Skip to content

15 Tháng Tám, 2011

“Làm phim bây giờ, càng giả dối, càng nhiều tiền”

(Dân trí) – “Tôi thấy phim truyền hình Việt Nam bây giờ giả dối kinh khủng. Phim nào cũng tràn ngập biệt thự, xe sang rồi nhà hàng, quán bar… trong khi, 80% dân số chúng ta là nông dân nghèo khổ,” đạo diễn của Thung lũng hoang vắng, Nhuệ Giang chia sẻ. >> NSƯT Thanh Vân: “Tôi và Nhuệ Giang là chuyện lửa gần rơm…” >> Nhuệ Giang – Thanh Vân giải thưởng không phải là mục đích

“Phim phải là cái nhìn của đạo diễn trước một vấn đề mang tính xã hội”

Sau Thung lũng hoang vắng, phải mất đến 10 năm im lặng, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang mới trở lại với điện ảnh. Lần này, chị mang theo Tâm hồn mẹ. Những câu chuyện về tình mẫu tử luôn khiến khán giả xúc động. Chị có ý định “lấy nước mắt” để đưa khán giả đến rạp xem Tâm hồn mẹ?

Không. Mặc dù sau khi chiếu cho các đồng nghiệp và hội đồng duyệt xem, đã có nhiều ý kiến nói rằng, phim xem rất cảm động. Phim của tôi chạm đến một vấn đề nhạy cảm, đó là trẻ em. Những đứa trẻ trong Tâm hồn mẹ lại là những đứa trẻ có đời sống vất vả, nghèo khổ. Bản thân câu chuyện, bản thân đề tài đã là những vấn đề đầy cảm xúc, mang tính nhân văn cao.

Nhưng tôi không quan trọng việc phim có lấy được nước mắt khán giả hay không. Điều quan trọng là bộ phim nói lên được những vấn đề vừa mang tính con người, vừa mang tính xã hội. Đó mới là mục đích chính của tôi khi làm phim này.

Phim khai thác những vấn đề phức tạp trong bi kịch của người phụ nữ. Cuộc sống mưu sinh vất vả. Vấn đề tình yêu, tình dục của một người đàn bà lao động. Những trớ trêu, mâu thuẫn giữa tiền bạc và tình cảm. Những diễn biến tâm lý bên trong một người mẹ trưởng thành và một người mẹ trẻ con.

Phim của tôi không dành cho những khán giả muốn đến rạp xem sự ồn ào, vui tươi, kích động. Phim khá lặng lẽ, ít thoại. Tuyến nhân vật không có những mâu thuẫn đối kháng ồn ào. Âm nhạc không vui tươi. Chỉ xem và suy ngẫm về những vấn đề đặt ra trong phim. Cũng có thể, sẽ có người nhớ lại tuổi thơ mình trong đó. Hoặc sẽ được nhìn tường tận một cuộc sống đang ngày ngày diễn ra dưới chân cầu Long Biên.

Phim không nói thành lời bất kỳ một ý tưởng nào. Chỉ có những nhân vật sống với nhau, và bên trong họ, mỗi người đều có một nỗi niềm…
 
Nhân vật chính của phim là một bé gái sống trong nghèo khổ, thiếu thốn tình thương…
 
Bộ phim Triệu phú ổ chuột đã gây tiếng vang, mặc dù, đề tài về những cuộc đời nghèo khổ không còn là một đề tài mới. Ngày nào báo chí cũng nói đến một hoàn cảnh cùng quẫn vì nghèo đói nào đó đang cần được giúp đỡ ngoài kia. Với Tâm hồn mẹ, chị có điều gì để khán giả bất ngờ trước một đề tài không còn mới?

Có nhiều người đã sống ở Hà Nội cả đời nhưng chưa từng đặt chân đến bãi giữa sông Hồng hay chân cầu Long Biên. Cầu Long Biên là biểu tượng gắn bó với Hà Nội, biểu tượng cho cái đẹp, trữ tình, lãng mạn. Nhiều người còn gọi bãi giữa sông Hồng là thảo nguyên. Nhưng, phía dưới chân cầu Long Biên ấy, ở bãi giữa sông Hồng ấy, đã và đang có những con người sống một cuộc sống không điện, không nước, những đứa trẻ sớm phải mưu sinh, bươn chải với cuộc đời.

Lấy bối cảnh là gầm cầu Long Biên, nhưng phim của tôi đặt ra nhiều góc nhìn cho khán giả sống ở nhiều nơi. Cũng có người xem phim của tôi xong đã nói, “em nhớ Hà Nội quá”. Những đứa trẻ nghèo khổ trong phim của tôi không mang tính điển hình. Ở Việt Nam, có quá nhiều những đứa trẻ như thế.

Phim của tôi là cái nhìn cận cảnh về số phận của một người lao động. Phim ảnh đưa đến cho người xem những gì cụ thể nhất. Càng chân thật, càng thành công.

Bạn hỏi tôi về điều đặc biệt của phim? Điều đặc biết là, khán giả có thể tìm được một thân phận riêng biệt. Nếu ngày ngày bạn vẫn nghe nói về những đứa trẻ nghèo, những số phận vất vả một cách chung chung, thì xem phim, bạn sẽ nhìn vào tận đáy tâm hồn họ.
 
Một cảnh trong phim

“Làm phim nhựa, lo nhất là… tiền”

10 năm trước, Thung lũng hoang vắng của chị đã ra rạp và được xếp vào dòng phim kén khán giả. Doanh thu đang là một vấn đề với các nhà làm phim. Để phim bán được vé, nhà sản xuất luôn phải chuẩn bị cả một “chiến lược” ra rạp. Chị đã có “chiến lược” cho Tâm hồn mẹ?

Việc đó, hãng phim truyện Việt Nam cũng đang lên kế hoạch. Thế hệ đạo diễn chúng tôi chỉ biết làm phim. Những việc còn lại không thuộc chuyên môn của mình. Tiền nhà nước cho để làm một phim nhựa bây giờ khoảng 3,9 tỷ, trong khi đó, số tiền để sản xuất một phim ít nhất cũng cần đến 5-6 tỷ.

Đứng trước một dự án phim nhựa bây giờ, lo nhất là tiền. Làm thế nào để đi xin được tiền làm phim? May mắn cho tôi, khi làm Tâm hồn mẹ, một tổ chức của Pháp sau khi xem kịch bản đã đồng ý tài trợ cho tôi thêm 2,7 tỷ. Họ còn sẵn sàng giúp tôi trong khâu hậu kỳ. Nói như vậy cũng để thấy, một bộ phim nghệ thuật phải cần đến bao nhiêu chất xám, cuối cùng ra rạp lại chẳng có ai xem. Trong khi, phim thị trường lại đắt vé.

Tôi đã đi xem một vài bộ phim thị trường, quả thực, tôi không thể chịu đựng nổi. Phải có cách nào đó, giáo dục hoặc tuyên truyền, để khán giả tẩy chay những phim nhảm nhí và đón nhận những phim nghệ thuật. Trước thực trạng điện ảnh thực tại, tôi thấy tiếc cho khán giả.

Cũng có thể, sẽ không có nhà phát hành nào đứng ra nhận phát hành giúp tôi bộ phim Tâm hồn mẹ. Có thể thế. Dù biết trước phim sẽ vắng khách, nhưng với những đạo diễn như chúng tôi, việc làm một bộ phim nghệ thuật đã nằm trong ý thức, trong quan điểm nghề nghiệp. Chúng tôi làm phim vì những thôi thúc bên trong, vì muốn thể hiện một cái nhìn trước những vấn đề xã hội. Tôi làm phim chỉ đơn giản vì mong muốn được làm.
 
 
Đạo diễn Nhuệ Giang (bên phải) chỉ đạo diễn xuất

Làm phim nhựa vừa phải lo chạy tiền làm phim, vừa không bán được vé, tiền không có… Đó là lý do 10 năm qua chị quay sang làm phim truyền hình để cuộc sống của chính bản thân vợ chồng chị đỡ vất vả hơn?

Chắc là thế. Trước đây vợ chồng tôi thực sự ngại làm phim truyền hình. Nhưng cuối cùng nhận ra, nghèo mãi cũng không được. Nghèo mãi sẽ hèn.

Hầu hết các nhà làm phim bây giờ đều thích làm phim với “chân dài”, với villa, biệt thự, xe sang… chỉ có vợ chồng đạo diễn Thanh Vân- Nhuệ Giang vẫn mải mê, rong ruổi với những phận người cơ cực. “Nghèo mãi cũng không được”. Lý do gì khiến anh chị vẫn không về phố, về biệt thự để làm phim truyền hình với các “chân dài”? Lý do gì khiến chị (dù nghèo) vẫn bỏ ra 10 năm để trăn trở với những phận người dưới chân cầu Long Biên?

Tôi thấy phim truyền hình Việt Nam bây giờ giả dối kinh khủng. Phim nào cũng tràn ngập biệt thự, villa, xe sang rồi nhà hàng, quán bar… trong khi, 80% dân số chúng ta là nông dân nghèo khổ. Tôi cũng đã đi làm phim truyền hình, làm đến phim thứ 2, tôi không chịu được.

Phim truyền hình nào cũng xoay quanh nội dung về “các loại tình yêu”. Tôi thích những bộ phim có tính xã hội hơn. Nhưng cuộc sống bây giờ là thế, cái gì càng làm giả ăn dối, càng nhiều tiền. Cái gì càng làm thật, càng ít tiền. Biết như thế, nhưng mình không thể thay đổi được tính cách của mình.

Tôi chỉ làm được những bộ phim khiến cho tôi có cảm xúc. Mình phải có cảm xúc, phim của mới có được cảm xúc. Ví dụ như Tâm hồn mẹ, bản thân câu chuyện về những đứa trẻ trong phim đã khiến tôi xúc động. Mỗi nghệ sỹ hãy đóng góp một tiếng nói về một cuộc đời, một vấn đề xã hội trong tác phẩm của mình.

Chỉ cần bước đến chân cầu Long Biên, bạn sẽ thấy, ở đấy có biết bao nhiêu thân phận…
 
Một cảnh trong phim

“Không phải vì tôi không có con mà cảm xúc làm phim của tôi nhiều hơn”

Ám ảnh về Tâm hồn mẹ đã theo chị suốt nhiều năm trời để có thể hoàn tất được bộ phim. Xin được hỏi, trong những ám ảnh ấy có cộng thêm cả niềm khát khao làm mẹ của chị?

Đó là sự tổng hợp của nhiều cảm xúc. Là ý tưởng mình thích. Là sự ám ảnh về một thân phận… Tất cả những điều đó hòa quyện vào nhau và tạo ra tác phẩm. Không phải vì tôi không có con mà tâm hồn mẹ ám ảnh tôi nhiều hơn những người mẹ khác. Không phải vì tôi không có con mà cảm xúc làm phim của tôi nhiều hơn.

Thêm một lý do nữa, tôi rất thích trẻ con. Từ bé tôi đã thích trẻ con chứ không phải đợi đến tuổi có thể làm mẹ. Làm việc với trẻ con vô cùng vất vả, nhưng tôi vẫn vui. Nhìn một đứa trẻ diễn đạt trong một phân cảnh, vô cùng thú vị.

Bản thân trẻ con, chúng nó không biết diễn. Chúng nó không có kỹ thuật. Ngay cả ở những đứa trẻ sớm đi đóng phim và có kỹ năng diễn cũng phải xóa sạch những kỹ năng ấy đi. Những diễn viên nhí của tôi, chúng đều là những đứa trẻ được vui chơi, sung sướng, bố mẹ nuông chiều, nhưng khi ra phim trường, chúng đã biết hóa thân vào những số phận nghèo khổ, vất vả. Tôi nghĩ, có thể những diễn viên nhí trong Tâm hồn mẹ sẽ khiến khán giả ấn tượng hơn cả những vai người lớn.
 
Vợ chồng đạo diễn Thanh Vân – Nhuệ Giang

Chị có nói, chị sẽ đặt Tâm hồn mẹ với tất cả những vấn đề của nó dưới một góc nhìn rất đàn bà. Góc nhìn đàn bà ấy là gì?

Lòng yêu thương, sự hy sinh… Người đàn bà nào cũng có những phẩm chất “dại dột” đó. Tôi đặt bộ phim dưới góc nhìn nhân tính. Người phụ nữ khi yêu họ sẵn sàng hy sinh cả bản thân cho người mình yêu. Ngay cả khi, tình yêu ấy là mù quáng, ngu dại.. Tôi đưa vào phim hai hình ảnh đối lập, một bà mẹ trưởng thành, và một bà mẹ trẻ con (Em bé gái thiếu thốn tình cảm của mẹ đã cố gắng bảo vệ, chăm sóc cho cậu bạn của nó như một người mẹ). Trong khi, người mẹ trưởng thành nông nổi, sai lầm bao nhiêu, người mẹ trẻ con lại chín chắn, già dặn, mạnh mẽ bấy nhiêu… Đó là bộ phim của tôi.

Hiền Hương thực hiện.

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments