Skip to content

3 Tháng Bảy, 2011

Dâu trí thức “đấu khẩu”

Hằng (36 tuổi, nhân viên văn phòng) xưa nay không ưa gì sự khoe mẽ của chị dâu. Vậy nên mỗi khi gia đình nhà chồng họp mặt, biết chị dâu đoảng, Hằng đều lấy cớ bận rộn nên đến muộn để nhường cái bếp cho chị dâu đảm nhận.

 

Có bữa, chẳng hiểu sao chị dâu rán cá bị cháy thế là Hằng nhảy vào chê: “Chắc chị Vân lại mải bận tâm chuyện khác nên cá mới để cá cháy vậy chứ chẳng thấy ai rán thế này cả”.

 

Trong khi chị dâu đỏ cả mặt ngượng ngùng chẳng biết nói gì, Hằng tiếp tục quay sang nói với mẹ chồng: “Nếu nay con không bận thì đã khác, thôi để lần sau con vào bếp cho chứ chị Vân nhà mình xưa nay chỉ quen ăn quán ăn hàng với có người phục vụ rồi”. Mẹ chồng gật gù cho là phải, Hằng đắc thắng.

 

Hằng vừa nấu ăn khéo lại biết cách lấy lòng bố mẹ chồng. Nhưng chỉ vì thế nên có lúc cô cũng ở vào thế “dở khóc dở mếu”. Bởi lẽ hầu như lần nào lễ tết, mẹ chồng đều gọi điện cho Hằng trước để đi chợ, mua bán làm món nọ món kia. Lúi húi trong bếp cả buổi mệt phờ người, trong khi chị dâu vẫn nhởn nhơ ngồi gọt hoa quả với xem ti vi ngoài phòng khách, Hằng tức lắm. Cô nhủ thầm vì mang tiếng khéo nấu ăn nên chẳng có lần nào cô vắng mặt trong cái bếp, tự nhiên lại “đeo đá” vào người, cô thấy đôi khi đoảng như chị dâu có khi lại nhẹ mình.

 

Tương tự, là chị em dâu nhưng vốn xưa nay chị Diệp và chị Lan không ưa gì nhau. Có điều, nếu như nhà chị Diệp có của ăn của để thì con cái học lại “lẹt đẹt”. Ngược lại, nhà chị Lan tuy kinh tế “đuối” hơn nhưng hai đứa con lại học giỏi có tiếng ở trường. Chính điều trái ngược ấy khiến cho chị em dâu trở nên khúc mắc bao năm nay. Không gặp thì thôi, đã giáp mặt nhau thì kiểu gì hai chị em dâu cũng như nước với lửa.

 

Tháng trước, vào buổi họp mặt gia đình, khi có đầy đủ cả bố mẹ chồng, các cô chú, chị Diệp nửa đùa nửa thật: “Trời mùa hè thế này mà ở trong căn nhà của chú Hưng thì nóng phải biết. Nhà con may cũng được cái nhà cửa đề huề, có chỗ chui ra chui vào chứ phải đi thuê nhà cực lắm, vừa bẩn thỉu lại nóng và nhục hết biết, mới nghĩ đến đã thấy oải rồi”.

 

Biết chị dâu nhắm vào mình để chê bai kém cỏi nên chị Lan cũng chẳng kém: “Chị Diệp nói cũng phải nhưng mà hy sinh đời bố, củng cố đời con. Nhiều nhà muốn con học giỏi cũng chả được. Với lại con cũng biết có khối cặp vợ chồng có nhà cao cửa rộng mà thường xuyên hạch họe, cãi vã chẳng thà ở trong nhà ổ chuột mà êm ấm còn hơn”.

 

Cuộc “đọ” giữa chị em dâu chưa biết lúc nào mới dứt nếu như mẹ chồng không đứng ra mắng: “Cả hai chị đều không biết nghĩ. Cả nhà đang vui vẻ vậy mà cứ hứng lên là lại sinh chuyện”.

 

Mất hết vì nàng dâu “đọ” nhau!

 

Anh Duy là giám đốc chi nhánh của một công ty xây dựng, còn chị Ngân là trưởng phòng một công ty liên doanh với nước ngoài. Hai vợ chồng lương bổng và địa vị xã hội đều cao. Thấy chị dâu càng có thế, có uy trong nhà, trong khi đó nhìn lại nhà mình, chồng chỉ là kỹ sư, bản thân mình lại là nhân viên “quèn” nên Thu ấm ức lắm.

 

Mỗi lần cô định mở miệng ra có ý kiến là y như rằng mẹ chồng đều gạt đi vì phải hỏi anh Duy, chị Ngân thì mới quyết được. Thấy tiếng nói của mình càng trở nên thấp bé, lép vế hơn, cùng phận dâu con cả mà bao lần cô chịu thua chị dâu rồi nên Thu càng bực.

 

Với cái bằng Cao đẳng, lương thấp, chi tiêu thiếu thốn, nhất là khi con cái đi học. Dù thế, Thu vẫn không phục nhà anh chị nên thường tìm những tính xấu của chị dâu ra để kể với mẹ chồng. Có lần thấy chị dâu ngồi uống cà phê trong quán với một đối tác nam, ngay lập tức, Thu gọi điện cho mẹ chồng kể rằng chị dâu và gã trai kia nhìn nhau tình tứ lắm. Ngay cả những chuyện chị dâu chỉ biết phấn đấu mà không quan tâm đến gia đình, chồng con hay có tiền nên “xem người bằng nửa con mắt” cũng được Thu đem ra để thở than mong tìm sự đồng cảm của mẹ chồng.

 

Mới đây, vợ chồng anh chị quyết định ra tòa chưa rõ lý do, thế là Thu đến ton hót với mẹ chồng: “Chắc chị Ngân có bồ cũng nên chứ đang yên đang lành việc gì lại đòi đem nhau ra tòa, mẹ nhỉ?”.

 

Thấy mẹ chồng chẳng tỏ thái độ gì, Thu nói tiếp: “Sao ngày xưa anh Duy lại rước cái của ấy về chứ? Đúng là anh ấy bị bỏ bùa thuốc lú nên chẳng có mắt thật rồi”. Thu chưa nói hết câu, mẹ chồng đã đanh giọng: “Là ngày xưa tôi mù chứ chẳng phải ai cả, do tay tôi tìm vợ cho anh ấy”.

 

Biết mình nói hớ, Thu đỏ mặt xin lỗi vì không cố ý nhưng mẹ chồng vẫn giận. Sau này mọi người mới vỡ lẽ, vợ chồng anh chị ly hôn là do anh Duy có bồ. Còn mẹ chồng thì lại khăng khăng: “Dù chúng nó hết duyên hết phận nhưng thân già này vẫn coi cái Ngân là dâu con trong nhà, nó vừa tốt tính lại biết nghĩ”. Tất nhiên, mẹ chồng càng trở nên hững hờ với Thu hơn và tuyệt nhiên không còn nghe cô nói gì nữa. Thu thấy đúng là vạ miệng nên mới “lợi bất cập hại” ê chề vậy.            

 

Trường hợp khác, Xuân có tính hay nịnh mẹ chồng. Có bữa cô qua mách mẹ chồng chuyện em dâu thường xuyên đem tiền về cho mẹ đẻ. Bà Lâm vặn lại: “Chứ đâu có như tôi, ăn gọn hai tháng lương của chồng chị”.

 

Xuân chột dạ vì mấy tháng trước mẹ chồng vào viện, chồng cô bỏ cả chục triệu đồng để trả viện phí và mua thuốc cho bà. Thế là từ đó cô cứ cằn nhằn là chồng đem cho không bố mẹ hai tháng lương. Chuyện lọt đến tai mẹ chồng nên Xuân lãnh đủ. Cứ tưởng kể tội em dâu thì mình sẽ có thêm đồng minh, ai dè lại bị “bẻ” lại như vậy.

 

Xã hội ngày nay, khi bằng cấp “lên ngôi”, đừng tưởng chỉ những chị em dâu là dân chợ búa thì mới hay nhỏ nhen, ích kỷ, sờ gáy nhau. Ngay cả những chị em có ăn học tử tế, đỗ đạt cao, có khi trưởng phòng hoặc cao hơn thế mà vẫn chém gió nhau chan chát.

 

Tuy nhiên cái họ thu được chỉ là nói cho bõ tức. Nếu quá liều sẽ thành “con dao hai lưỡi”. Không ít bố mẹ chồng nhận ra bản mặt giả nhân giả nghĩa của con dâu qua những chuyện nói xấu nhau. Đến ngay cả chồng còn quay lưng lại thì thử hỏi được gì khi chị em dâu cùng ra “đấu khẩu”?

 

Theo Minh Thái

Eva

Source: Báo Dân Trí

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments