Nỗi ân hận của nguyên phó hiệu trưởng mang án giết người
Cuộc đời chắc không mấy khi dành cho ai quá nhiều ưu ái mà lại không bắt họ phải trải qua bất cứ một thử thách nào. Tôi nghĩ đến điều này từ câu chuyện buồn của phạm nhân Lê Văn Hiếu – người đang thụ án 11 năm tù tại trại giam số 6 (Bộ Công an).
>>Nỗi ân hận của người vợ biến chồng thành kẻ ‘giết người’
>>Phút ân hận muộn màng của kẻ phóng hỏa đốt vợ con
Trước khi trở thành một kẻ sát nhân, Lê Văn Hiếu là niềm tự hào của cả gia đình, anh có một mái ấm hạnh phúc, một công việc được cả xã hội tôn vinh – ngày ngày đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức và nhân cách làm người cho bao thế hệ học trò. Hiếu cũng sẽ trở thành hiệu phó của trường Trung học cơ sở Đức Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) nếu như không có giây phút tội lỗi ấy…
“Người thầy tội lỗi”
Tại phân trại K1, trại giam số 6, ngay từ lúc đầu gặp Hiếu, tôi đã có cảm nhận về một con người hiền lành, ứng xử rất tao nhã. Gọi chúng tôi là “cán bộ” theo cách mà những phạm nhân vẫn xưng hô, nhưng thái độ của Hiếu tự tin và hoàn toàn chủ động. Mới vào thụ án được một năm nhưng Hiếu đã được giao nhiệm vụ trông coi thư viện và là thầy giáo xóa mù chữ cho nhiều phạm nhân khác.
Khi chúng tôi đến thăm “không gian” này, Hiếu hào hứng giới thiệu với chúng tôi mọi hoạt động ở đây. Anh ta cũng không ngần ngại bày tỏ niềm đam mê đối với sách vở của mình: “Tôi mê kiến thức, văn chương lắm nhưng giờ… đứt gánh rồi. Ở tù mà tôi vẫn rất thèm được viết. Tôi mới viết bài này, cán bộ cầm đọc thử xem tôi viết có cảm động không. Cuộc đời tôi gói gọn ở cả trong mấy trang giấy ấy”.
Nói rồi, đôi mắt Hiếu đỏ hoe, câu chuyện đau lòng từ hơn hai năm trước những muốn chôn vùi giờ lại hiện lên nhức nhối…
Lê Văn Hiếu sinh năm 1976, lớn lên ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Với hành vi giết người, Hiếu phải nhận bản án 11 năm tù, hiện mới thi hành án được 1 năm. Cùng đồng phạm với Hiếu còn có người em con chú, lĩnh án 9 năm và đang thụ án tại trại giam số 3 (Tân Kỳ, Nghệ An).
Hiếu lắc đầu chua xót: “Tôi vừa được đề bạt là hiệu phó trường Trung học cơ sở Đức Thành thì trong một phút bồng bột đã gây ra tội giết người. Còn em tôi cũng là giáo viên! Cuộc đời anh em tôi bi đát như thế đấy, cán bộ ạ”. Cuộc nói chuyện giữa tôi và “người thầy giáo tội lỗi” này không thể kéo dài vì Hiếu đã vào giờ làm việc. Anh ta vội vàng chào tôi rồi quay lại lớp học đặc biệt của mình.
Tôi lật từng trang viết “gói gọn mảnh đời” của Hiếu với nét chữ rắn rỏi, bỗng cảm thấy muốn tìm hiểu về số phận của phạm nhân này. Một ngày sau khi gặp Hiếu trong trại giam, chúng tôi đã lên đường về xã Đức Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), để hiểu rõ hơn về cuộc đời con người Lê Văn Hiếu.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng, xung quanh là một vườn cây cảnh mang lại giá trị kinh tế cao, chị Cung Thị Chung – vợ Hiếu nói rằng, tất cả cơ ngơi khang trang này đều do Hiếu một tay gây dựng. Bản thân chị chỉ quen việc đồng áng.
Vốn là người trí thức, Hiếu biết cách bày biện mọi vật dụng trong nhà rất đẹp. Trên bức tường lớn quét sơn màu xanh nhạt, bức ảnh Hiếu trong buổi lễ tốt nghiệp đại học được treo trang trọng.
Lê Văn Hiếu |
Phía đối diện là tấm hình cả gia đình trông rất hạnh phúc. Vợ Hiếu xót xa: “Gia đình chồng em trước nay được hàng xóm láng giềng nể trọng lắm vì bố mẹ chồng em đều là giáo viên trường Trung học cơ sở Đức Thành. Bố chồng em còn là Hiệu trưởng ngôi trường này cho đến khi nghỉ hưu”. Trong ánh mắt buồn của người vợ trẻ, tôi hình dung thấy nỗi thống khổ mà gia đình họ phải chịu đựng khi mọi búa rìu dư luận đổ ập lên đầu: cướp đi sinh mạng người khác là một tội lỗi. Và tội lỗi ấy dường như càng chất chồng, càng khó chấp nhận, khó tha thứ hơn khi người gây ra nó lại là một thầy giáo, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nề nếp truyền thống.
Chị Chung kể rằng, trước đây Hiếu từng bôn ba khắp nơi, kiếm sống bằng đủ nghề. Hiếu vốn thông minh, năng động và biết tu chí nên làm nghề gì cũng thành công. Nhà Hiếu có 5 anh em nhưng trong số đó, chẳng ai theo được nghiệp của bố mẹ. Ông Lê Văn Trung, bố Hiếu, vốn là người tâm huyết với nghề giáo nên thường hay buồn phiền vì điều đó. Mỗi lần có ai đến chơi, hỏi về công việc của các con, ông Trung lại thở dài thườn thượt. Để chiều lòng bố mẹ, Hiếu quyết tâm theo nghề “cha truyền con nối”.
Năm 2000, Hiếu thi đỗ ĐH Vinh. Sau một thời gian dùi mài kinh sử tại ngôi trường này, năm 2006, Hiếu tốt nghiệp và về dạy tại trường Trung học cơ sở Đức Thành, nơi ông Trung đang là hiệu trưởng. Hiếu trở thành niềm tự hào của cả gia đình. Bố mẹ anh không khỏi vui mừng, hạnh phúc khi có đứa con theo được nghề nghiệp mà ông bà đã gắn bó cả cuộc đời.
Những cố gắng của Hiếu trong sự nghiệp trồng người, dạy người đã được tập thể cán bộ, giáo viên trường Trung học cơ sở Đức Thành ghi nhận. Anh được tín nhiệm đề bạt giữ chức hiệu phó. Và vị trí lãnh đạo ngôi trường này tương lai cũng sẽ thuộc về một cán bộ trẻ đầy năng lực, nhiệt huyết như anh. Thế nhưng, trong giây phút không kiềm chế được bản thân, Hiếu đã đặt một dấu chấm hết vào nấc thang sự nghiệp đang rộng mở của mình. Hành động của anh, đáng tiếc hơn, cũng đặt một dấu chấm hết vào cuộc đời của một thanh niên khác. Và Hiếu mãi mãi phải gánh chịu sự ám ảnh tội lỗi do hành động bồng bột này gây nên.
Nốt lặng buồn
Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ nét mặt u buồn của Hiếu khi nói với tôi điều này: “Cái đêm định mệnh ấy đã chấm dứt ước mơ, chấm dứt tương lai của tôi, đó là đêm 7/2/2010. Tôi đã gây ra tội ác tày trời, tội ác mà không ai nghĩ rằng tôi lại là hung thủ. Cái án 11 năm cho tội giết người mà tôi phải nhận là thích đáng. Song, cái án nặng nề nhất mà tôi biết không bao giờ trả được là cái án của lương tâm. Tôi đã mất tất cả. Cái ngày đau khổ, dằn vặt và ân hận của tôi bắt đầu từ khi tôi bước vào trại giam…”.
Hiếu gây án vào một ngày giáp Tết Nguyên đán. Anh nhớ rõ, hôm đó nhà ông chú tổ chức đám cưới cho con và anh đến giúp. Đúng lúc này, Hiếu nhận được tin đứa em con chú bị thanh niên làng bên gây sự. Anh ta tức tốc chạy về nhà, vớ ngay cây kiếm mang đi “ứng cứu”.
Trong hơi men, Hiếu chỉ định thị uy đối thủ nên anh ta vẫn để nguyên cả vỏ kiếm mà đâm. Nhưng do lực đâm quá mạnh, thanh kiếm sắc ngọt nên đã đâm xuyên qua vỏ, gây thủng ngực nạn nhân. Hiếu không thể quên cảm giác thắc thỏm, lo lắng, sợ hãi sau khi gây án, trở về nhà và không biết nạn nhân sống hay chết. Đến tối hôm đó, nhận được tin dữ là thanh niên kia đã tử vong, Hiếu bàng hoàng, đau đớn như chính mình đang rơi xuống vực thẳm.
Bố Hiếu đã đưa con lên công an đầu thú. Đích thân ông cũng sang gặp gia đình bị hại để xin lỗi và bồi thường khắc phục hậu quả, cùng gia đình nạn nhân lo tang lễ cho con trai họ.
Cung Thị Chung – vợ Hiếu |
Mới đi tù được một năm, quãng thời gian 10 năm đằng đẵng còn ở phía trước, nhưng Hiếu đã thấm thía quá nhiều đau đớn, dày vò, ân hận. Cũng có lúc Hiếu cảm thấy chán nản, suy sụp bởi ý nghĩ mình là kẻ sát nhân, cướp đi mạng sống của người khác, trong khi bố mẹ và bản thân là giáo viên, hàng ngày vẫn dạy dỗ bao lớp học sinh những tri thức và nhân cách làm người.
Càng nghĩ, Hiếu càng thấy chua chát về sự đứt gánh cuộc đời của mình. Anh muốn nói lời xin lỗi với người đã khuất, gia đình họ và cả với những người thân đã hết lòng tin yêu anh, nhưng Hiếu biết rằng một lời đó đã quá muộn màng. Chỉ có sự hối lỗi chân thành, quyết tâm cải tạo, trở lại làm người có ích cho gia đình và xã hội mới có thể giúp anh gột rửa tội lỗi đang đè nặng trong lòng.
Hiếu có niềm tin vào bản thân mình và tôi tin rằng, cuộc đời vốn được làm nên bởi những điều kì diệu, bất ngờ, vẫn sẽ dành cho anh cơ hội trở lại làm người lương thiện. Giờ đây, sống trong trại giam, Hiếu đang đến gần hơn với cơ hội đó bằng cách dạy chữ cho những phạm nhân khác, những người đã từng dọc ngang trong cuộc đời, những bàn tay từng gây ra bao điều ân oán, nhưng trước cánh cửa tri thức, họ vẫn chỉ là những đứa trẻ đầy ngô nghê, ngọng nghịu. Chính “thầy” Hiếu chứ không phải ai khác, là người chỉ bảo, uốn nắn cho họ từng con chữ, từng cách ghép vần. Và cũng nhờ họ, Hiếu tìm thấy ý nghĩa cuộc sống nơi trại giam, đến được gần hơn với cơ hội trở lại làm người lương thiện.
Theo Phunutoday
Source: Zing