Các bước chuẩn bị khi chuyển nghề
Ảnh minh họa: visualphotos.comTTO – * Tôi tốt nghiệp ĐH Nông lâm chuyên ngành kinh tế vào năm 2007. Sau khi ra trường, tôi vào làm tại một công ty tư vấn xây dựng.
Các bước chuẩn bị khi chuyển nghề
Công việc chủ yếu mà tôi phụ trách là kinh doanh, tham gia đóng góp một phần vào hoạch định kế hoạch của công ty, sơ loại hồ sơ xin việc nhưng không trực tiếp phỏng vấn. Nay tôi muốn chuyển đổi nghề nghiệp để tìm cho mình cơ hội phát triển mới.
Tôi có vốn ngoại ngữ và vi tính khá, rất khát khao được làm việc cho một công ty nước ngoài trong lĩnh vực quản lý dự án, phòng kế hoạch hoặc nhân sự. Về kiến thức liên quan, tôi nghĩ mình có thể bổ sung qua những khóa học ngắn hạn.
Tôi đã gửi hồ sơ xin việc một vài nơi (bằng email) nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi nào. Rất mong chương trình tư vấn và giúp đỡ.
(Trương Hoàng Đại)
– Chào bạn. Để việc chuyển đổi nghề nghiệp được suôn sẻ, trước tiên và quan trọng nhất bạn cần xác định cụ thể ngành nghề muốn theo đuổi. Đó là ngành nghề bạn quyết tâm phấn đấu và phát triển lâu dài, là ngành nghề bạn khát khao dấn thân theo đuổi và thật sự phù hợp với thế mạnh bản thân.
Chúng tôi có một số lời khuyên dành cho bạn trong trường hợp bạn chọn phát triển trong lĩnh vực nhân sự:
– Bổ sung kiến thức chuyên ngành ngay bây giờ, bằng cách theo học các khóa nhân sự cơ bản/Luật lao động/tuyển dụng/tính lương… ở các trung tâm uy tín.
– Nộp đơn dự tuyển vào các công việc khởi đầu như nhân viên hành chính nhân sự, phụ tá (assistant) của phòng hành chính nhân sự.
– Tìm cơ hội ở các công ty vừa và nhỏ trước.
– Thuyết phục nhà tuyển dụng bằng sự yêu thích lĩnh vực mới, công ty; chứng minh tiềm năng của bạn bằng kiến thức chuyên môn đã tích lũy được, các kỹ năng mềm liên quan tính chất công việc và tính cách phù hợp.
Sau khi tích lũy kinh nghiệm và kiến thức thực tế, cũng như chứng minh được năng lực bản thân với công ty, bạn sẽ có nhiều cơ hội và lựa chọn nghề nghiệp tiềm năng hơn.
Một số công ty có tiến trình tuyển dụng khá chậm và thường phản hồi/liên lạc với ứng viên sau một thời gian khá lâu, do vậy bạn không nên mất hi vọng mà hãy luôn theo dõi, kiểm tra email/điện thoại hằng ngày trong quá trình tìm việc.
NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT
(chuyên viên tư vấn nghề nghiệp VietnamWorks.com)
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc… bạn đọc gửi về chương trình “Tư vấn việc làm” tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. |
Source: Báo Tuổi Trẻ