Skip to content

27 Tháng Tám, 2011

Du học sinh – doanh nghiệp: nhịp cầu còn trúc trắc?

TTO – Không còn là câu chuyện “ở lại” hay “quay về”, điều hầu hết du học sinh quan tâm tại diễn đàn “Doanh nghiệp và du học sinh – Chìa khóa cùng thành công” là câu chuyện làm sao để hòa nhập và phát huy bản thân trong doanh nghiệp tại Việt Nam.

Du học sinh – doanh nghiệp: nhịp cầu còn trúc trắc?

Diễn đàn diễn ra sáng nay 27-8 tại TP.HCM, do Hội Du học sinh TP.HCM (trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM) tổ chức, thu hút hơn 200 du học sinh, cựu du học sinh và đại diện nhiều doanh nghiệp.

Các du học sinh trao đổi với ông Trịnh Hoài Giang (bìa phải) – phó tổng giám đốc điều hành Công ty chứng khoán TP.HCM – Ảnh: Thiên Hương 

Thế mạnh và những “cái nhãn”

Những thế mạnh của du học sinh được các diễn giả và bạn trẻ cùng chia sẻ. Đây cũng chính là “lợi thế cạnh tranh” của du học sinh với các ứng viên khác trong hành trình săn việc.

Bà Tiêu Yến Trinh – tổng giám đốc Công ty Talentnet Corporation – nhấn mạnh ba thế mạnh của du học sinh: giải quyết vấn đề sáng tạo, chủ động trong mọi tình huống, có tầm hình khái quát.

Ông Trịnh Hoài Giang – phó tổng giám đốc điều hành Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) – cho biết, hiện có khoảng 15 nhân viên là du học sinh đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong Công ty chứng khoán TP.HCM. Theo ông, thế mạnh của các du học sinh còn là khả năng ngoại ngữ, trình độ giao tiếp với khách hàng nước ngoài, phong cách làm việc chuyên nghiệp và khả năng quản lý tốt.

Song, có lẽ vẫn còn đó “những cái nhãn” được dán cho du học sinh. Bạn Nguyên (du học sinh tại Malaysia) trăn trở: “Có nhiều ý kiến cho rằng một số công ty thường né tuyển dụng du học sinh vì cho rằng du học sinh thường có xu hướng đòi hỏi lương và lợi ích cao hơn so với sinh viên trong nước. Du học sinh cũng hay nhảy việc. Làm sao du học sinh vượt qua rào cản thành kiến đó để bước vào công ty mình mong muốn”.

Và những “cái nhãn” khác có thể kể đến như du học sinh dễ “sốc” với văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, kỳ vọng quá cao về mức lương và chức vụ so với thực tế năng lực của doanh nghiệp…

Đừng hỏi tại sao, hãy hỏi như thế nào

Khá nhiều lo lắng của du học sinh được chia sẻ tại diễn đàn: những kiến thức du học sinh lĩnh hội được liệu có phù hợp với môi trường công việc tại Việt Nam, làm sao du học sinh phát huy hết năng lực khi môi trường làm chưa thật sự chuyên nghiệp, có cách nào hòa nhập nhanh với văn hóa doanh nghiệp Việt Nam,,…

Ông Lê Trí Thông – phó tổng giám đốc ngân hàng Đông Á – thạc sĩ quản trị kinh doanh của ĐH Oxford – chia sẻ suy nghĩ khi quyết định trở về Việt Nam của mình: “Cầm tấm vé về Việt Nam nghĩa là bạn đã chọn con đường đầu tư lâu dài cả công sức lẫn chất xám. Ban đầu có thể bạn sẽ không hài lòng với mức lương và chức vụ của mình nhưng cơ hội thăng tiến của bạn sau này rất cao”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa (thứ hai từ trái sang, chủ tịch hội đồng quản trị HTX Thương mại TP.HCM – giải đáp các thắc mắc của du học sinh – Ảnh: Thiên Hương

Về vấn đề thu nhập, bà Tiêu Yến Trinh cũng chia sẻ, tuy lương ở Việt Nam có thể thấp hơn nhưng xét về điều kiện kinh tế và sự chênh lệch mức lương giữa các cấp lại có lợi thế hơn cho du học sinh về nước làm việc.

Tuy nhiên, vấn đề mà các diễn giả đặc biệt lưu ý du học sinh chính là phải tìm hiểu thị trường và các doanh nghiệp trong nước để không phải bỡ ngỡ.

Các bạn trẻ tham dự chương trình rất quan tâm đến câu chuyện du học sinh hòa nhập với môi trường doanh nghiệp Việt Nam – Ảnh: Thiên Hương

Bạn Nguyễn Bảo Huân (đang theo học ngành tài chính tại De Anza College, Mỹ) băn khoăn về việc môi trường làm việc tại VN chưa thật sự chuyên nghiệp, hạn chế sự phát triển năng lực của du học sinh.

Ông Trịnh Hoài Giang – phó tổng giám đốc điều hành Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) – nhấn mạnh yếu tố “yêu thích” khi chia sẻ với Bảo Huân: “Hãy xác định điều bạn yêu thích, biết mình phải làm gì, có những kỹ năng phù hợp, cam kết lâu dài với công việc và đừng quên tương tác với mọi người để truyền đạt ý tưởng của mình cũng như lắng nghe, tích lũy nhiều điều”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch hội đồng quản trị HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), chia sẻ: “Khi về nước, các bạn đừng nên đặt câu hỏi Why (tại sao) mà hãy đặt câu hỏi How (Làm như thế nào). Hãy tự trả lời những câu hỏi “tại sao” bằng cách tự tìm hiểu tình hình trong nước đồng thời đi tìm những giải pháp cho chính những vấn đề đang làm mình thắc mắc, trăn trở”.

Hội Du học sinh TP.HCM phát triển từ CLB Du học sinh TP.HCM, chính thức ra mắt vào ngày 10-7-2011, trụ sở tại số 5 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM. Diễn đàn “Doanh nghiệp và du học sinh – Chìa khóa cùng thành công” là một chủ đề trong chương trình “Du học sinh – Con đường sự nghiệp”. Đây là hoạt động thường kỳ nhằm giúp du học sinh có thêm thông tin, lời khuyên cho định hướng nghề nghiệp.

Thông tin thêm về diễn đàn, có thể truy cập website www.ovs-vietnam.org hoặc liên hệ email admin@ovs-vietnam.org.

  TRUNG UYÊN – THIÊN HƯƠNG 

>> OVS – kết nối tinh thần Việt
>> OVS tổ chức tour tham quan doanh nghiệp
>> OVS – Business tour 2008 dành cho các du học sinh
>> Chương trình “Khởi nghiệp tại quê nhà”
>> Ra mắt Hội Du học sinh TP.HCM

Source: Báo Tuổi Trẻ

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments