Người mổ tử thi: Lặng thầm phá án
Không ít lần bác sĩ Ngô Huy Tiếp phải toát mồ hôi, khi tiếp xúc những xác chết trong hoàn cảnh kinh dị. Sau những ca mổ về đã ám ảnh ông cả những giấc mơ, nhiều khi đến mất ăn mất ngủ.
>> Chuyện kể của người chuyên ‘phanh xương ngực, cọ xương
>> Chuyện người mổ 3.000 tử thi
Phá án
Bất kể sớm trưa chiều tối, hay những ngày nghỉ, ngày Tết, khi được báo là ông Tiếp lại lên đường. Năm 1995 khi người dân phát hiện một xác chết trôi vô thừa nhận ở khu vực Bến Bính, công an đã đưa về nghĩa trang Ninh Hải ở quận Dương Kinh, Hải Phòng.
Hôm đó khoảng 20h, mùa đông giá rét, định đi ngủ sớm thì ông được lệnh vào nghĩa trang mổ xác. Tới nghĩa trang Ninh Hải, không có điện, mọi người quyết định bật đèn pha ô tô để mổ. Trong luồng ánh sáng màu vàng của 2 chiếc đèn khi ông mở tấm vải phủ người chết ra là một hình ảnh rùng rợn… Trời lạnh, thỉnh thoảng gió lùa qua vù vù, không chịu được cảnh này, cả anh lái xe và đoàn công tác đều rút ra hết, một mình ông hì hục với tử thi giữa đêm tối.
Sau nhiều giờ, trong tiếng nổ máy ô tô xè xè, mọi bộ phận nội tạng được kiểm tra tỉ mỉ. Ông phát hiện nguyên nhân cái chết là do ngạt nước. Một mình lại khâm liệm cho người chết xong, ông gọi anh em vào đánh xe về cơ quan thì trời đã tờ mờ sáng.
Ông nhớ lại, năm 1997 nhận được tin báo, tại một hang núi ở huyện Thuỷ Nguyên có một xác chết. Tổ công tác lại lên đường, trèo được lên đến hang núi đã giữa trưa hè, trời nắng chang chang. Mọi người phát hiện xác chết là một thanh niên khoảng 30 tuổi, mặc áo phông đen, quần bò treo lơ lửng bằng sợi dây thừng ở cổ buộc vào mỏm đá.
Qua khám nghiệm và điều tra ban đầu, chúng tôi đã xác định được anh này là Nguyễn Văn Kiên, phu khai thác đá, một con nghiện lâu năm, do không còn sức lao động, lại bị những cơn vật thuốc hành hạ, nên đã một mình leo lên hang núi tự kết liễu đời mình”.
Nhờ bản tính cẩn thận, cách ghi chép tỉ mỉ những vụ án mà mình tham gia, đã nhiều lần ông giúp các đồng nghiệp trẻ tóm gọn nhiều tên tội phạm bị truy nã hàng chục năm.
Bác sĩ Tiếp với những lần mổ tử thi |
Cho đến giờ người ta có thể hỏi về bất cứ vụ án nào trong hơn 3.000 vụ mà bác sĩ Tiếp tham gia mổ xác suốt 27 năm thì chỉ cần ít phút là ông đã tìm ra. Ông cho biết: “Những tư liệu này không phải ngày một, ngày hai mà có được, tôi phải lưu lại, viết thành một công trình về các dạng chết để phục vụ khoa học hình sự sau này”.
Mỗi khi có những vụ việc liên quan đến pháp y cần hỏi ý kiến, ông đều nghiên cứu, trả lời đầy trách nhiệm. Ông nói, giờ công tác pháp y đã được chú trọng, nhàn đi rất nhiều và phụ cấp lại cao, trước kia mỗi ca mổ tôi chỉ được 50.000 đồng, đôi khi không đủ một bữa ăn đêm sau khi “vần nhau” với xác chết. Nhưng bây giờ theo tiêu chuẩn là 3 triệu đồng. Trước kia mỗi lần phải lấy óc nạn nhân để xác định nguyên nhân cái chết, chỉ có cách cưa bằng tay, bây giờ chỉ cần cắm điện là cưa máy chạy re re, nhàn hơn rất nhiều.
Thế nhưng tìm được một bác sĩ theo nghề rất khó, có khi họ đã làm tới 5 năm nhưng khi có cơ hội là họ sẽ tạm biệt luôn ngành pháp y. Vì vậy cần bồi dưỡng hơn nữa cả về chuyên môn lẫn tình yêu nghề nghiệp để họ yên tâm công tác trong lĩnh vực đặc biệt này.
Vui với đời thường
Về hưu, bác sĩ Tiếp đã treo biển khám bệnh tại nhà thêm 5 năm nữa, lúc nào nhà ông cũng chật ních bệnh nhân, bất kể sáng, trưa hay nửa đêm.
Ông tâm sự: “Bây giờ tớ chỉ có ăn rồi đi họp các hội hè thôi, một mình làm tổ trưởng từ tổ hưu trí phường, tổ hưu CLB Công an, đến Hội trưởng Hội Y học tại địa phương… Bao nhiêu năm mổ xác, may mà trời vẫn cho cái sức khỏe, còn ăn uống, ngủ nghỉ tốt lắm, 72 tuổi vẫn còn đủ sức gánh vác việc nhà”.
Vừa nói chuyện với tôi, ông vừa đánh mắt trìu mến nhìn về phía người vợ quê Bắc Giang còn thắm duyên cùng 2 con gái nhỏ học lớp 2 và lớp 8. Nhờ những thành viên này, trong suốt những năm qua, ông đã vững tin hơn trên con đường đã chọn.
Mà quả thế, nhìn họ, tôi thấy tất cả ánh lên niềm tin tưởng về người chồng, người cha thân yêu của mình. Nói về hạnh phúc gia đình, bác sĩ Tiếp chia sẻ, nếu một người phụ nữ khi biết nghề chuyên nói chuyện với xác chết của tôi thì chẳng ai dám lấy. Nhưng nhờ duyên số, nên vợ chồng ông đã đến với nhau và có 2 cô con gái vừa ngoan, vừa học giỏi.
Nhìn lại những gì mình đã đi qua, ông Tiếp tâm sự: “Nói thực là cũng tự hào lắm chứ, tôi mới ở cấp phòng mà đã được hàm đại tá. Tổ chức và đơn vị đã luôn động viên, bây giờ tôi chẳng có gì phải phàn nàn khi có một cuộc sống đầm ấm và những thành quả được ghi nhận trong công việc pháp y khoa học hình sự của mình”.
Theo Dân Việt
Source: Zing