Đột phá mức lương tối thiểu
TT – Ngày 5-10, ông Đoàn Cường – vụ trưởng Vụ Tiền lương Bộ Nội vụ – cho biết Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, đề xuất cải cách chính sách tiền lương hiện nay, trong đó tập trung đột phá nâng mức lương tối thiểu để cán bộ, công chức (CBCC) đủ sống bằng lương. Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Đoàn Cường nói:
Đột phá mức lương tối thiểu
>> Tăng lương, phải tăng chất lượng sống
>> Tăng lương nhưng còn băn khoăn
Ông Đoàn Cường – Ảnh: V.V.T. |
– Từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung đã điều chỉnh 7 lần (từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng), đây là một sự cố gắng lớn của Nhà nước để từng bước cải thiện đời sống của CBCC. Lộ trình đặt ra là tiến hành điều chỉnh lương tối thiểu hằng năm, nhưng còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế.
Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với CBCC còn chậm hơn khu vực doanh nghiệp, hiện nay mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp vùng thấp nhất là 1.400.000 đồng/tháng và cao nhất là 2.000.000 đồng/tháng.
Có người so sánh là thu nhập của sinh viên mới ra trường vào làm trong hệ thống hành chính nhà nước không bằng người làm nghề lao động đơn giản. Tất nhiên đây là hai quan hệ lao động khác nhau, nhưng qua sự so sánh như vậy cũng thấy được khó khăn của CBCC vì mức lương thấp.
* Rõ ràng với mức lương thấp thì khó thu hút được người giỏi vào làm CBCC…
– Để thu hút người giỏi, tiền lương chỉ là một khía cạnh, còn phải có nhiều giải pháp đồng bộ khác như môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp… Định hướng tới đây tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở phải bảo đảm cho CBCC sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội.
Theo đó, tiền lương của CBCC phải hợp lý trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương khu vực thị trường để thu hút và giữ nhân tài làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.
* Định hướng như vậy nhưng đâu là giải pháp cụ thể để khắc phục những bất cập của chính sách tiền lương hiện nay?
– Lộ trình và mức cụ thể thế nào, cấp có thẩm quyền sẽ quyết định. Chúng tôi xây dựng chính sách trên tinh thần phải tập trung tạo đột phá sao cho thỏa đáng. Bên cạnh vấn đề điều chỉnh mức lương tối thiểu, còn nhiều vấn đề khác cần tiếp tục hoàn thiện như: quan hệ mức lương tối thiểu – trung bình – tối đa, hệ thống thang bảng lương, các chế độ phụ cấp lương…
* Hiện ở không ít cơ quan hành chính có tình trạng người có ngạch, bậc lương thấp hơn lại làm việc tốt hơn những người có ngạch, bậc lương cao hơn…
– Một trong những giải pháp cho vấn đề này là trả lương theo vị trí việc làm. Vấn đề đầu tiên là phải xác định được vị trí việc làm. Trong khu vực doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có điều kiện thực hiện cái này rõ hơn, còn khu vực hành chính phải từng bước xác định vị trí việc làm và sắp xếp con người, trên cơ sở đó có sự đãi ngộ phù hợp.
* Theo ông, khó khăn nhất trong cải cách tiền lương giai đoạn tới đây là gì?
– Vấn đề của chúng ta là hạn chế về nguồn lực. Nếu “miếng bánh” ngân sách ngày càng lớn và đủ đảm bảo cho các mục tiêu cải cách tiền lương thì vấn đề sẽ được giải quyết, trong bối cảnh hiện nay nếu chỉ trông vào ngân sách là rất khó khăn. Có một số ý kiến cho rằng chúng ta chưa thật sự coi tiền lương là chi cho đầu tư, vì nếu chi cho đầu tư thì có thể dùng đến giải pháp mạnh như đi vay tiền để đầu tư.
Tuy nhiên vấn đề này còn đang tranh luận. Hiện số lượng công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập khoảng 1,7 triệu người. Do đó việc đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính, tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là rất quan trọng, có tính quyết định cho việc cải cách tiền lương ở nước ta.
* Tới đây việc cải cách chính sách tiền lương sẽ được thực hiện trên cơ sở hình thành cơ chế riêng đối với từng khu vực?
– Đối với khu vực hành chính và lực lượng vũ trang, tiền lương do ngân sách đảm bảo. Bên cạnh đề nghị tập trung đột phá nâng mức lương tối thiểu đối với CBCC, sẽ giữ tương quan tiền lương giữa lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay.
Đối với khu vực sự nghiệp dịch vụ công, Nhà nước chỉ quy định bảng lương áp dụng chung để làm căn cứ cấp hoặc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, tính đóng và hưởng bảo hiểm xã hội…, còn tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp và phụ thuộc nguồn thu của đơn vị.
Tiền lương đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp cũng được thực hiện theo cơ chế riêng.
V.V.THÀNH
Source: Báo Tuổi Trẻ