Skip to content

4 Tháng Bảy, 2011

Cơ cực nghề cõng khổ lên non đá

Họ là những phu bốc vác ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Đội khuân vác khoảng hơn 40 người đàn ông làm việc “chuyên nghiệp”, người trẻ nhất 23 tuổi, già nhất đã 55 tuổi. Mồ hôi hàng ngày vẫn ướt đẫm rơi dưới bước chân thấm từng bậc đá mà người phu bốc vác bước lên.


Độ cao 1.000 mét, 50 kg, 45 phút và… 30.000 đồng

Những bước chân chậm rãi, cẩn trọng bước trên từng bậc thang lên ngọn núi cao 1.000m. Mồ hôi rơi ngay trước mũi giày, họ vẫn đều đặn bước. Đôi chân mang dép xỏ ngón rất đơn sơ, khá hơn thì được “trang bị” bằng đôi giày thể thao mòn cũ, người phu khuân vác mỗi ngày lên xuống 8.000 mét cho bốn lượt lên xuống từ chân núi lên đến điện Bà, chùa Thiên Sơn Thạch Tự, tỉnh Tây Ninh.

Cơ cực nghề cõng khổ lên non đá

Hàng ngày những phu khuân vác ở đây vẫn phải cõng khổ leo lên những con đường dốc đứng gập ghềnh

Phần lớn phu vác đều thừa nhận đây là một nghề cực kỳ lao lực. Họ phải cúi đầu lấy gáy làm điểm tựa, lấy vai làm giá đỡ vác từng bao xi măng, bao gạch lên đến đỉnh. Một chuyến đi mỗi người phu vác một bao xi măng 50 kg hay một bao gạch 40 viên nặng 52 kg suốt chặng đường 1.000m dốc, có đoạn gần như thẳng đứng, trong vòng 45 phút. Họ được trả công 30.000 đồng cho một bao xi măng và 1.000 đồng cho một viên gạch lên tới đỉnh.

Công việc khó nhọc đòi hỏi người phu phải có sức vóc mới kham nổi. Tuy nhiên, phần lớn những người đàn ông này không lực lưỡng, lưng gầy khòm, bụng thóp lại, mặt cúi gằm, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn lên tránh va phải khách hành hương.

Cơ cực nghề cõng khổ lên non đá

Cơ cực nghề cõng khổ lên non đá

Bình quân mỗi ngày, những phu vác ở đây phải vác nặng lên xuống trên quãng đường dài 8-10 km

Từng bước chân cẩn trọng, người phu bước lên bậc thang theo đường zích zắc. Theo ông Đinh Sơn, một phu bốc vác, đi như vậy giúp người phu đỡ mệt và đỡ vấp vào các bậc thang đá hơn. Họ đi rất yên lặng, thỉnh thoảng, người ta lại nghe thấy những tiếng: “a…”, ‘ư…” khe khẽ khi những người phu dừng bước, sốc lại cái bao tải cho ngay ngắn trên lưng.

Hiện giờ, đường lên đến đỉnh còn khó đi, nhất là đoạn bắt đầu lên núi chưa có bậc thang còn lởm chởm đá. Đoạn sắp lên đến Điện Bà với các bậc thang có độ cao độ dốc hơn đoạn giữa rất nhiều. Ông Sơn, cũng cho biết khi vác người phu phải tập trung và thật cẩn thận vì một chút sơ sẩy là có thể té ngã ngay.

Ông Đỗ Văn Cho, phu khuân vác 10 năm ở đây, đưa bàn tay gầy guộc, đen nhẻm nổi rõ từng đường gân kéo chiếc nón tai bèo bạc màu lau vội mồ hôi trên mặt, kể: “Một lần đi lên tới đỉnh khỏe thì nghỉ 4-5 chặng, mệt phải nghỉ 7-8 chặng mới lên nổi tới nơi”. Ông cười nói đùa: “Đi một hơi lên tới trên ấy chắc tắt thở chết”.

Những hiểm nguy chực chờ

Hơn 40 người đàn ông hàng ngày vẫn đều đặn vắt mồ hôi ở con đường núi này đã qua cuộc “sàng lọc” khắc nghiệt của nghề và hoàn cảnh. Ông Cho tâm sự: “Không phải ai cũng làm nghề này được mà nếu tìm được nghề khác để làm thì cũng chẳng ai làm phu vác làm chi, cực lắm! Anh em ở đây ai cũng khổ, phần lớn là khổ nhiều, chỉ còn trông đợi vào cái nghề này kiếm sống mà thôi”. Riêng ông Cho còn có một lý do khác làm ông không bỏ nghề, đó là: “Dù cực nhưng mình không bị ai sai bảo. Khỏe làm, mệt nghỉ, không lo bị ai đuổi”.

Công việc khó nhọc ấy luôn tiềm ẩn những tai nạn bất ngờ và cả hậu quả được báo trước. Người mới vác chuyện bị ngã rách toạc cả tay chân, bong gân thậm chí gãy tay gãy chân là chuyện bình thường.

“Làm phu thì phải chấp nhận. Không ai sống được bằng nghề mà không một lần bị ngã nặng”. Ngay cả người quen người cũng vậy, mỗi bước đi đều phải cẩn thận. “Bị ngã tốn tiền thuốc, lỡ khi vác gạch mà ngã, gạch bị vỡ, đã mất sức mà còn phải đền cho người ta”, ông Sơn nói.

Cơ cực nghề cõng khổ lên non đá

Nghề nghiệp cực kỳ lao lực này khiến họ phải đối mặt với nhiều rình rập từ tai nạn và nghề nghiệp.

Người làm lâu cũng biết làm nghề sẽ để lại những căn “bệnh hậu” khó chữa và tốn kém. “Anh em làm chung mấy người bệnh nặng chết rồi, ông Trọng, ông Tâm chết hồi ba mươi mấy tuổi. Nghe nói bị bệnh khớp gì đó, có hơn 1 năm, không tiền chữa bệnh nên chết luôn. Anh em bốc vác có đi dự đám tang hết, cũng biết hiểm nguy, nhưng giờ nghỉ lấy gì mà sống”.

Cái nghề như cái nghiệp đeo đẳng cuộc sống của họ. Từng đồng tiền kiếm được đã bào mòn đi rất nhiều sức lực của người phu bốc vác. Đứng lại lưng chừng núi, ông Cho chỉ một người đàn ông dáng thấp nhỏ, đôi má thóp vào, phía đuôi mắt đầy nếp nhăn đang nhanh nhẩu bước xuống những bậc thang: “Ổng mới 40 tuổi thôi đó. Làm nghề này không ai trẻ nổi”.

Nghề khó nhọc, người phu bốc vác có cuộc sống khó khăn càng làm họ tham công tiếc việc. Những hộ bán hàng quán hai bên đường lên núi nói đa số phu bốc vác đều làm sớm từ 4-5h sáng do trời ít nắng đỡ mất sức. Dù vậy vẫn lác đác ba bốn phu bốc vác vẫn còn làm đến 4h chiều. Một phu vác trẻ cho biết: “Ráng làm chút đỉnh kiếm thêm, chiều không lên tới đỉnh thì vác gần hơn. Tiền công ít một chút nhưng phải để dành sức mai làm tiếp”.

Số tiền đó quá ít ỏi để họ có thể trang trải cuộc sống gia đình và tái tạo sức lao động. Họ vẫn tiếp tục làm việc trong điều kiện sức khỏe và bảo hộ lao động ở mức thấp nhất.

Trời đã chuyển về chiều, một bao xi măng được đặt lên vai, ông Cho bắt đầu một chuyến đi mới lên đỉnh núi. Ông bước đi với mũi chiếc dép cao su dẻo quẹo cuốn lại kéo sệt trên bậc đá làm ông khẽ vấp suýt ngã. Phía trước và sau ông, những người đàn ông phơi tấm lưng trần căng bóng hay ngực áo ướt đẫm mồ hôi im lặng bước đi. Một vài khách hành hương thương tình nép người hay dừng lại nhường bước cho đôi chân khó nhọc bớt gian nan đường lên đỉnh núi.

Đặng Sinh

Theo Bưu Điện Việt Nam



Source: Zing

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments