Skip to content

4 Tháng Bảy, 2011

Đặt nhiều kỳ vọng vào con

TT – Đó là ý kiến của hầu hết phụ huynh có con thi trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay. Phụ huynh nào cũng kỳ vọng con em mình đỗ đạt trong kỳ thi quan trọng của cuộc đời.

Gặp gỡ đầu tuần

Đặt nhiều kỳ vọng vào con


Rất đông phụ huynh đưa con đến làm thủ tục dự thi ĐH tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sáng 3-7 – Ảnh: Trần Huỳnh

Ông Võ Đăng Dũng (Phan Thiết, Bình Thuận), có con dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng vai trò của các bậc phụ huynh rất cần thiết trong việc góp phần vào sự thành công trong thi cử của con em mình. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay trong lúc đưa con gái đầu lòng đi làm thủ tục dự thi sáng 3-7, ông Dũng nói:

– Làm cha mẹ, mình phải quan tâm và giúp con lượng được sức mình trước những sự kiện quan trọng của cuộc đời như kỳ thi đại học. Trước hết phải gợi ý, giúp con chọn một nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu của xã hội.

“Nhà tui chỉ có mấy sào ruộng để sống. Đứa con đầu đang học năm 3 đại học, thằng út là Trần Duy Thiện thì ngày 4-7 thi vào ngành cơ – điện tử Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Tốn kém lắm nên tui phải đi làm thêm thợ nề để trang trải chi phí học hành của hai đứa. Em nó thích học điện tử nên đăng ký. Vợ chồng tui chỉ biết ủng hộ con cái hết mình. Mong sao con thi đậu vào trường nó yêu thích, vợ chồng tui có vất vả thêm một tí nữa cũng ráng được”

Ông Trần Duy Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam)

“Năm nay con trai tôi là Võ Văn Mạnh dự thi khối V, ngành kiến trúc của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ba năm cấp III con tôi đạt danh hiệu học sinh khá, thấy nó có khiếu vẽ vời nên năm nay đăng ký thi ngành kiến trúc. Trước ngày thi, vợ chồng tui cho nó đi học vẽ và học thêm hai môn toán, lý. Hi vọng con mình làm bài thi tốt, thi đậu vào ngành học mà nó hằng ao ước”

Ông Võ Văn Bảy (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng)

Đ.CƯỜNG – L.TRUNG ghi

* Ông đã định hướng cho con trong việc chọn nghề ra sao?

– Bản thân tôi là trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận nên phần nào nắm bắt được thông tin nhu cầu nhân lực của một số ngành nghề trong xã hội.

Tôi nhận thấy nghề kế toán ở các tỉnh đang có nhu cầu rất lớn và sau này sẽ có nhiều cơ hội việc làm, có thể làm việc cho các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân. Bằng cách tham khảo thông tin điểm chuẩn các trường ở những kỳ thi năm trước và với sức học của con mình, tôi đã định hướng cho cháu thi vào ngành kế toán.

* Thực tế nhiều phụ huynh rối bời trước “xung đột” với con cái trong việc chọn ngành cho con. Ông có thể chia sẻ cách của mình?

– Trong việc chọn ngành cho con, cha mẹ chỉ nên định hướng, phân tích cho con hiểu rõ ngành nghề… Cha mẹ không nên áp đặt điều gì cho con mà nên cùng con phân tích để đi đến sự thống nhất trong việc chọn ngành. Con gái tôi ban đầu thích may thêu, thiết kế thời trang, nhưng sau này cháu lại thích ngành marketing. Tuy nhiên, tôi nhận thấy với tính cách của cháu sẽ không phù hợp với nghề này nên đã hướng con học ngành kế toán, gần gũi với ngành học cháu thích và thuyết phục được cháu.

* Lần đầu đưa con đi thi đại học, ông có đặt kỳ vọng gì ở con mình?

– Thú thật tôi rất lo, nhưng tôi lo chỉ một còn mẹ cháu lo đến mười. Mẹ cháu lo lắng, chuẩn bị cho cháu đi thi đại học từ nhiều tháng trước. Đó là mong mỏi, sự kỳ vọng của cả gia đình tôi, luôn mong con thi đỗ đạt điểm cao, được bước chân vào giảng đường đại học… làm hành trang cho tương lai.

* Ông có cho rằng sự kỳ vọng này tạo áp lực với con?

– Theo tôi, bản thân các cháu cũng luôn sẵn có sự kỳ vọng ở chính mình nên ở góc độ nào đó sự kỳ vọng là động lực để phấn đấu. Ở lứa tuổi mới lớn, tâm sinh lý thường thay đổi vì thế cha mẹ phải luôn quan tâm, chia sẻ, tâm sự và cùng trao đổi như một người bạn, để các cháu hiểu rằng sự kỳ vọng là sự động viên tinh thần chứ không phải gây áp lực. Việc tôi đưa con đến trường thi cũng là một sự động viên.

* Ông có hướng cho con chọn con đường nào khác ngoài việc học đại học?

– Tôi cũng nghĩ đến việc nếu cháu không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ tính tới các nguyện vọng tiếp theo nhưng tôi không bao giờ nói việc này với con. Cháu đang chuẩn bị bước vào kỳ thi nên tôi chỉ động viên cháu chú tâm thi cử một cách tốt nhất để đạt mục tiêu đậu đại học. Tuy nhiên, tôi không đưa ra điều kiện ép buộc cháu phải vào đại học. N

ếu đã cố gắng hết sức nhưng không may thi trượt kỳ thi này thì tôi sẵn sàng động viên con học ở bậc học thấp hơn hoặc học nghề.

* Hiện có không ít phụ huynh chỉ hướng con phải vào được đại học và bản thân của nhiều học sinh cũng không chịu học nghề. Ý kiến của ông ra sao?

– Đó là cái tôi đang tồn tại trong rất nhiều gia đình hiện nay. Các bậc phụ huynh cần phải đóng vai trò tích cực trong việc định hướng cho con khi chọn ngành học, bậc học phù hợp với năng lực… Có nhiều bạn bè của tôi có con thi đại học nhiều năm vẫn không đậu. Sau đó phải chọn học ngành không yêu thích ở một trường tư rất tốn kém mà không thành công.

Một số người có con sau khi thi trượt đại học vài lần còn đầu tư cho con du học tự túc nhưng các cháu tiếp tục thất bại…

Chúng ta nên tính đến việc hướng cho con em mình học phù hợp với năng lực, sức khỏe của các cháu và cả điều kiện của gia đình. Có thể học từ bậc học thấp hơn để có công việc tốt và sau này có điều kiện tiếp tục học lên bậc cao hơn.

TRẦN HUỲNH thực hiện

* Ông Vũ Bá Lập (Hà Nội):

Không gây áp lực

Cháu Vũ Bá Đạt là con trai lớn và đây là lần đầu tiên tôi đưa con đi dự thi tuyển sinh đại học. Ba năm học ở Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), cháu đạt học sinh tiên tiến, năm lớp 12 gia đình tạo điều kiện cho cháu đi ôn thi khối A.

Sau khi cân nhắc, cháu đã quyết định lựa chọn dự thi Trường đại học Điện lực và Trường cao đẳng Điện tử – điện lạnh Hà Nội. Khi cháu chọn trường dự thi, chúng tôi cũng trao đổi và có định hướng cho cháu chọn Trường đại học Điện lực vì tôi làm việc trong ngành này, thâm tâm cũng mong con sẽ theo nghề nghiệp. N

ếu cháu chọn ngành này, tôi cũng có ít nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về công việc để tư vấn, hướng nghiệp cho cháu, giúp cháu hình dung cụ thể hơn về việc sẽ được học gì trong trường, ra đi làm thế nào…

Qua tìm hiểu, tôi thấy điểm chuẩn Trường đại học Điện lực vừa với sức học của con, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn lựa chọn những trường khối kỹ thuật – công nghệ khác.

Khi Đạt lựa chọn trường đúng với định hướng, tâm nguyện của mình, tôi rất mừng. Nhưng giả sử cháu không chọn trường này, muốn dự thi vào một trường khác, tôi cũng sẽ tôn trọng, ủng hộ quyết định của con. Con đã đến tuổi vào đại học là đã đủ tuổi trưởng thành, kỳ thi đại học chính là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời, cháu phải có phần chịu trách nhiệm chứ không thể lệ thuộc, trông cậy hoàn toàn vào bố mẹ.

Gần đến ngày thi, tôi luôn động viên cháu cố gắng bình tĩnh, có tâm lý thoải mái. Vào phòng thi phải nỗ lực, tập trung làm bài dựa trên sức lực, trình độ của mình, tuyệt đối không được nảy sinh ý định dựa dẫm vào sự gian lận thi cử. Tâm lý bố mẹ có con đi thi ai chẳng mong con thi đỗ. Nhưng mong muốn, hi vọng thôi chứ tôi không gây áp lực cho cháu.

Tôi khuyên cháu cứ cố hết sức làm bài thi, nếu kết quả tốt, đủ điểm trúng tuyển đại học thì không còn gì bằng. Nhưng nếu đã cố hết khả năng của mình, không đủ điểm đậu đại học thì cũng không phải là chuyện gì khủng khiếp, thất bại. Tùy theo điểm thi, nếu đủ điểm vào học hệ cao đẳng, nếu thấp nữa thì đăng ký vào học trung cấp. Trường cháu dự thi có cả hai hệ này.

THANH HÀ ghi

* Bà Lê Thị Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị):

Lo lắng đủ thứ chuyện

Con tôi thi vào Trường đại học Luật TP.HCM. Đây là lần đầu tiên đưa con đi thi đại học xa thế này nên tôi lo lắng đủ thứ chuyện. Cả nhà chuẩn bị cho chuyến đi này gần cả năm rồi. Hai vợ chồng tôi làm nông và buôn bán nhỏ, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên phải tằn tiện, dành những điều tốt nhất cho con ăn học.

Tôi chỉ biết tìm cách động viên con chăm lo học hành để thi đỗ đạt. Còn việc định hướng nghề có các thầy cô giúp và đó là sự lựa chọn của con. Vợ chồng tôi luôn kỳ vọng cháu thi đậu đại học. Đó cũng là mong ước duy nhất của tôi lúc này. Tâm trạng của tôi hiện rất lo lắng, luôn khấn cầu cho con thi đậu. Tôi luôn dặn dò con gái khổ mấy cha mẹ cũng chịu, miễn sao con học hành đỗ đạt.

TR.H. ghi

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments