Skip to content

4 Tháng Bảy, 2011

15 năm xây dựng và phát triển của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Sau 15 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Kể từ ngày thành lập trường tới nay, trường đã thu hút trên 60.000 sinh viên nhập học và đã đào tạo tốt nghiệp trên 18.000 Cử nhân và Thạc sỹ.

Quy mô đào tạo phát triển vững mạnh và vững chắc 

Số sinh viên năm đầu là 800 nay đã lên tới trên 30.000 vào năm học 2010 – 2011. Trường phát triển mạnh, được thực hiện đa cấp đào tạo: Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, sau đại học được tổ chức đào tạo theo các hình thức chính quy, tại chức, liên thông, từ xa và liên kết đào tạo với nước ngoài.

Trường thực hiện đa dạng hoá ngành nghề đào tạo từ 3 ngành lúc thành lập năm 1996 là Quản lý Kinh doanh, Công nghệ thông tin, Tiếng Anh kinh doanh đến nay đã mở thêm 10 ngành là: Thương mại, du lịch, kế toán, tài chính, ngân hàng, cơ – điện tử, điện – điện tử, kiến trúc, xây dựng và tiếng Trung Quốc.

15 năm, kể từ ngày thành lập trường tới nay, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã thu hút trên 60.000 sinh viên nhập học và đã đào tạo tốt nghiệp trên 18.000 Cử nhân và Thạc sỹ.
 

Sinh viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Kiên trì thực hiện mục tiêu đào tạo của mình là “lấy chất lượng làm trọng”

Cùng với việc tăng quy mô đào tạo 15 năm qua là cả một thời gian tìm tòi cách thức, biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Nhờ vậy số sinh viên tốt nghiệp từ loại khá trở lên ngày càng tăng: từ 40% năm 2005 lên đến 70-80% hiện nay. Trên 90% sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo ngay trong năm đầu sau tốt nghiệp. 

Trường có bộ máy lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên ngày càng phát triển và ổn định

Những cán bộ chủ chốt của trường hầu hết có học hàm, học vị GS, PGS, tiến sĩ, thạc sĩ có kinh nghiệm công tác trong các cơ quan quản lý của Đảng, nhà nước, trog đó nhiều trí thức đã từng giảng dạy ở các trường đại học công lập khoảng 30 – 40 năm.

Tập thể lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên là một tập thể đoàn kết, nhất trí phát huy dân chủ và tính sáng tạo vì mục tiêu và sứ mệnh cao cả của trường là đào tạo các nhà kinh tế và cán bộ kỹ thuật thực hành, tạo nguồn nhân lực cho việc hình thành một dàn cán bộ chủ chốt cho các doanh nghiệp phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH đất nước.
 

Trường xây dựng và hoàn thiện cơ chế và chính sách quản lý tài chính được rõ ràng, minh bạch, tạo được nguồn thu ổn định, chi tiêu hợp lý và được kiểm soát chặt chẽ

Nguồn  thu của trường ngày càng tăng do quy mô đào tạo ngày càng phát triển và mức học phí được nâng lên theo mức trượt giá của từng giai đoạn phát triển, vừa sức đóng góp của sinh viên, kể cả sinh viên nghèo. Nhờ vậy những năm gần đây trường có nguồn tài chính vững chắc đủ để trang trải chi phí đào tạo, cải thiện lương, thù lao giảng dạy có nguồn vốn cho mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở.

Xây dựng mô hình tư thục của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

15 năm qua là một quá trình xây dựng và khẳng định mô hình Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải là một Công ty trách nhiệm hữu hạn, cũng không phải là một Công ty cổ phần, mà là một tổ chức hợp tác (hay hợp tác xã) của những người  góp vốn, góp sức để xây dựng và phát triển trường bền vững, vì sứ mệnh trồng người, không vì mục tiêu lợi nhuận. Nguyên tắc phi lợi nhuận bảo đảm được sự hài hòa của 4 lợi ích: Lợi ích của người góp vốn, lợi ích của sinh viên, lợi ích của cán bộ, nhân viên và giảng viên làm việc cho trường, và lợi ích lâu dài của trường.

Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trường có chủ. Những người chủ của Trường  được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ, vừa đảm bảo được tính dân chủ rộng rãi, vừa đảm bảo được quyền lợi và kỷ cương trong quản lý. Sự đoàn kết thống nhất của các cổ đông, của các cán bộ nhân viên và giảng viên toàn trường nhờ đó được đảm bảo.

Với đặc trưng” hợp tác xã” và phi lợi nhuận, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không thuộc phạm trù “ Kinh tế tư nhân ”, mà thuộc phạm trù “ Kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa ”. Tiền đề phát triển của nó gắn liền với định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments