Skip to content

16 Tháng mười, 2011

Muôn vẻ nỗi khổ của giáo viên tâm lý

(Dân trí) – Làm công tác gỡ rối cho học sinh nhưng không ít trường hợp, giáo viên tư vấn tâm lý học đường lại bị chính “thân chủ” của mình… thù, thậm chí còn nhận được thư đe dọa. >> Học sinh yêu, tư vấn viên cũng “cuống”

Tư vấn, bị học trò… thù

Không ít “vấn đề” về tâm lý học trò gặp phải xuất phát từ chính mối quan hệ gia đình. Các em bị “sốc” khi bố mẹ ly hôn, bố mẹ thường xuyên chửi bới, đánh đập nhau, hay có em vô tình chứng kiến cảnh bố hoặc mẹ ngoại tình…

Tùy từng trường hợp cụ thể, tư vấn viên sẽ cân nhắc có nên trao đổi với phụ huynh (PH) hay không vì vấn đề của học trò này xuất phát từ bố mẹ nên rất cần sự hỗ trợ từ họ. PH hiểu vấn đề, đồng ý hợp tác thì việc tư vấn rất dễ đạt được hiệu quả, sớm giúp HS cân bằng tâm lý nhưng ngược lại nếu PH bất hợp tác xem như GV tư vấn gặp… thảm họa.


Nhiều học sinh ngại đến phòng tư vấn tâm lý ở trường vì sợ bí mật bị “tiết lộ”.

Trải qua công việc tư vấn tại một số trường học, cô Huỳnh Thị Thanh (hiện là giáo viên tâm lý Trường THCS Tân Thới Hòa, Q .Tân Phú, TPHCM) cho hay, một trong những điều mà tư vấn viên sợ nhất chính là việc không nhận được sự hợp tác của PH.

Có những vấn đề của học trò tư vấn viên buộc phải trao đổi với PH may ra mới giúp các em được. Như có em bị quấy rối tình dục, thường xuyên bị bố mẹ quát mắng… các tư vấn viên đều phải suy nghĩ rất kỹ trước khi mời PH lên trao đổi.

“Trước mặt mình họ gật đầu rất hiểu chuyện nhưng về nhà có người lại trách móc con tại sao chuyện như vậy cũng đi mách cô. Học trò đã tin tưởng tâm sự với mình nên khi bí mật bị tiết lộ, các em thù luôn cô tư vấn. Bản thân mình tự dằn vặt vì đã không giúp được các em mà lại đẩy sự việc trở nên nghiêm trọng hơn. Nghề tư vấn có lúc cũng phải chấp nhận thất bại như vậy”, cô Thanh chia sẻ.

Cô N.T.N, giáo viên tâm lý một trường THPT ở Q.3, TPHCM cho hay, cô gặp “khó” khi các em tư vấn ngoài giờ qua điện thoại nhưng yêu cầu cô phải gọi cho mình. Cuốc điện thoại tưởng là đơn giản nhưng với thu nhập của nghề giáo viên tâm lý lại là cả một vấn đề. Có những lúc điện thoại cô hết tiền chưa kịp gọi lại thì y như rằng nhận được “bom” tin nhắn trách móc của học trò.

“Có tháng tôi hết cả triệu tiền điện thoại để gọi điện tư vấn ngoài giờ cho HS vì cuộc gọi nào cũng dài lê thê. Nếu cứ thế này thì tiền lương cũng không đủ trả tiền điện thoại. Chưa kể thời gian ngoài giờ cũng bị ảnh hưởng “, cô N băn khoăn.

Bị nhà trường “ép” tiết lộ

Có một thực tế, khi trường có phòng tư vấn tâm lý thì những vấn phản ảnh, bức xúc của học trò về thầy cô, nhà trường giảm hẳn. Có thể phòng tư vấn đã phát huy được hiệu quả giải tỏa bức xúc của HS, hơn nữa khi có phòng tư vấn thì GV trong trường cũng biết tự “điều chỉnh” mình hơn.
 

Với tình huống HS yêu cầu gọi điện để tư vấn, có những lúc người tư vấn cần phải từ chối, yêu cầu các em cần việc gì sẽ trao đổi ở trường, trừ những trường hợp quá đặc biệt. Khi bản thân mình chưa đủ điều kiện thì cũng không thể giúp đỡ người khác, đó cũng là quy tắc đạo đức nghề nghiệp. – TS Giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng

Tuy nhiên, một số GV cho rằng cũng cần xét đến nguyên nhân có thể vì HS sợ tiết lộ thông tin sẽ bị “đì”, không an toàn nên thành ra ít phản ánh hơn. HS chỉ tâm sự với tư vấn viên nhưng GV trong trường ai cũng biết và lấy đó “bắt thóp” HS. Khi đó, muốn hay không GV tư vấn trở thành “cái gai” trong mắt của học trò.

Nguyễn Thu Hương, HS lớp 11 cho biết em từng lên phòng tư vấn của trường để chia sẻ bí mật cá nhân của mình với GV tâm lý. Thế nhưng chỉ vào hôm sau, GV chủ nhiệm hỏi Hương về bí mật đó ngay giữa lớp làm cô học trò choáng váng. “Em rất ức chế, rút ra kinh nghiệm cho mình đừng có dại mà tin vào lời mật ngọt của mấy cô tư vấn”, Hương nói.

Ngoài yếu tố chủ quan (tư vấn viên không biết giữ bí mật), GV tâm lý cũng gặp khó khăn trong việc bảo mật thông tin của HS. Không ít trường yêu cầu GV tư vấn phải báo cáo đầy đủ thông tin, nội dung tư vấn hàng tuần lên ban giám hiệu. Thực hiện yêu cầu, vô tình họ đã “tiếp tay” cho việc tiết lộ thông tin của HS.

“Trước đây, công tác ở trường N, tôi phải nộp danh sách nội dung các ca tư vấn cho nhà trường. Chuyện qua phòng tư vấn nhưng thầy cô trong trường đều biết. HS ghét mình kinh khủng nên chẳng em nào lên phòng nữa, tôi còn nhận được thư dọa của HS”, một GV tâm lý kể. Vì áp lực đó, GV này đã nghỉ việc chuyển công tác sang trường khác.

Giáo viên tâm lý có quyền từ chối tất cả những yêu cầu tiết lộ thông tin chia sẻ của học sinh.

Là một người trong nghề, TS Giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM) chia sẻ, GV tư vấn học đường hiện nay phải “gánh vác” rất nhiều việc, họ có thể phải làm ngoài giờ, phải bỏ ra nhiều chi phí phát sinh… những công việc không được ai biết đến. Nhiều trường không hỗ trợ, tạo điều kiện làm việc mà có khi còn làm tăng thêm áp lực với GV tư vấn.

“Rất nhiều học trò của tôi ra trường đi làm cũng kêu rằng hiệu trưởng yêu cầu phải báo cáo chi tiết các ca tư vấn trong trường. Khi đó, họ hoàn toàn có quyền từ chối yêu cầu này vì tính chất bảo mật thông tin cho HS”, bà Hồng khẳng định.

Theo bà Hồng, chỉ trường hợp đặc biệt mang tính chất chung thì tư vấn viên nên tiết lộ cho ban giám hiệu để tìm cùng phương án giải quyết. Cách hiệu quả nhất là tư vấn chỉ nên nói chuyện với một vị lãnh đạo của nhà trường kèm với yêu cầu: “Chuyện này chỉ tôi và anh/chị biết, nếu như thông tin bị tiết lộ ra ngoài cả hai sẽ cùng chịu tránh nhiệm” để bảo mật thông tin cho HS.

Hoài Nam

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments