Skip to content

30 Tháng Chín, 2011

Giảm tải toàn diện và triệt để: Có đáng gọi là “đột phá”?

(Dân trí) – Nhiều bạn đọc, nhất là các bậc phụ huynh học sinh, tỏ ra đồng tình và mong muốn chương trình bậc học phổ thông sớm giảm tải toàn diện và triệt để từ 12 năm xuống 10 năm – như một đề xuất gọi là “đột phá” đã đăng tải trên Diễn đàn Dân trí. >> Cải cách giáo dục từ khâu đột phá nào?

Tuy nhiên, khi chưa có đề xuất này, chủ trương “giảm tải sách giáo khoa” mà Bộ Giáo Dục đưa ra áp dụng ngay cho năm học này (2011-2012) có giống như đề xuất nói trên không?

 

Không nên chỉ giảm tải nửa vời

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Theo chủ trương “giảm tải” mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra, có thể cái gánh nặng trên vai học sinh giảm đi chút ít – để gần 20 triệu học sinh đỡ phải è cổ – nhưng quãng đường các cháu phải đi vẫn dài đủ 12 năm. Nếu vậy, ngân quỹ gia đình dành cho việc học hành của con cái chẳng giảm được một xu nào hết. Còn công sức thầy cô bỏ ra vẫn thế, vì tổng số tiết giảng trong thời khoá biểu đâu có giảm? Còn ngân quỹ Nhà Nước e rằng sẽ tốn hơn cho bộ sách giáo khoa mới (sẽ mang tên “giáo khoa giảm tải”?). Một suy nghĩ bi quan đã lấp ló hiện ra: Nếu giờ chính khoá giảm, thì các cháu sẽ có “điều kiện thuận lợi” để… học thêm ngoài giờ (!). 

 

Rốt lại, cuộc chiến vẫn cứ gian nan giữa một bên là nửa dân số – dùng tiền bạc, công sức và tuổi thơ –  cầm cự với bên kia là cái chương trình hàn lâm (cứ như nó định đào tạo hàng triệu nhà văn, nhà toán học?).

 

Tài thật, cái chương trình vốn vô tri, vô cảm, nhưng lại có sức nặng tự thân – như một khối đá sừng sững – làm oằn lưng cả triệu và triệu con người. Nghịch lý là… chính những vị “sáng tạo” ra cái khối đá này cũng chẳng sung sướng gì cho cam: Đã là cái gánh quá tải thì phải ốp tợn, người ta mới chịu gánh. Họ phải dùng quyền mà ốp các thầy cô và học sinh “khiêng” bằng được nó, lầm lũi bước đi đủ 12 năm. Cũng chính vì thế, họ phải chịu đựng nghe cả triệu và triệu lời ca thán… Hỏi có sướng nỗi gì?         
 

(ảnh minh họa – nguồn ảnh: internet)

 

Vẫn biết, học tập là gánh nặng, đường dài, người khác không thể làm thay. Nhưng nó cũng là niềm vui, nếu người học thấy mình đang tích cóp những thứ thật sự cần thiết để sau này vào đời. Ngược lại, nếu phải đeo đẳng cả những thứ vô tích sự, vừa học xong đã vứt ngay đi, thì gánh nặng bực bội mới thật ghê gớm.  

 

Nghĩ cũng lạ, phải vật lộn mấy thế hệ với cái “gánh nặng” vô lý đó mà sao  không quẳng nổi những phần chương vô tích sự đi. 

 

Phải chăng vì thiếu can đảm để nhìn nhận tình hình thực tế đất nước còn nghèo cũng như nguyện vọng tha thiết nhất của trẻ em được đến trường như ngày hội, được say mê với việc khám phá những hiểu biết mới mẻ từng ngày, chứ không phải nai lưng ra mang vác và nhồi nhét vào đầu những chồng sách chứa đựng nhiều điều vô bổ.

 

Không thể có ngay, nhưng giá mà có một lộ trình

 

Có lẽ tuyệt đa số các thầy cô cũng tán thành giảm tải, nhất là những vị đã lâu năm sống chết với nghề, nhờ vậy đã nhận ra vấn đề. Còn học sinh và phụ huynh thì khỏi cần nói. 

Do vậy, trong khi đông đảo phụ huynh và học sinh bằng mọi cách nêu nguyện vọng, kiến nghị… thì các thầy cô hãy  “hiến kế” (như Dân trí kêu gọi) bằng cách chứng minh rằng chuyện giảm bớt 2 năm cho chương trình của bậc phổ thông là rất khả thi mà chất lượng vẫn đảm bảo. Điều này giúp trấn an cho các nhà quản lý giáo dục để họ đủ can đảm: 1) từ bỏ quan điểm cũ, đã bám rễ quá sâu; và 2) dám thuyết phục quốc hội.


Không thể có chuyện bỗng nhiên, Bộ Giáo Dục tuyên bố thực hiện chương trình 10 năm, vì nó không thuộc thẩm quyền của Bộ, mà của Quốc Hội. Dẫu sao, duy nhất Bộ GD là nơi có quyền hạn và trách nhiệm trình đề án lên Quốc Hội. Sớm hay muộn, nhanh hay chậm, duy nhất tuỳ thuộc vào Bộ GD. Nếu có lực cản, thì nó nằm ngay ở Bộ GD. Nhiều người cho rằng: Nếu quyết tâm, chỉ cần một lộ trình 2 năm là mong ước của nửa dân số có thể thành hiện thực.

 

Có thật đây là một khâu đột phá?

 

Gọi là đột phá, nếu nó giúp phá vỡ cả một mảng bế tắc, đem lại hệ quả thật sự tích cực, đồng thời thật sự lớn và có sức lan toả.

 

Giảm bớt 2 năm trong chương trình phổ thông rõ ràng tiết kiệm phần ngân quỹ quốc gia chi cho giáo dục, Không nhỏ đâu (có thể ước tính), mà là lớn, vì tới 1/6, tức 17%. Ngân khoản dôi ra này có thể chi cho khổi việc – kể cả xây thêm phòng học để giảm số cháu ngồi lớp, cải thiện đời sống cho thầy cô. Ngân quỹ gia đình học sinh cũng giảm chi, giống như… được tăng lương. Chỉ sau 10 năm (thay vì 12 năm) xã hội có hàng triệu người đạt trình độ phổ thông, sớm bước vào đào tạo nghề nghiệp, sớm đóng góp cho gia đình và xã hội. Điều này tuy thật lớn, nhưng vẫn chỉ là lớn về số lượng. Do vậy, vẫn chưa lớn bằng chuyện thầy và trò trau dồi được cách dạy và cách học tích cực, phù hợp với xu thế thời đại. Hoá ra, “tiến kịp thời đại” không phải là nhồi nhét những cái hiện đại (sẽ lạc hậu nhanh) mà là biến học sinh từ chỗ được đào tạo thành tự đào tạo.

 

Họ xứng đáng là sản phẩm của một (trong những) nguyên lý giáo dục hiện đại: Giáo dục không nhằm tạo ra con người ngoan ngoãn, vâng lời (kiểu “tiên học lễ”); mà phải là con người không chấp nhận những bất cập xã hội (đây chính là “đức” theo quan niệm mới) và đủ năng lực khắc phục những bất cập đó (đây là “tài” theo quan niệm mới). Chất lượng này mới đáng gọi là tuyệt hảo. Khi đó, giữa hai cái phải chọn lấy một: Hoặc là bỏ cái khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn của Nho Giáo; hoặc là quan niệm lại về “lễ” và “văn”. Thời xưa, học trò chỉ cần học văn, sao cho “văn hay chữ tốt”. Nay khác rồi, còn biết bao thứ phải học.    

 

Cuối cùng, những thứ triết lý không thích hợp sẽ bị nhận dạng và sẽ tự đào thải, dù chẳng ai làm gì chúng. Liệu đây có phải điều lớn lao bao trùm nhất không?

 

Chúng ta phải làm gì để ước vọng thành hiện thực?

 

Dường như, mỗi lần bàn về GD lại thành dịp để mọi người kêu ca và góp ý “toàn diện”. Vì nhìn vào khía cạnh nào cũng thấy lòng bất an. Do vậy, nhiều khi “góp ý” chỉ có tác dụng xả bớt sự bực bội, mà ít tác dụng “hiến kế”. Các nhà quản lý – dù mọc ra 3 cái đầu – vẫn không đủ tai để nghe, và có nghe cũng không biết phải chiều theo ý kiến nào trong số ngàn vạn ý kiến tản mạn…  

 

Phải nói rằng kinh tế của VN chưa đủ sức gánh giáo dục. Rất có thể, giảm tải toàn diện xứng đáng được coi là khâu đột phá. Có lẽ, nên góp ý tập trung vào đấy. 

 

Có lẽ tuyệt đa số các thầy cô cũng tán thành giảm tải, nhất là những vị đã lâu năm sống chết với nghề, nhờ vậy đã nhận ra vấn đề. Còn học sinh và phụ huynh thì khỏi cần nói. 

Do vậy, trong khi đông đảo phụ huynh và học sinh bằng mọi cách nêu nguyện vọng, kiến nghị… thì các thầy cô hãy  “hiến kế” (như Dân trí kêu gọi) bằng cách chứng minh rằng chuyện giảm bớt 2 năm cho chương trình của bậc phổ thông là rất khả thi mà chất lượng vẫn đảm bảo. Điều này giúp trấn an cho các nhà quản lý giáo dục để họ đủ can đảm: 1) từ bỏ quan điểm cũ, đã bám rễ quá sâu; và 2) dám thuyết phục quốc hội.

 

Bài của tác giả Nguyễn Ngọc Lanh đã đề cập một số biện pháp. Nhưng vẫn còn rất nhiều biện pháp khác góp phần tinh giản chương trình mà chất lượng vẫn đủ cao. Ví dụ, áp dụng công nghệ dạy học của các nhà sư phạm lão thành Hồ Ngọc Đại, Phạm Toàn; sách giáo khoa kết hợp với phương tiện nghe nhìn sẽ giúp học sinh dễ tiếp thu tại lớp mà không cần lo chuyện ghi bài; đã có đủ điều kiện lập một ngân hàng bài giảng (do các thầy giỏi viết ra) để học sinh tự khai thác, tự học (dưới sự hướng dẫn); thi cử có thể cải tiến để người học lo “vận dụng” hơn là lo huy động trí nhớ… Hẳn là còn rất nhiều ý khác.

 

Đến đây, mới thấy một điều

 

Lẽ ra, những ý trên phải có nơi để thầy cô phát biểu. Đó phải là nơi mà các nhà quản lý GD buộc phải để mắt tới (tạm thời, nơi phát biểu những ý kiến về nghiệp vụ của chúng ta là báo Dân trí).

 

Quả thật, thầy cô cả nước thiếu nơi trao đổi nghiệp vụ sư phạm và tâm tư, nguyện vọng. Nói khác, rất cần một trang báo mạng để thực hiện việc này. Nó sẽ sống khoẻ vì có một triệu độc giả tiềm năng vun đắp nó. Tiếng nói đại diện cho một triệu thầy cô ai dám coi thường? Nếu tờ báo này lại có cả mảng bài thích hợp với học sinh và phụ huynh thì đây là tờ báo mạnh váo loại nhất nước. Hơn nữa, nó thiết thực hơn là cứ dịp khai giảng mỗi năm, các vị lanh đạo lại phát ra vô số lời hay ý đẹp để tán dương vai trò người thầy.

 

Tuy đã có tờ báo mạng mang tên “giáo dục” dù rất đáng đọc, nhưng hoàn toàn không phải chỗ để thầy cô trao đổi nghiệp vụ sư phạm – mà tung hoành trên đó chủ yếu là các nhà quản lý. 

 

                                                                   Lãnh Nguyên

 

LTS Dân trí – Những ngày vừa qua, Dân trí trở thành Diễn đàn để đông đảo bạn đọc nói lên trăn trở của mình về nhiều mặt tồn tại, yếu kém của giáo dục và đề xuất những giải pháp khắc phục, nhất là tìm ra khâu đột phá để “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục nước nhà nhằm đáp ứng đúng nhu cầu học tập của mọi nhà, trước hết là thế hệ trẻ, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

 

Bài viết trên đây nói lên sự đồng tình với đề xuất của GS,NGND Nguyễn Ngọc Lanh về việc giảm tải toàn diện-triệt để chương trình phổ thông từ 12 năm xuống 10 năm.

 

Các giai đoạn thực hiện chương trình phổ thông 9 năm (trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp) và 10 năm (sau khi giải phóng miền Bắc) chắc chắn có thể rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho việc tinh giản triệt để chương trình phổ thông rất nặng nề và nhiều phần không thiết thực đang áp dụng hiện nay.

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments