Người mẫu nam sau ánh hào quang – Kỳ cuối: Đường băng đến tương lai
TT – Vô Thường (còn gọi là Long “áo dài”), một stylist có tiếng, khẳng định: “Người mẫu là một nghề đáng quý, đáng trân trọng nếu người ta đến với nó thật sự nghiêm túc, đàng hoàng. Tuy nhiên, người mẫu nam không được trọng như nữ.
Người mẫu nam sau ánh hào quang – Kỳ cuối: Đường băng đến tương lai
Đường đến sự chuyên nghiệp của người mẫu nam vẫn còn nhiều khó khăn – Ảnh: Gia Tiến |
Ở VN, có bao nhiêu nhà thiết kế làm trang phục cho nam? Ảnh bìa các tờ báo 99% là nữ để đảm bảo độ an toàn cho lượng báo bán ra. Trong khi đó người mẫu nam đẹp, rất xứng đáng được xuất hiện và họ cũng khao khát được cống hiến, được lao động và sáng tạo như các đồng nghiệp nữ nhưng cơ hội rất nhỏ”. Người mẫu nam có ở vị trí vơđét thì vẫn luôn đứng sau người mẫu nữ. Vai trò của họ trong những cuộc trình diễn thời trang có sự tham gia đông đảo của người mẫu nữ, giống như một bông hoa đẹp cần có cái bình để cắm.
Tự tìm lối đi riêng
“Điều làm tôi buồn nhất là định kiến của xã hội về nghề này – người mẫu Vũ Duy Hưng nói – Tôi từng nuốt cục nghẹn khi nghe người ta nói ngay trước mặt: “Bọn này học hành gì! Suốt ngày chỉ biết uốn éo, làm đẹp!”. Một số người nhìn người mẫu là những “đứa” trình độ thấp kém, đầu thiếu não… trong khi chúng tôi có rất nhiều người là sinh viên các trường đại học lớn như Bách khoa, Tự nhiên, Ngoại thương, Kinh tế… Có người tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ, có người là giảng viên đại học đàng hoàng…”. Một số nam người mẫu khác thì bảo họ đã không ít lần muốn bỏ nghề bởi những lời xì xào, những ánh mắt khinh khi của hàng xóm, rằng phải ngủ với đạo diễn, phải đi khách, phải “bóng gió” mới được nhận show. “Nói thật là những chuyện như thế không phải là tin đồn – một nam người mẫu đề nghị không nêu tên đang là sinh viên lớp tài năng một trường đại học thừa nhận – Trả giá lớn nhất của họ là thay đổi cả giới tính của mình. Nhưng không phải người mẫu nào cũng có lựa chọn đó”.
Người mẫu Duy Hưng bảo: “Tôi đã nhìn thấy những anh chị nổi tiếng rất yêu nghề và nghiêm túc với công việc của mình. Họ cố gắng tập những động tác tay, chân, ánh mắt khi đang chờ trong hậu trường. Họ nhắm mắt cầu tổ nghề trước khi lên sân khấu rất thành khẩn. Tôi nhìn thấy sự cố gắng từ những vơđét và nghĩ mình càng phải nỗ lực hơn. Nếu không tâm huyết, không yêu nghề, không muốn thể hiện mình thì khi đứng trên sân khấu… sẽ không diễn được. Người mẫu khi đó sẽ không làm cho khán giả thấy được cái đẹp từ trang phục, từ người mẫu”.
Sau khi đoạt giải 3 cuộc thi Manhunt Vietnam 2006, Trung Cương vẫn làm thêm nhiều việc khác ngoài diễn catwalk: hướng dẫn viên du lịch, trợ lý cho một công ty thương mại rồi trở thành trợ lý cho một hãng thời trang trong hai năm. Hiện nay Trung Cương đang quản lý một cửa hàng thời trang nam trên đường Võ Văn Tần (Q.3) với những mẫu trang phục do chính mình thiết kế. Còn nhớ lần phỏng vấn đầu tiên, gặp Trung Cương lúc 9g tối. Gương mặt lấm tấm mồ hôi lộ chút mệt mỏi, Cương hối hả tranh thủ nói chuyện giữa những mẫu vải, mẫu thiết kế còn mới nguyên bụi vải và những mẫu thiết kế trên bàn làm việc. Những mẫu vẽ này sẽ được đưa cho nhân viên ở xưởng thực hiện. Trung Cương đã có hai xưởng may với 30 nhân công. 10g đêm, khi cửa hàng đóng cửa, về đến nhà anh lại tiếp tục vẽ mẫu thiết kế, chuẩn bị vải, phụ kiện… đến gần 12g khuya.
Nhiều người khác chạy sô đủ thứ nghề: đi hát, phục vụ quán ăn, nhân viên bán quần áo… để trang trải gánh nặng cơm áo gạo tiền và để được đi trên sàn catwalk. Rất nhiều nam người mẫu đã tự tìm cho mình một con đường chắc chắn hơn. Họ lấn sân sang đóng phim, làm đạo diễn thời trang, stylist hoặc nhân viên văn phòng. Không ít người đã rời sàn catwalk ngay khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp.
Hướng đến chuyên nghiệp
“Nghề người mẫu ở nước ngoài được coi là nghề hái ra tiền chứ không bập bềnh, trôi nổi như VN. Thu nhập của người mẫu nam VN quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội, buộc họ phải làm đủ thứ nghề thì không thể làm nghề catwalk chuyên nghiệp được”, người mẫu Trung Cương nói. Đã từng trải qua hai tháng làm việc ở nước ngoài theo lời mời của một công ty người mẫu tại Đức, Trung Cương khẳng định: “Khả năng học hỏi, hòa nhập của người mẫu VN rất tốt. Chỉ tiếc là mình không được đào tạo bài bản theo quy trình, tiêu chuẩn của quốc tế”.
“Thời của tôi, muốn trở thành người mẫu phải thi tuyển – người mẫu kỳ cựu Đức Hải kể – Mấy trăm người mới chọn được hơn 40 người để học làm người mẫu. Thầy dạy là biên đạo múa rất giỏi, dạy cách cảm nhạc như thế nào, đi đúng nhạc ra sao… Sau nửa năm huấn luyện mới được đi trình diễn. Trước yêu nghề hơn bây giờ: biết đầu tư cho hình ảnh, chăm chút nhiều cho nghề, biết cách chụp ảnh, trình diễn. Bây giờ không phải thi tuyển, chỉ đào tạo cấp tốc, hời hợt trong tuần lễ, người mẫu chưa cảm được gì về nghề, về kỹ thuật diễn xuất đã quăng lên sàn diễn. Nhưng nghề không tạo cho họ nhiều cơ hội trải nghiệm trên sân khấu. Phải có chiều sâu văn hóa để phân tích, suy nghĩ: khi diễn với bộ trang phục nào thì biểu cảm của gương mặt, thần thái và động tác hình thể phải ra sao để tôn lên tinh thần, ý tưởng của bộ trang phục khiến người xem nhớ tới nó, muốn mua nó”.
Là người mẫu được làm việc ở một hãng thời trang danh tiếng của Ý, cựu người mẫu Đức Hải cho biết ở nước ngoài, người mẫu được quản lý bởi công ty rất chuyên nghiệp. Các công ty này có hẳn chiến lược và nhiều cách để lăngxê, đẩy người mẫu ra sàn diễn quốc tế. Một người mẫu tại Mỹ sẽ trình diễn ở London, Paris, Milan… là chuyện rất bình thường. Ở VN, công ty quản lý không có đầu ra hoặc rất ít. Họ không có sự cộng tác nào với nước ngoài nên không đưa người mẫu của mình ra tầm khu vực hay quốc tế được.
“Trong khi thật sự ở VN có những gương mặt đủ tố chất để trở thành người mẫu quốc tế. Nổi bật nhất là Lê Khôi Nguyên (Mister Vietnam 2010), Tiến Đoàn (Nam vương quốc tế 2009), Quang Hòa… Cái đẹp châu Á của VN là điều thị trường châu Âu rất cần vì họ muốn châu Á cũng dùng thời trang châu Âu của họ”. Đó là ý của Đức Hải, tuy nhiên để làm được điều đó theo anh phải có công ty đào tạo chuyên nghiệp: huấn luyện đi đứng, cách trả lời báo chí, chế độ ăn uống và luyện tập thể hình… Người mẫu độc quyền của công ty có chiến lược xây dựng hình ảnh, thương hiệu rất chuyên nghiệp.
Đức Hải đề xuất ý tưởng: nên dành thêm cơ hội cho sinh viên quốc tế hoặc những người nước ngoài làm việc ở VN tham gia diễn catwalk. “Vì ngành may mặc VN không chỉ giới hạn ở nội địa mà còn phải xuất khẩu. Cho nên phải có người mẫu quốc tế mặc chứ không thể chỉ có người VN mặc đồ VN. Nếu ngành thời trang không phát triển, nghề người mẫu chỉ loanh quanh hành nghề trong nước mà thôi”.
MY LĂNG
————————————
* Tin bài liên quan
>> Kỳ 1: Nhọc nhằn với giấc mơ “sao”
>> Kỳ 2: Trọng – khinh sàn diễn
>> Kỳ 3: Bẫy rập cuộc đời
>> Kỳ 4: Tình, tiền và…
>> Kỳ 5: Đường đến thành công
>> Kỳ 6: Đường băng của một siêu mẫu
________________________
Đón đọc kỳ tới: Người Việt chinh phục đại dương
Từ xa xưa, người Việt đã tinh thông thủy chiến với nhiều chiến thắng hiển hách. Đến triều Nguyễn, việc xây dựng các hạm đội thủy quân đã nâng lên tầm chiến lược. Nhiều dự án đóng tàu hơi nước, tàu bọc đồng, đặc biệt là đưa người ra nước ngoài học hỏi kỹ thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu.
Source: Báo Tuổi Trẻ