Skip to content

11 Tháng Bảy, 2011

Tôi thi rớt đại học

Translate.com.vn – Cách đây năm năm, Lê Thị Mỹ Yến thi rớt ĐH, hiện đang làm việc ở một công ty chuyên sản xuất, cung cấp thang cáp, máy cáp và tủ điện tại TP.HCM. Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Mỹ Yến nói:

Gặp gỡ đầu tuần

Tôi thi rớt đại học

– Phải bước vào đời sớm, tôi gặp rất nhiều khó khăn, có khi thất bại… Có thể không hẳn là thành công nhưng đến thời điểm này, so với nhiều bạn cùng trang lứa, tôi hài lòng với bản thân và những gì mình làm được.

Sau khi tốt nghiệp THPT, cũng như bao bạn bè khác, tôi thi ĐH với mong muốn có một công việc tốt sau khi ra trường. Nhưng gia đình tôi có đến sáu anh chị em, cuộc sống khó khăn nên các anh chị tôi không được học đến nơi đến chốn. Để cho con vào TP.HCM học ĐH là một điều không đơn giản. Tôi dự thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ để thử sức mình. Và tôi đã rớt…

* Khi thi rớt bạn có suy sụp tinh thần?

– Tôi đã chuẩn bị tâm lý từ trước vì sức học của tôi rất bình thường. Lúc đó tôi không có ý định buộc mình phải đậu ĐH. Hơn nữa, nếu tiếp tục nuôi dưỡng quyết tâm vào ĐH bằng việc luyện thi sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Do đó tôi chọn con đường khác cho mình… Tôi có suy nghĩ học ĐH không phải là con đường duy nhất bước vào đời và để có sự thành công. Nhưng thú thật nhìn các bạn của mình bước vào ĐH, tôi rất ngưỡng mộ họ.

* Lúc đó bạn đã chọn con đường nào cho mình?

– Năm đầu tiên ở Sài Gòn tôi rất vất vả. Tôi chỉ làm được một số việc để bám trụ lại thành phố. Do không có nghề nghiệp, tôi cố tìm cho mình một chân tạp vụ tại một công ty tư nhân, làm công việc quét dọn, vệ sinh văn phòng… Một năm sau đó, tôi theo học trung cấp kế toán tại Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM vào các buổi tối. Tôi vừa làm vừa học. Tôi xác định mình đi làm để có thể được đi học. Tôi học những gì cần học để có kiến thức cho công việc tôi mong muốn sẽ được làm. Một thời gian sau, tôi được người quen giới thiệu và vượt qua cuộc phỏng vấn tuyển dụng để vào làm việc ở bộ phận chăm sóc khách hàng tại một công ty chuyên cung cấp phần mềm trong lĩnh vực giáo dục. Trong mấy năm qua, tôi đã vài lần thay đổi công việc ở các công ty khác nhau.

* Tại sao bạn nhảy việc nhiều như vậy?

– Rất nhiều nhân viên kinh doanh thay đổi công việc chứ không phải riêng tôi. Khi thay đổi sang lĩnh vực khác họ sẽ có những mối quan hệ mới, học hỏi thêm nhiều điều mới, từ đó tạo cho họ những cơ hội mới. Sự thay đổi này để tìm kiếm một cơ hội tốt hơn chứ không phải vì chạy theo mức lương cao hơn. Tôi cũng vậy.

* Bạn có cho rằng mình may mắn?

– Nếu nói may mắn thì một số người cũng có cơ hội vào công ty đó nhưng họ đã không làm tốt và thất bại. Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều vì tôi biết mình là người không được đào tạo bài bản. Tôi cho rằng quan trọng là tôi đã cố gắng và biết nắm bắt cơ hội.

* Bạn có từng gặp thất bại?

– Tất nhiên, tôi từng thất bại do còn non kém nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng do tôi lượng được sức mình. Quá trình làm việc khi gặp tình huống khó khăn tôi luôn nhờ đồng nghiệp đi trước giải quyết giúp và tôi tự làm khi gặp tình huống tương tự ở lần sau. Điều quan trọng nhất của một người đi làm là phải biết quan sát, tự học hỏi, không đợi ai đó cầm tay chỉ việc.

* Bạn có cho rằng có tấm bằng ĐH mình sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn?

– Tôi nghĩ tấm bằng ĐH chỉ là “giấy thông hành”, không khẳng định chính xác năng lực của một người. Bằng cấp sẽ không có ý nghĩa nếu bạn không chứng tỏ được năng lực. Tôi vừa thi tốt nghiệp trung cấp xong và hiện cũng chưa cầm tấm bằng trong tay, nhưng tôi vẫn đang có quá nhiều việc phải làm. Trong quá trình làm việc tôi cũng nhận thấy người ta đánh giá nhân viên qua năng lực thực tế và trả lương theo hiệu quả công việc chứ không phải theo bằng cấp.

* Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng luôn đưa ra điều kiện ứng viên phải có bằng cấp, kinh nghiệm…

– Nhiều người nghĩ mình không có bằng cấp sẽ bị loại ngay từ vòng ngoài khi xin việc. Không phải vậy, tại sao không giới thiệu “thương hiệu bản thân” với nhà tuyển dụng. Tôi vài lần đăng ký tuyển dụng trên mạng, làm hồ sơ giới thiệu về mình. Và họ đã gọi tôi… Khi được gặp nhà tuyển dụng thì bạn đã có hơn 50% cơ hội chiến thắng.

Có rất nhiều vị trí công việc nên phải biết chọn cho mình một công việc phù hợp. Nếu xác định khả năng của mình chỉ làm được công việc đơn giản trong một công ty thì tại sao không bắt đầu từ đó mà buộc mình phải làm những vị trí cao hơn? Khi có việc rồi bạn phải khẳng định mình ở vị trí đó và đó là bước đệm để phát triển… Muốn một bước lên cao ngay là không thể. Tôi chưa từng nghĩ không vào được ĐH là tôi thất bại.

* Bạn nghĩ gì khi rất nhiều bạn trẻ chọn con đường phải vào ĐH?

– Các bạn cần lượng sức để có sự lựa chọn phù hợp. Tôi nghĩ, một đích đến không chỉ có một con đường duy nhất.

* Làm thế nào để biết được năng lực của mình ở đâu?

– Bạn hiểu rõ mình hơn ai hết. Tôi luôn đưa ra một mục tiêu ban đầu, nếu đã cố gắng nhưng thất bại thì tôi trở lại mức thấp hơn để làm bước đệm cho những bước tiếp theo. Thực tế có nhiều bạn trẻ chê học nghề, học trung cấp. Thật ra cơ hội luôn trong tầm tay mỗi người. Các bạn biết mình không bằng người khác thì phải cố gắng hơn. Đó là cơ hội để bạn tiến xa hơn trong công việc.

* Bạn có dự định học tiếp lên ĐH?

– Hiện tại tôi chưa có ý định đó. Tôi đang tiếp tục theo học những gì cần cho công việc của mình. Tôi thường xuyên tự đào tạo bằng cách học trên Internet, học từ đồng nghiệp, bạn bè để trang bị kỹ năng cho mình.

Bạn Trần Ngọc Anh Thư – Ảnh: Trần Huỳnh

 

Trần Ngọc Anh Thư (sinh viên năm 2 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):

Cần đánh giá đúng năng lực bản thân

* Bạn đã thấy mình thay đổi gì sau khi trở thành một sinh viên ĐH?

– Sau một năm ngồi trên ghế giảng đường ĐH, tôi đã học được khá nhiều điều bổ ích cho bản thân. Tôi hiểu được điều quan trọng đối với mỗi người trẻ là tinh thần vượt khó. Thực tế cho thấy không có ai thành công mà không trải qua nhiều thất bại. Đây là điều trước khi vào ĐH tôi chưa nhận thức được nên khi đó tôi luôn bị mặc cảm, tự tôn hay tự ti, còn có ý tưởng ỷ lại vào gia đình hay thầy cô giáo, đôi khi đổ lỗi cho hoàn cảnh…

* Lựa chọn duy nhất của bạn là phải vào ĐH?

– Trong trường phổ thông, không chỉ tôi mà tất cả bạn bè ai cũng đặt ra mục tiêu cho chính mình là phải vào được ĐH. Là một học sinh giỏi của trường chuyên tỉnh, không chỉ bản thân tôi mà hầu hết bạn bè và cả phụ huynh của chúng tôi đều mang một áp lực rất lớn này. Nhưng chúng tôi cũng tự tin vào năng lực học tập của chính mình và dự thi vào ĐH. Nếu rớt ĐH tôi sẽ tiếp tục thi lại… Nhưng nếu thất bại nữa tôi sẽ chấp nhận học ở bậc thấp hơn.

* Đang là sinh viên kinh tế, đây có phải ngành học bạn yêu thích hay chỉ chọn theo phong trào?

– Đây là ngành học tôi yêu thích thật sự nên đã chọn. Tôi từng nghe các giảng viên cho biết một vài nguyên nhân dẫn đến sự sai lầm trong việc chọn nghề của các bạn trẻ là do xã hội đang tồn tại một quan niệm

coi thường nghề thợ, thành kiến của xã hội coi lao động chân tay là nghề thấp hèn, không đánh giá đúng năng lực của bản thân… Có lẽ vì thế mà không ít trong số bạn bè tôi đang rơi vào tình cảnh này, mỗi ngày họ phải vật lộn với những môn học chẳng chút hứng thú. Đây là bi kịch của các bạn đó.

TRẦN HUỲNH thực hiện

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments