Skip to content

1 Tháng Mười, 2011

“Những cây cầu ở quận Madison” và câu chuyện chuyển thể kịch bản

(Dân trí)- Chuyển thể một cách sinh động câu chuyện của Những cây cầu của quận Madison lên phim, Clint Eastwood được nhắc đến như một ví dụ tiêu biểu về khả năng đọc thấu tác phẩm văn học để tạo nên một tác phẩm điện ảnh xuất sắc.

Những cây cầu ở quận Madison là một cuốn truyện vừa của Robert James Waller. Cuốn truyện chia thành 7 chương nhỏ xoay quanh câu chuyện tình của một nhiếp ảnh gia (Robert Kincaid) và một phụ nữ đã có chồng (Francesca). Cuốn truyện vừa được viết bằng ngôn ngữ dung dị nhưng vẫn mang đậm chất ngọt ngào, lãng mạn của câu chuyện tình muộn. “…Francesca không trả lời, bà tự hỏi về con người say sưa với màu sắc của bầu trời, người có làm thơ chút ít và viết tiểu thuyết chút ít. Người chơi đàn ghi-ta tài tử, người kiếm sống bằng chụp ảnh và mang dụng cụ nghề nghiệp nơi ba lô đeo lưng, đi khắp các nẻo đường. Người giống như gió. Lung lay như gió. Và có lẽ sẽ trở về với gió…”. Những câu văn như thế đã dẫn dắt người đọc đi đến tận cùng cảm xúc của hai nhân vật chính.
 
Bộ phim là ví dụ tiêu biểu cho một tác phẩm điện ảnh chuyển thể thành công
 
Francesca sống ở quận Madison cùng chồng và 2 con. Người phụ nữ ấy từng ôm ấp biết bao ước mơ, hoài vọng về hạnh phúc, về cuộc sống. Khi kết hôn cùng Richard- người đàn ông thô cứng, vô tâm, những ước mơ của Francesca cũng bị bào mòn dần trong chức phận làm vợ, làm mẹ. Cuộc sống quẩn quanh trong khu bếp, mải mê với nội trợ đã khiến thời gian của Francesca trôi đi trong mệt mỏi, nhạt nhòa, người phụ nữ ấy thậm chí không còn nhớ mình là ai. Không còn nhớ đến những giấc mơ thời thiếu nữ. Không còn nghĩ đến việc chăm sóc bản thân. Không còn đợi chờ điều gì ở cuộc sống. Francesca bị bỏ quên ngay trong chính căn bếp của mình và giữa những người thân của mình.

Cho đến một ngày khi nhiếp ảnh gia Robert Kincaid đi ngang qua và hỏi thăm Francesca về những cây cầu có mái che ở quận Madison. Quyết định dừng xe hỏi thăm đường đến cây cầu có mái che của Kincaid không ngờ đã trở thành bước ngoặt làm đổi thay cuộc sống của cả hai người. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, cả Robert Kincaid và Francesca đã bị cuốn vào nhau. Francesca- vợ của một nông dân, trong một lần chồng đưa 2 con đi hội chợ, chị đã bị một nhiếp ảnh gia cuốn vào những giấc mơ của anh, chị đã bị anh đánh thức dậy những cảm xúc, những giấc mơ thời thiếu nữ… Francesca nhớ ra mình là ai. Tình yêu trở thành phép màu giúp Francesca sống lại những cảm xúc tươi đẹp giữa quãng đời tưởng như đã bị bỏ quên.

Tình yêu của họ đẹp như ngọn lửa bùng cháy một lần mãnh liệt để mãi mãi xa cách nhưng vĩnh viễn chìm đắm trong nhớ thương, trân trọng. Tình yêu ấy khiến cuộc sống của con người trở nên đáng sống trong cả kí ức lẫn giấc mơ…
 
Bối cảnh tuyệt đẹp trong phim

Ngay khi ra mắt, Những cây cầu ở quận Madison đã lập nên những kỷ lục phát hành. Cuốn truyện lập kỷ lục phát hành trong cả lần tái bản tiếp theo. Không phải ngôn ngữ, không phải chất văn chương lãng mạn, mà chính câu chuyện tình đầy day dứt của hai nhân vật chính đã tạo nên sức hấp dẫn cho Những cây cầu ở quận Madison.

Khi Những cây cầu ở quận Madison được chuyển thể lên phim, những ai từng đọc, từng day dứt, buồn đau cùng tác phẩm đã chờ đợi và kỳ vọng vào sự thành công của điện ảnh. Và, Clint Eastwood đã làm được hơn thế. Bộ phim Những cây cầu ở quận Madison đã được giới phê bình đánh giá, bộ phim hay hơn cả tác phẩm văn học.

Chuyển thể kịch bản từ tác phẩm văn học lên phim, Clint Eastwood chú tâm khai thác tận cùng diễn biến tâm lý, diễn biến cảm xúc của hai nhân vật chính. Câu chuyện được kể theo cách tự nhiên nhất với những tình tiết nhỏ nhất. Anh chồng- Richard mỗi lần đi ra khỏi nhà đều đóng sầm cửa lại khiến Francesca giật mình, nhưng Robert đi ra khỏi cửa lần nào cũng khép cửa dịu dàng. Từ những tình tiết nhỏ nhất, đạo diễn đã tạo ra những ấn tượng tương phản giữa nhiếp ảnh gia Robert và anh chồng nông dân- Richard.

Meryl Streep đã có một vai diễn xuất sắc với nhân vật Francesca. Sự lột tả đến mức tinh tế những cảm xúc từ bất ngờ, từ thú vị đến sự bối rối, hồi hộp… đã khiến Francesca của Meryl Streep trở nên sống động. Cảm xúc thú vị khi lần đầu Francesca mời Robert một tách trà, cảm xúc tò mò, bối rối khi Francesca đưa Robert đến cây cầu có mái che, cảm xúc ngại ngùng e thẹn khi chị nhìn anh qua chiếc cầu và để anh phát hiện ra, cảm xúc hồi hộp đến nghẹt thở khi Francesca mặc chiếc váy đẹp đi xuống nhà ăn tối của Robert… Những cảm xúc khác biệt với cung bậc tăng dần ấy đã được Meryl Streep chuyển lên màn ảnh một cách tài tình.
 

Sự cộng hưởng của khả năng khai thác xuất sắc diễn biến tâm lý nhân vật, khả năng khai thác triệt để từng tình tiết phim và cách kể chuyện tự nhiên, giản dị… đã khiến câu chuyện của Những cây cầu ở quận Madison có sức sống, có sự sinh động một cách cụ thể, rõ ràng.

Cách chọn bối cảnh phim cũng là một thành công khác của Clint Eastwood. Bối cảnh chật hẹp nhưng ấm cúng của ngôi nhà Francesca, bối cảnh những cây cầu có mái che màu đỏ… Tất cả đã làm nên một thị trấn Madison thật sự, đã khiến khán giả có cảm giác như căn bếp của bà nội trợ Francesca ngay gần đây, có thể chạy tới, có thể chạm tới, có thể lắng nghe được nhịp thở của nhân vật.

Chuyển thể một cách sinh động câu chuyện của Những cây cầu của quận Madison lên phim, Clint Eastwood được nhắc đến như một ví dụ tiêu biểu về khả năng đọc thấu tác phẩm văn học để tạo nên một tác phẩm điện ảnh xuất sắc.

****

Chuyển thể kịch bản là lần sáng tạo thứ 2 để mang đến cho tác phẩm một sức sống mới. Điện ảnh tuyệt nhiên không phải là sự mô phỏng lại tác phẩm văn học bằng hình ảnh. Trong tác phẩm điện ảnh ẩn chứa góc nhìn, cảm xúc cũng như cách tiếp cận tác phẩm văn học của đạo diễn. Để tác phẩm điện ảnh có thể vượt lên trên cái bóng của tác phẩm văn học đồng thời mang đến cho câu chuyện văn học một góc nhìn mới, một sức sống mới- đòi hỏi đạo diễn không chỉ hiểu thấu tác phẩm văn học, còn phải tìm ra được cách kể chuyện riêng cho tác phẩm điện ảnh.
 
Cánh đồng bất tận– một trong những tác phẩm điện ảnh chuyển thể
từ văn học của điện ảnh Việt Nam. Giới phê bình đánh giá,
bộ phim đã đi quá xa so với tác phẩm văn học.
 
Điện ảnh Việt đã có rất nhiều tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn học. Đời cát, Bến không chồng, Thời xa vắng, Mùa len trâu, Mê thảo thời vang bóng, Thung lũng hoang vắng, Chuyện của Pao, Cánh đồng bất tận… Trong quá trình chuyển thể, đã có những tranh cãi, đã có những nhà văn “không còn nhận ra tác phẩm của mình” khi xem phim… Thành công chưa nhiều, chỉ nhiều những tranh cãi trái chiều quanh quan điểm của nhà văn và nhà làm phim.

Đơn cử như bộ phim Cánh đồng bất tận. Khi đến xem phim, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có khéo léo nói với đại ý rằng, khi xem phim chị sẽ quên đi tác phẩm văn học. Với nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, khi viết về sự chuyển thể kịch bản của Cánh đồng bất tận, Nguyễn Thanh Sơn đã viết: “Những giá trị đáng trân trọng của tác phẩm (văn học) Cánh đồng bất tận, rất tiếc, đã bị đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đánh rơi trên con đường “phải đạo hóa” tác phẩm điện ảnh của mình. “Phải đạo hóa” bằng việc biến một bi kịch xã hội thành một bi kịch cá nhân- vợ Út Võ bỏ ba cha con đi theo một chú Chệt chỉ đơn giản vì những miếng vải đẹp; Út Võ hoàn toàn có thể sống một cuộc sống ổn định, làm một ông lái đò đưa học sinh tới trường nếu ông muốn vậy.

“Phải đạo hóa” bằng việc biến đám “cường hào mới” ở nông thôn, những kẻ phải chịu trách nhiệm về những đắng cay áp bức mà người nông dân phải gánh chịu thành đám lưu manh giang hồ vùng sông nước- ồ, bi kịch của người nông dân miền Tây chỉ xuất phát từ lỗi của chính họ, và hóa ra sự áp bức bất công mà họ phải gánh chịu cũng chỉ xuất phát từ những người cùng khổ như họ…

…Ban đầu, bộ phim đã có một sự khởi đầu khá tốt khi ống kính được đặt ở góc nhìn của Điền, nhưng ngay sau đó, bộ phim bị kéo lê thê bằng góc nhìn trung tính minh họa cho tác phẩm văn học”.
 
Cánh đồng bất tận bị cho rằng đã “photoshop” quá nhiều, chau chuốt
hình ảnh đẹp mà quên đi cốt lõi của câu chuyện phải là, những mảnh đời
bi kịch của người nông dân…
 
Để thấy rằng, xây dựng một tác phẩm cho riêng mình từ tác phẩm của người khác cần phải có một con đường để tiếp cận, phải có một góc nhìn, và trên tất cả, phải có một… tài năng./.

 
 
Hào Hoa

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments