là kết quả của những lần “về phép” ngắn ngủi của Minh khi trước. Tuy vậy, có một điều buồn là khi hỏi những người con của Minh hiện sống ra sao và ở đâu thì người cha tội lỗi đó lắc đầu không biết!

Còn hơn 2 năm tù nữa là Minh được tự do, nhưng chẳng ai dám chắc là Minh có thể “cải tà quy chính”. Ngay cả Minh cũng vậy. Minh không tin là mình có thể điều khiển được những ngón tay khó bảo của mình…

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

(Còn nữa)

Lê Trang

Theo Bưu Điện Việt Nam



Source: Zing

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments