Skip to content

24 Tháng Tám, 2011

Một mình nỗ lực của TP.HCM là không đủ

TT – Dự thảo về kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang ăn xin nơi công cộng tiến đến xóa bỏ hiện tượng này năm 2015 của UBND TP.HCM được người dân ủng hộ, nhưng cũng không ít e ngại. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – trưởng bộ môn đô thị học, ĐH KHXH&NV TP.HCM – mở đầu cuộc trò chuyện bằng một quy luật.

Sự kiện & dư luận

Một mình nỗ lực của TP.HCM là không đủ


>> Giải quyết triệt để ăn xin?
>> 2015, TP.HCM không còn người ăn xin?

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – Ảnh: Gia Tiến

– Du khách nào đến những thành phố lớn và giàu nhất thế giới như New York, Paris cũng chú ý đến những người ăn xin lịch lãm chơi đàn, đứng làm tượng, trình diễn body art ở quảng trường, nhà chờ metro.

Lang thang, ăn xin là hiện tượng xã hội và lúc nào cũng có người thật sự cần được giúp đỡ. Để có hình ảnh đẹp, một mình nỗ lực của TP.HCM là không đủ.

* Nói vậy, có lẽ Đà Nẵng là TP duy nhất không còn người lang thang, ăn xin. Sao Đà Nẵng làm được việc này?

– Đà Nẵng nhỏ hơn TP.HCM rất nhiều về quy mô và dân số. Khi Đà Nẵng có chủ trương này, lượng người ăn xin dạt sang nơi khác. Trong dự thảo kế hoạch của TP.HCM, các giải pháp nói chung là ổn nhưng khó đưa vào thực tế.

Cần có thêm khảo sát, phân loại khoa học, trả lời câu hỏi: Họ là ai? Họ từ đâu đến? Đặc tính cá nhân (độ tuổi, trình độ, khả năng lao động…)? Tình trạng, hoàn cảnh?… Từ đó phân loại và định ra giải pháp cho từng nhóm: giúp đỡ hồi gia, đào tạo lao động, bảo trợ đời sống… Sau một thời gian thực hiện, tiếp tục khảo sát ở cả nơi nhập cư và xuất cư của đối tượng để tránh tình trạng lặp lại. Không thể liệt chung tất cả vào một gói.

Nên làm điểm

* Thật ra các giải pháp đó đã được TP.HCM thực hiện nhiều năm nhưng tình trạng người lang thang, ăn xin vẫn tái diễn và còn phát triển, biến tướng hơn trước…?

– Kinh nghiệm trong thực hiện chính sách là xây dựng đề án thật đầy đủ, sau đó chọn một hoặc hai điểm chốt để thực hiện thật kiên quyết. Hiệu ứng domino sẽ điều chỉnh những điểm khác. Người khuyết tật, người già, trẻ em ở các miền quê xa xôi không thể tự mình vào TP.HCM lang thang, ăn xin mà phải có những kẻ chăn dắt, trục lợi.

Vậy, trong chuỗi hành động cần phải bẻ gãy ở điểm này, nguồn này, thẳng tay với nhóm đối tượng này đầu tiên, tránh vòng luẩn quẩn “bắt cóc bỏ đĩa”. Muốn vậy, Chính phủ phải có luật, TP phải có quyền lập quy. Điều này dự thảo có đề cập nhưng không mạnh mẽ vì chưa có luật.

Trước mắt có thể ngăn chặn ở các khu vực trung tâm để giữ hình ảnh đẹp với du khách. Các TP giàu có khác vẫn tồn tại hiện tượng này, nhưng người ăn xin ở TP.HCM lại quá nhếch nhác và cố làm ra vẻ nhếch nhác để xin tiền. Họ đã đánh rơi lòng tự trọng.

* Nhưng dẫu có luật, có trị được những kẻ chăn dắt thì dường như vẫn chưa chạm được đến gốc của vấn đề.

– Gốc của vấn đề là khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch phát triển thành thị – nông thôn. Cách đây hai năm, năm trường ĐH ở Việt Nam phối hợp với Canada làm chương trình Xây dựng năng lực giảm nghèo giữa các địa phương. Khảo sát diện rộng cho thấy chênh lệch thu nhập giữa nhóm cao nhất và nhóm thấp nhất là 44 lần.

Vì vậy, một mình TP.HCM không thể giải quyết được vấn đề. Phải là chương trình của Chính phủ, liên kết các địa phương, phát triển nông thôn, tạo việc làm, tăng an sinh xã hội…

Ở các nước phát triển, người lang thang không phải người đói, cùng cực nhất vẫn có phiếu ăn miễn phí. An sinh xã hội được ví như túi hơi trong ôtô, đệm khí trong phòng cháy chữa cháy, giữ xã hội ổn định, con người thăng bằng, không rơi xuống dưới mức con người, không đánh mất nhân cách. Chúng ta có mục tiêu “phát triển vì con người”, phải nỗ lực để có an sinh xã hội tốt và các hiện tượng sẽ tự điều chỉnh.

Bài toán an sinh xã hội tầm quốc gia

* Lần này TP.HCM đã đưa ra giải pháp, lộ trình khá cụ thể: mở rộng nhà lưu trú cho người lang thang, dạy văn hóa, dạy nghề, liên hệ tìm việc làm, tổ chức sản xuất tại chỗ và tại địa phương…?

– TP.HCM không nên tổ chức cơ sở sản xuất tại chỗ. Nó sẽ đòi hỏi rất nhiều nguồn lực ở đầu vào, đầu ra, và nếu làm được tốt, dòng di dân tiêu cực càng đổ về. Với các nhà lưu trú, dưỡng lão, trung tâm bảo trợ, theo quan sát và kinh nghiệm thì chưa nơi nào làm tốt bằng các cơ sở tôn giáo. Ở đó, người cần được giúp đỡ sẽ được trợ giúp không chỉ vật chất mà cả tinh thần để lấy lại sự tự trọng và tự đứng dậy.

Nên liên kết với các cơ sở này. Khoản tiền đáng ra sẽ bảo trợ cho một người không có khả năng tự mưu sinh chúng ta tổ chức hồi gia, trợ giúp cho gia đình với cam kết có tính pháp lý để không tái diễn. Và lại quay về với bài toán an sinh xã hội ở tầm quốc gia.

* Trong các giải pháp đề ra, một điểm mới là kêu gọi người dân “không cho tiền người ăn xin” một cách trực tiếp. Ông nghĩ có khả thi?

– Người dân thành phố hiểu rõ những người ăn xin đều có chăn dắt, chưa kể kẻ lừa đảo, nhưng họ vẫn cho tiền, kể cả tôi. Vì sao vậy? Trước hết là nhu cầu của chính người cho. Như gặp một bà cụ đến xin tiền, tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi, tôi lấy ít tiền lẻ đưa cho con, bảo “Con biếu bà”. Như vậy, tôi vừa thỏa mãn được lòng mình, vừa giáo dục được con.

Tôi biết đồng tiền ấy vào tay kẻ chăn dắt, nhưng một phần nào đấy cũng giúp được bà cụ. Nếu trong 10 người tôi cho, 2-3 người là thật sự cần giúp đỡ, tôi vẫn chấp nhận. Nếu hoàn toàn không cho, chẳng phải sẽ có những người cùng quẫn bị từ chối sao! Về những người bị lợi dụng, chăn dắt, họ cũng có một khoản thu nhập đáng kể hơn so với ở nhà nên họ mới bằng lòng.

Người dân TP.HCM vẫn đóng góp cho các mái ấm, nhà mở, trung tâm từ thiện, vẫn chia sẻ, chăm sóc, hoạt động tình nguyện, và vẫn cho người ăn xin tiền lẻ. Hai hành vi đó không triệt tiêu lẫn nhau.

Xã hội là liên thông và tất cả phải cùng nỗ lực mới giải quyết được vấn đề. Tôi chưa hi vọng TP.HCM không còn người lang thang ăn xin, chỉ mong thấy những người đề nghị được nhận sự giúp đỡ của người khác một cách tự trọng.

Bất ngờ bị bắt vào trung tâm hỗ trợ xã hội

Trong dự thảo kế hoạch có chi tiết: tập trung các đối tượng lang thang, ăn xin vào trung tâm hỗ trợ xã hội, “không để sót trường hợp nào”. Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra một số trường hợp bắt nhầm như vụ ngày 7-8, năm thanh niên có gia đình, nghề nghiệp bỗng bị bắt vào trung tâm hỗ trợ xã hội khi đi chơi khuya, hơn một tuần sau mới được trả về sau khi người thân lặn lội từ quê vào bảo lãnh. Ngày 20-8, UBND phường 6, quận Gò Vấp đã tiến hành xin lỗi năm thanh niên trên.

PHẠM VŨ thực hiện

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments