Skip to content

13 Tháng Tám, 2011

Bạo loạn Anh: ngọn núi lửa còn đó!

TT – Tin tức cho đến nay cho rằng chính cái chết của người thanh niên tên Mark Duggan, bị bắn trọng thương ở Tottenham trong khi bị an ninh vây bắt rồi chết sau đó trong bệnh viện, đã dẫn đến việc gia đình cùng hàng xóm người thanh niên này kéo đến đồn cảnh sát Tottenham đòi trả lời về trường hợp cái chết của Duggan.

Bạo loạn Anh: ngọn núi lửa còn đó!

Nhóm thân nhân chưa hài lòng với việc giải thích của một thanh tra cảnh sát đã đòi gặp cấp cao hơn, song không được nên… đốt hai xe cảnh sát dẫn đến bạo động trượt dài: phá làng, phá xóm, hôi của cùng khắp ngoại ô London và các tỉnh lẻ, mà cho tới nay, theo cảnh sát, là do các băng đảng.

Nếu vụ việc chỉ gồm có chừng đó thì rõ ràng nước Anh đang điêu đứng vì nạn côn đồ, băng đảng. Có ý kiến cho rằng tình hình đã xấu đi sau khi chính phủ cắt giảm nhân số cảnh sát để giảm tải ngân sách. Để bù đắp sự thiếu hụt đó, có tin dân chúng tự tập hợp thành tự vệ phố phường để tuần tra, tự bảo vệ…

Nếu đúng như thế, giải đáp cho vấn đề có lẽ sẽ là bố trí lại ngân sách và nhân lực cảnh sát sao cho đủ lực lượng đảm nhận công tác trừ gian. Nghĩa là tăng cường bộ máy cảnh sát ở một nước mà cho đến nay vẫn tự hào là camera theo dõi lắp đặt tứ phương đủ để bảo đảm an ninh, rằng cảnh sát sắc phục vẫn không cần mang súng!

Song vấn đề không đơn giản như thế. Thanh thiếu niên phạm pháp gia tăng, như đã thấy ở Anh, đặc biệt ở một số cộng đồng da màu nhập cư, là một vấn đề nan giải hơn nhiều, mà chìa khóa chính là giáo dục sao cho khả năng hội nhAập xã hội (từ lối sống, nếp sống, sinh hoạt, công ăn việc làm, giải trí…) ngày càng dễ dàng hơn. Ngược lại, một khi giáo dục thất bại, hội nhập xã hội sẽ không thành nơi mỗi cá nhân, và từ mỗi cá nhân ấy tạo thành từng nhóm cá nhân, từng nhóm xã hội – nghề nghiệp không hội nhập xã hội, dễ chuyển thành băng đảng…

Người lãnh đạo nhà thờ Anh giáo, tổng giám mục Canterbury, tiến sĩ Rowan Williams cho rằng “các vụ bạo loạn này phản ánh một sự suy đồi tính công dân, ý thức công dân, trách nhiệm công dân cùng chung với nhau”.

Một tổng giám mục khác, tổng giám mục York, tiến sĩ John Sentamu thì cho rằng sự thất bại của nhà trường, của nền giáo dục quốc gia trong việc hình thành nơi học sinh một nền tảng văn hóa công dân có trách nhiệm, đã dẫn đến điều gọi là văn hóa băng đảng làm cơ sở cho những toan tính sống còn của những thứ lớp xã hội ích kỷ sống chỉ cho riêng mình. Tiến sĩ Sentamu trách: “Chúng ta đã tạo nên một thần linh mới, thần ích kỷ và lợi ích cá nhân”.

Cũng có ý kiến cho rằng chính sự bất công trong xã hội đã tạo thành văn hóa băng đảng: người nhập cư nghèo chỉ có được trường lớp “nghèo”, và sau đó là không kiếm được việc làm trong một xã hội mà hố ngăn cách giàu nghèo có thể đo được qua quần áo mua ở siêu thị Harrods hay “giẻ rách” trên người!

Và cảnh sát, vốn yên ổn với các lớp xã hội nhung lụa, sẽ nhìn thấy nơi các nhóm xã hội nghèo khó này như là những nhóm băng đảng tiềm năng hay trá hình không biết lúc nào sẽ bùng nổ.

Việc nay Chính phủ Anh định huy động quân đội dẹp loạn bất quá chỉ để chữa cháy, vãn hồi an ninh công cộng chứ ngọn núi lửa vẫn còn đó.

DANH ĐỨC

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments