Skip to content

12 Tháng Bảy, 2011

Bắc Kinh và câu chuyện xe đạp điện

(Dân trí) – Nhân viên văn phòng David Dai là một thành viên của “đội quân” ngày càng gia tăng tại Bắc Kinh, quay trở lại với phương tiện giao thông hai bánh. Nhưng giờ người đàn ông 28 tuổi không dùng sức của đôi chân, mà anh mua một chiếc xe đạp điện.

 
Xe đạp điện hiện là phương tiện đi lại của hàng trăm ngàn người tại Bắc Kinh.

Những cỗ máy chạy bằng pin, “câm lặng” gần như tuyệt đối này đang ngày càng trở nên phổ biến trên đường phố thủ đô Trung Quốc. Do đường sá thường xuyên bị kẹt cứng xe hơi (Bắc Kinh hiện có 4 triệu chiếc), xe đạp điện trở thành cách đi lại khá nhanh và thuận tiện.

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích cỗ máy được xem là thân thiện với môi trường này, bởi giới chức chính phủ vẫn chưa biết phải đối phó với “làn sóng” bùng nổ xe đạp điện như thế nào.

 

Từ chuyện tắc đường

 

Trung Quốc từng được mệnh danh là “vương quốc xe đạp”. Trong những năm 1980, cứ 5 người tham gia giao thông ở Bắc Kinh lại có 4 người đạp xe tới nơi làm việc. Nhưng khi người dân thủ đô trở nên giàu có hơn cùng với sự phát triển của nền kinh tế, họ “quẳng” xe đạp đi để sở hữu một chiếc xe bốn bánh.

 

Những số liệu thống kê gần đây cho thấy chỉ 1/5 người dân thành phố dùng xe đạp để đi lại.

 

Chỉ trong vòng có vài năm Bắc Kinh đã biến chuyển từ một thành phố có vài chiếc xe hơi tư nhân trở thành thành phố mà tắc đường, kẹt xe là chuyện cơm bữa.

 

Tuy nhiên, giờ đây nhiều người Bắc Kinh mua xe đạp điện để khỏi mất thời gian với những con phố kẹt cứng xe cộ.

 

“Tôi chỉ mất có 10 phút để đi xe đạp điện từ nhà tới nơi làm việc”, Dai cho hay. “Nếu tôi bắt xe buýt, tôi cũng phải mất thời gian để chờ đợi và rồi sau đó tôi lại có thể bị mắc kẹt trên một tuyến phố nào đó. Tôi có thể phải mất nửa giờ để đi trên cùng một đoạn đường”.

 

Những chiếc xe đạp điện này được bày bán khắp mọi nơi, thậm chí còn có những dãy phố chuyên bán. Chúng được xếp hàng gọn ghẽ trên vỉa hè.

 

Zhang Zhiyong, chủ của một cửa hàng bán xe đạp điện có “thương hiệu” “Gió thủ đô”, cho biết có thể dễ dàng thấy lý do vì sao loại hàng này bán chạy đến vậy. “Bắc Kinh không giống các thành phố nhỏ khác. Nếu mọi người đạp xe tới nơi làm việc, họ sẽ bị mệt. Còn nếu họ lái xe, đường sá sẽ bị tắc nghẽn. Nhưng một chiếc xe đạp điện lại rất thuận tiện và thân thiện với môi trường. Khuyến khích dùng loại xe đạp này sẽ có lợi cho tất cả chúng ta”.

 

Và dĩ nhiên, xe đạp điện rẻ hơn xe hơi rất nhiều. Loại đắt nhất trong cửa hàng của ông Zhang cũng chỉ có giá 390USD.

 

Đến rắc rối định nghĩa xe đạp điện

 

Nhưng không phải tất cả mọi người đều bị thuyết phục trước lý lẽ của người chủ cửa hàng Zhang. Nhiều người đạp xe đạp bình thường phàn nàn rằng xe đạp điện, loại xe chạy nhanh và “câm lặng”, tràn ngập khắp thành phố, là một mối đe dọa đối với những người đi đường khác.

 

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đưa ra hướng dẫn để xem loại xe nào có thể được coi là xe đạp điện. Mới đầu, giới chức nước này có kế hoạch đưa ra định nghĩa về xe đạp điện là loại xe nặng dưới 40kg và đi với tốc độ dưới 20km/h.

 

Còn một chiếc xe đạp mà nặng hơn và đi nhanh hơn thế sẽ được coi là xe máy điện. Và những người sở hữu những cỗ máy lớn hơn đó phải có bằng lái, phải đăng ký xe và phải mua bảo hiểm.

 

Tuy nhiên, chính phủ đã phải từ bỏ việc đưa ra hướng dẫn mới đó, sau khi bị công chúng phản đối kịch liệt.

 

“Đã có một cuộc thảo luận lớn ở Trung Quốc về việc phải đối phó cụ thể như thế nào đối với những chiếc xe đạp điện”, Vance Wagner, người làm tại một trung tâm nghiên cứu giao thông của Bộ bảo vệ môi trường Trung Quốc, cho hay.

 

Nhưng với số lượng xe đạp điện ngày một gia tăng, chính phủ Trung Quốc khó mà trì hoãn mãi quyết định phân loại chúng như thế nào.

 

“Nhiều người không nhận ra rằng số xe đạp điện đang thực sự tăng mạnh hơn cả số xe hơi”, Wagner giải thích.

 

Thời gian gần đây, số lượng xe đạp điện bán ra giảm nhẹ, do mọi người đợi xem chính phủ sẽ đối phó với vấn đề định nghĩa xe như thế nào.

 

Tuy nhiên, thực sự còn có một điều khác đang làm giảm doanh số bán của loại xe này. Một số chuyên gia tin rằng chúng chỉ là một hình thức giao thông “quá độ”, một sự kết nối giữa loại xe đạp bình thường và xe hơi.

 

Giống như quan điểm của Richard Liu, một người đi xe hơi, thì xe hơi là một chỉ dấu cho thấy địa vị của một người, càng thành công thì xe hơi của họ càng lớn, càng đắt tiền. “Tôi nghĩ 80% người Trung Quốc muốn có xe hơi, thậm chí ngay cả khi họ không có nhiều tiền, họ sẽ mua xe rẻ”, anh cho hay. Vì vậy, theo anh mặc dù hiện nay phổ biến, xe đạp điện chắc chắn sẽ không được mọi người muốn sử dụng vào một ngày nào đó.

 

Phan Anh

Theo BBC

 

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments