Cú sốc của một người làm giáo dục cả đời
TTCT – Sau khi tham gia hoàn tất một đề tài nghiên cứu về xây dựng mô hình xã hội học tập giai đoạn hội nhập được đánh giá xuất sắc, TS Hồ Thiệu Hùng “thú nhận” với TTCT: “Chúng tôi muốn truyền tải lại cho đông đảo người đọc “cú sốc” của chúng tôi – những người làm giáo dục gần như cả đời bây giờ mới nhận thức ra được – sau khi nghiên cứu về xã hội học tập”.
Cú sốc của một người làm giáo dục cả đời
TS Hồ Thiệu Hùng – Ảnh: Q.T. |
Thiếu giáo dục kỹ năng
* Nhóm nghiên cứu cũng như bản thân ông đứng trước những bất ngờ gì sau khi nghiên cứu kết thúc?
Khi thực trạng về xã hội học tập lộ rõ thành phần công nhân ít có điều kiện học nhất thì có ý kiến trao đổi nên đặt vấn đề này ra sao: nhìn thẳng vào sự thật để nói thật hay chỉ nên nói xa nói gần? Trao đổi lại, tôi nói thẳng làm khoa học mà ăn theo, nói leo, nói minh họa thì thôi đừng làm khoa học nữa. Khoa học phải giúp người ta nhận thức được thêm cái gì đó của thực tiễn, dù đó là một “sự thật đau lòng” hay “sự thật mất lòng”. Không nên sốc trước những con số không được “đẹp mắt, vui lòng”, trước việc không có “một thực trạng hồng như ý”, phải nghe tiếng nói của thực tiễn. Phải có một thái độ thật sự cầu thị và chỉ có như vậy mới tiến lên được. |
– TS Hồ Thiệu Hùng: Quan niệm của tôi về giáo dục đã thay đổi sau khi kết thúc nghiên cứu này, dù trước đây tôi từng dạy học, làm giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo TP, làm công tác khoa giáo của Đảng. Đó là điều ngạc nhiên nhất.
Từ trước đến nay mình cứ nghĩ làm giáo dục là lo cho 1/4 dân số đến trường, vậy là bỏ quên việc học, bồi dưỡng kiến thức cho số đông (3/4 dân số) còn lại đã rời khỏi ghế nhà trường. Hay nói cách khác, lo việc học hành cho người lớn từ trước đến nay mình coi đó là việc nếu làm được thì tốt, còn chưa làm được cũng không phải là “tội”.
Bây giờ nhìn lại tôi thấy đây là một sai lầm chung cho cả hệ thống giáo dục. Hồi nào tới giờ cứ chăm bẳm cho số người đang đi học tại trường, cụ thể là số trẻ và chủ yếu là hình thức chính quy. Toàn bộ sức lực dồn vào đây. Nếu xét theo tiêu chí xã hội học tập, ai cũng phải học và học suốt đời, ai cũng phải lo cho người khác học thì đây là thiếu sót rất lớn.
Chúng tôi muốn truyền tải lại cho đông đảo người đọc “cú sốc” này của chúng tôi, của chính những người làm giáo dục gần như cả đời bây giờ mới nhận thức ra được sau khi nghiên cứu về xã hội học tập.
* Nhưng không ít ý kiến nói rằng những người đã có học vị tiến sĩ như ông thì cần gì phải học nữa?
– Càng biết nhiều càng thấy mình ngu. Nhà triết học Socrates đã nói một câu nổi tiếng “Tôi biết là tôi chẳng biết gì” (I know that I know nothing). Cũng chính vì có cách nghĩ đã là tiến sĩ rồi, đã là ông cử bà cử rồi thì học chi nữa nên qua quá trình nghiên cứu thực hiện đề tài, chúng tôi phát hiện cứ năm người có trình độ từ thạc sĩ trở lên ở TP.HCM thì hai người nói không cần học nữa. Đấy là một điều rất đau lòng.
* Lâu nay, cứ đụng tới những bức xúc xã hội như giao thông hỗn độn, xả rác bừa bãi… là đổ cho ý thức người dân kém. Như vậy việc chưa lo chuyện học hành cho 3/4 dân số đã rời khỏi ghế nhà trường như đề tài kết luận có phải là nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên?
– Tôi hiểu logic của cách đặt vấn đề này. Điều thường thấy là những vấn đề gì xấu, nảy sinh trong xã hội tức thì đổ tại ý thức kém, còn ý thức kém vì không được học, không được giáo dục. Trong sâu xa, tôi cho rằng điều này có liên quan đến quan niệm từ thời xưa là học để kiếm “bồ chữ” (kiến thức). Như thế là một quan niệm hẹp, mà ở đây rất cần học kỹ năng, trong đó có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử xã hội, kỹ năng làm người…
Rất tiếc nhà trường chưa làm nhiều, làm tốt giáo dục kỹ năng và đây là lỗi của ngành giáo dục. Có những người học hành đạt văn bằng rất cao nhưng ứng xử vẫn không đúng như xã hội trông chờ ở họ. Nhiều người có văn bằng cao, “nhiều chữ” vẫn có thể vượt đèn đỏ, khạc nhổ ra đường…
Không nên tự khen nhau “Xã hội học tập đòi hỏi tính hiếu học cao, trong khi dân lại chưa thật hiếu học”. Có người hỏi tôi nhận định như thế có ngược với câu nói lâu nay “dân ta vốn hiếu học”? Chúng tôi nói rằng đấy là câu nói lâu nay mang tính tự khen. Nghiên cứu của chúng tôi độc lập với một nghiên cứu khác, nhưng cũng phát hiện con số tương đồng: trong đề tài chúng tôi phát hiện 22% người được hỏi nói rằng không cần học nữa thì Báo cáo đánh giá giàu nghèo đô thị TP.HCM và Hà Nội đưa ra con số 22,3% trả lời không cần và không quan tâm chuyện học. Nếu mình nói mình không bệnh để khỏi phải trị thì mình sẽ bệnh nặng hơn. |
* Như ông khẳng định, đề tài đã chỉ ra được thực trạng khác xa so với những gì xã hội biết đến giáo dục lâu nay. Vậy nhóm nghiên cứu có hi vọng quan niệm về xã hội học tập hay cách dạy và học sẽ được thay đổi, ít nhất ở TP.HCM?
– Trong kết luận của đề tài, chúng tôi phát hiện mười nghịch lý về xã hội học tập, trong đó có nghịch lý “đông nhạc công nhưng không có nhạc trưởng”. Khi đề tài được nghiệm thu vào tháng 8-2010, thường trực Thành ủy TP có mời nhóm đến báo cáo.
Trong mười nghịch lý cơ bản về xây dựng xã hội học tập thì giải quyết được nghịch lý thứ nhất – thay đổi nhận thức còn quá nông cạn về xã hội học tập – sẽ gỡ được “nút chai”, từ đó toàn xã hội từ trẻ đến già cùng nhau xây dựng xã hội học tập, xã hội mà ai cũng học, học suốt đời, lấy tự học làm gốc và ai cũng có trách nhiệm lo cho người khác học.
Nhớ lại những năm 1980, 1990, khi bị kêu ca nhiều về ý thức của học trò thì giáo dục cứ cố gắng dạy sao cho hay hơn, hi vọng học trò tiếp thu tốt hơn để có ý thức cao hơn… Nhưng nhìn lại bây giờ cố gắng làm như vậy cũng không giải quyết được vấn đề mà theo tôi, điều cần nhất phải cấu trúc chương trình giáo dục làm sao để phần “hành” của người học được thiết thực hơn, có thể hành ngay trong nhà trường và bên ngoài xã hội.
* Giáo dục luôn gây bức xúc xã hội trên nhiều khía cạnh: chất lượng, cách dạy, chương trình… Phải chăng đất nước ta đang thiếu một chủ thuyết giáo dục hay một triết lý giáo dục? Và phải chăng xã hội mong muốn một đằng trong khi các nhà “kiến trúc giáo dục” đặt ra mục tiêu một nẻo?
– Đại hội XI của Đảng đã thấy hết các bức xúc này nên mới có yêu cầu “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”, chứng tỏ giáo dục đang gặp vấn đề rất lớn, mà gặp ngay từ việc xác định mục tiêu của giáo dục. Ai học? Học kiểu nào? Học cái gì? Đạt kết quả tới đâu? Tất cả đang còn nghiên cứu. Rõ ràng chúng ta đang thiếu một triết lý giáo dục trong hoàn cảnh mới của đất nước, hay nói cách khác triết lý giáo dục lâu nay có rồi nhưng cần xác định lại trong hoàn cảnh mới này, nhất là ở giai đoạn hội nhập.
Nâng “chất” công nhân – nói chưa đi đôi với làm
* Xin trở lại một nội dung đáng phải suy ngẫm từ kết quả đề tài. Ông có thể nói rõ hơn về nhận định của nhóm nghiên cứu: “trong các thành phần cần đi học thì công nhân là thành phần ít có điều kiện đi học nhất…”?
– Chúng tôi đi điều tra thực tế, hỏi công nhân, hỏi những nhà quản lý các xí nghiệp rồi mới đi đến nhận định trên. Công nhân làm việc căng thẳng, quá mệt mỏi. Sau giờ làm việc, ăn xong là lăn ra ngủ, cùng lắm chỉ còn ít thời gian xem tivi. Tuy nhiên, vẫn có một thiểu số công nhân ham học và có điều kiện học thì chỗ học tại các khu công nghiệp, khu chế xuất lại thiếu. Một số trường đại học, cơ sở đào tạo mở lớp bổ túc tại các khu công nghiệp là rất hay. Khi được hỏi về nhu cầu học, công nhân luôn nói mong muốn được nâng cao tay nghề, bổ túc văn hóa, cũng có người muốn học để thoát lao động chân tay. Nhưng cũng có giám đốc nói không muốn cho công nhân đi học vì sợ họ học rồi nhảy việc sang nơi khác.
* Thưa ông, “công nhân ít có điều kiện đi học nhất…” là do bản thân họ không muốn học hay họ có nhu cầu học nhưng không có điều kiện để đi học, cả về thời gian, tiền bạc lẫn sức khỏe?
– Chúng tôi chưa điều tra tách phần liên quan đến công nhân riêng mà điều tra chung, kết quả thấy rõ nhất là họ nói thiếu thời gian, thiếu tiền, cũng có nguyên nhân bỏ học lâu nên ngại quay lại trường lớp, một số khác thì ý chí tiến thủ không còn. Chúng ta luôn nói phải quan tâm đặc biệt đến nhóm người này nhưng để hiện trạng như hiện nay thì quả là nói chưa đi đôi với làm.
Tuy là số liệu điều tra của năm 2008-2009 nhưng tình trạng nói trên đến nay chỉ cải thiện chút ít, không có cải thiện cơ bản. Lo cho công nhân đi học là một điều cực kỳ khó khăn, phải được sự đồng tình của giới chủ. Trong những khu công nhân bố trí các điều kiện học hành, đi lại, trường lớp như thế nào… cũng chưa có lời giải hợp lý. Tình trạng trên sẽ chỉ được cải thiện theo tốc độ phát triển của nền kinh tế và tốc độ thay đổi nhận thức của những người có trách nhiệm, nhất là ở những ông chủ. Nếu có chính sách tốt hơn thì tốc độ thay đổi sẽ nhanh hơn.
Trước mắt, tôi đề nghị nhân mô hình đem trường lớp đến với công nhân mà một số cơ sở đào tạo, đại học đã thực hiện, phối hợp mở lớp theo ca, phù hợp giờ giấc làm ca của công nhân. Mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm sinh hoạt cộng đồng kết hợp thư viện. Cải thiện năng suất lao động và điều kiện sống của công nhân cũng là điều kiện cần phải có.
QUỐC THANH thực hiện
Source: Báo Tuổi Trẻ