Skip to content

3 Tháng Bảy, 2011

4 bí quyết khi công việc mới không như ý

Thay vì cứ giữ kín tâm trạng bực bội, hãy ngồi lại nói chuyện với sếp, đề nghị thay đổi vị trí, trách nhiệm công việc để bạn có cơ hội phát triển hơn.


Bạn chưa kịp vui mừng vì mới tìm được việc làm đã vội nhận ra công việc có nhiều vấn đề không như bạn nghĩ. Chấp nhận công việc này cũng đồng nghĩa với việc bạn đang đi vào ngõ cụt. Thật khó để xử lý tình huống này bởi bạn chỉ vừa mới vào công ty.

4 gợi ý sau có thể giúp bạn tìm ra phương hướng cho mình khi rơi vào tình huống oái oăm này:

– Đánh giá tình hình công việc

Khi xuất hiện suy nghĩ công việc không phù hợp, bạn hãy tìm hiểu xem nguyên nhân: sếp quá thiển cận, công ty làm ăn manh mún, thiếu chuyên nghiệp hay vì lúc này bạn mới nhận ra bạn đã không còn đam mê công việc ấy nữa hay sự lạnh lùng của mọi người khiến bạn thấy chán… Lynn Berger – chuyên gia tư vấn nghề nghiệp ở Manhattan, cho rằng, muốn khắc phục, trước hết, phải tìm ra lý do khiến bạn chưa làm đã chán, để rồi từng bước hành động, tìm cách khắc phục.

4 bí quyết khi công việc mới không như ý

Ảnh minh họa

– Nói chuyện với sếp

Nếu người quản lý tỏ vẻ hài lòng với hiệu quả công việc của bạn trong khi bạn lại không hề thoải mái về vị trí bạn đang nắm giữ, rất có thể, bạn sẽ đi đến chỗ chán nản. Thay vì cứ giữ kín tâm trạng bực bội, hãy ngồi lại nói chuyện với sếp, đề nghị thay đổi vị trí, trách nhiệm công việc để bạn có cơ hội phát triển hơn.

Khi đó, có thể sếp không hài lòng, cho rằng bạn thiếu khiêm tốn, hay đòi hỏi. Nhưng Berger cho rằng, bạn đừng tắt ngay mọi hy vọng về một cuộc trò chuyện với sếp. Hãy chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để gặp sếp ngay khi có thể và trao đổi xem công ty cần gì từ bạn và bạn có mong muốn gì từ công ty.

Khi cảm thấy khó nói vì sếp chính là căn nguyên của vấn đề, bạn nên chia sẻ với đồng nghiệp, nói cho họ biết bạn muốn gì. Bạn cũng có thể học hỏi cách xử lý tình huống từ các đồng nghiệp giống bạn. Biết đâu, họ cũng có thời gian như bạn và bây giờ đã ổn định lại.

– Kiên nhẫn

Dù thế nào, sự thay đổi cũng không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Berger nhắc nhở rằng, ngay cả khi được sắp xếp vào vị trí mới, bạn cũng đừng quá tự tin, hãy xác định ít nhất từ 3-6 tháng mới thoải mái tinh thần được.

Bắt đầu công việc mới ở một công ty còn khá mới với bạn, dù đã có thời gian tìm hiểu trước nhưng bạn cũng không thể tránh khỏi chút lo lắng. Khi mọi việc đã đi vào quỹ đạo, bạn mới có thể yên tâm được.

Vì vậy, hãy kiên trì quan sát và tìm hiểu thêm về công ty, về cách phân chia phòng ban, công việc… Tình yêu công việc có thể đến khi bạn thực sự hiểu ngọn ngành mọi việc.

– Từ bỏ

Nếu mọi cách bạn làm đều không đem lại kết quả, Berger khuyên rằng bạn nên tính đến chuyện ra đi, dù bạn vừa về đầu quân cho công ty chưa được bao lâu. Đừng bao giờ chịu đựng cho có việc làm, lo sợ không dám nghỉ việc chỉ vì bạn vẫn còn là “ma mới”. Chấp nhận tình trạng căng thẳng, khó chịu chỉ khiến mọi việc thêm tồi tệ. Bạn không những không thể phát triển được con đường sự nghiệp mà còn có thể mai một dần những kỹ năng, kinh nghiệm đang có. “Bạn hoàn toàn không nên để mình rơi vào tình trạng hết đam mê với công việc”.

Nhiều người ngại bỏ việc vì lo lắng đối diện với nhà tuyển dụng mới sẽ không biết giải thích thế nào. Nhưng thực tế, đó không phải là vấn đề quá khó. Nếu nhà tuyển dụng có hỏi vì sao bạn lại gắn bó quá ngắn ngủi với công ty cũ, bạn cứ thành thật: “tôi nhận ra mình không còn phù hợp với công việc đó nữa, tôi không còn hứng thú và say mê như trước. Tôi quyết định ra đi để tìm kiếm sự mới mẻ và lấy lại hứng khởi cho bản thân”.

Hải Như

Theo Askmen/Bưu Điện Việt Nam



Source: Zing

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments