Skip to content

4 Tháng Bảy, 2011

Dân văn phòng tan sở sớm về cúng rằm

(Dân trí) – Nữ nhân viên văn phòng “lạm” giờ về nhà cúng rằm. Cánh đàn ông cũng “tấp tểnh” từ giữa giờ chiều về đưa vợ đi chợ, đi chùa… Dân văn phòng được một ngày tranh thủ. >> Linh thiêng ngày Tết Nguyên tiêu >> Linh thiêng ngày Tết Nguyên tiêu

Hơn 4h chiều, đường phố đã đông chặt xe cộ. Từ các tòa nhà văn phòng, công sở, dòng xe đổ ra kéo hàng dài, tắc nghẹt đầu phố Hai Bà Trưng, đoạn từ ngã tư Lê Duẩn tới tận cổng chùa Thiên Phúc (ngã tư Cao Bá Quát). Người nào cũng dáng vẻ vội vã. Những chiếc xe nổ máy ì ì, chỉ chờ cơ hội thấy khoảng trống là vù ga len lên. Nhiều xe đã treo sẵn nào gà nào xôi, nào hoa, hương, tiền vàng chuẩn bị cho mâm cơm cúng rằm.
 
Cúng rằm “tối giản” cũng cần 1 đĩa xôi, khoanh giò.

Chợ Hôm 16h30, khu vực bán quần áo, vải vóc đã “tịnh” trong khi dãy hàng thực phẩm tơi tới khách. Ngay cổng chợ, 3-4 hàng xôi oản, bánh chưng, giò chả… bán không ngớt tay. Một bà chủ hàng mặt đỏ bừng, mồ hôi rịn trán vừa luôn miệng vời khách vừa chỉ người đàn ông đang khệ nệ bê ra một khay lớn xôi gấc ý bảo còn hàng.

Chạy xốc ra giúp chồng đặt khay lên quầy, chị hàng vội quay lại bỏ xôi, chè kho vào túi cho khách và xoay sang cắt giò, miệng vẫn không ngớt đọc giá: 30.000đ/đĩa xôi, 20.000/đĩa chè kho, chè lam, bánh cốm, 30.000/2 lạng giò lụa.
 
Hàng gà bên cạnh, bà chủ cũng không ngơi tay gói gà cho khách. Lật đật mang con gà vàng mỡ màng, mỏ cài sẵn hoa hồng, luồn qua cửa kính ô tô cho vị khách đỗ bên đường, chủ hàng vừa phán gọn: “150.000đ/cân, đắt hơn ngày thường một chút. 1 cân 3 lạng rưỡi, tính tròn 200.000đ” rồi giật nhanh tờ tiền trên tay khác, quày quả quay lại sạp hàng.

Vị khách lái ô tô tiếp tục gọi vời sang hàng bên cạnh lấy đĩa xôi gấc. Chị cũng thoáng băn khoăn vì giá cả nhưng cũng nhanh chóng gật đầu, móc ví lấy tiền trả cho nhanh còn về kịp cúng, cả nhà đã đợi sẵn, chậm chút nữa tắc đường không về nổi. “Cả năm có một ngày rằm. Cũng phải tranh thủ nghỉ sớm ở cơ quan rẽ qua chợ sắm đồ. Muốn mặc cả, chặt chẽ ngày này cũng không được, mất việc”, chị giải thích.

Thực phẩm trong chợ ghi nhận tăng vài giá so với những ngày đã hạ nhiệt sau tết. Già sống làm sẵn 100.000kg, thịt nạc vai 90.000đ/kg… Rau xanh thì vẫn giữ giá khá dễ chịu.
Đông nghẹt người cúng lễ trong chùa Quán Sứ.

Rời khỏi hàng bán đồ ăn sẵn với bát canh bóng 50.000đ, sắp sẵn trong bát nhựa dùng một lần, về chỉ cần đổ nước dùng rồi đặt lên mâm, chị Hồng (Hàm Long) vẫn nguyên bộ trang phục công sở. Chị cũng cảnh tranh thủ “lạm” chút giờ buổi chiều về làm mâm cơm cúng rằm. Ông xã công tác tại một tòa án quận cũng kết thúc ngày làm sớm qua đón vợ đi chợ, đang chờ phía ngoài. Chị lên sẵn kế hoạch làm cơm đơn giản, vài món mặn, cúng sớm để tối vợ chồng còn lên Phủ Tây Hồ lễ giải hạn.

“Cơ quan từ trưa đã “lác đác” vắng. Đến giữa giờ chiều thì tất cả đều rập rạp đứng dậy. Tôi cố soạn nốt cái công văn nên gần như rời phòng sau cùng. Các sếp cũng thông cảm, gia đình nào chẳng phải cúng rằm”, chị Hồng “thanh minh” việc lạm giờ làm việc.

Đoạn đường trước cổng chùa Quán Sứ càng về chiều càng chen người. Toàn bộ vỉa hè 2 bên đường đã được huy động để trông giữ xe với đủ lực lượng chức năng có mặt giúp điều hành mà lòng đường vẫn ùn ùn chỉ chực… tắc.
 
Dân văn phòng được một buổi chiều “tranh thủ” giờ cơ quan.

Bãi gửi xe ăn dài sang cả hông chùa phía đường Lý Thường Kiệt. Giá trông giữ xe cũng bị đẩy lên 10.000-20.000đ/xe máy.

Từ các sạp hàng sắp lễ tới cổng chùa, trong sân đều lũ lượt người ra vào. Giá hàng đồ lễ nương theo lượng cầu lớn cũng tăng đáng kể. Chị Vân Thùy (Nguyễn Khuyến) dời hàng sắp lễ ngay sau khi thăm dò giá cả: 15.000đ/bông hồng, 20.000đ/thẻ hương và đinh tiền vàng, bánh kẹo đắt hơn 1,5 – 2 lần bình thường.

“May, trưa nay tôi đón mua hoa một hàng rong trước cửa cơ quan, 3.000đ/bông”, chị Thùy chìa bó hoa hồng vẫn bó giấy báo, nhô ra mấy cành lộc đỏ tía hỉ hả khoe. Thay vì sắp lễ bánh trái tiền vàng như mọi khi, chị quyết định chỉ mua thẻ hương, vào chùa lễ đâu đặt tiền đấy.

P.Thảo – T.Nguyên

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments