Skip to content

21 Tháng chín, 2011

Làng “sót” giữa rừng

TTCT – Cách trung tâm TP Đồng Hới (Quảng Bình) khoảng 10km có một ngôi làng mà nhiều người nói vui rằng đã bị “sót” lại giữa rừng sau chiến tranh. Trong mỗi người dân làng ấy có biết bao nỗi niềm.

Làng “sót” giữa rừng

Sau 46 năm lập làng, đến nay làng Trạng mới có đường bêtông – Lam Giang
Căn nhà của anh Trần Đình Na đang xây sẽ là căn nhà to và đẹp thứ hai ở làng Trạng – Ảnh: Lam Giang

Làng Trạng (còn gọi là tiểu khu Trạng) nằm lọt giữa vùng rừng hoang vu. Lên làng Trạng chỉ có con đường độc đạo từ đường Hồ Chí Minh (nhánh đông) chạy băng giữa rừng. Ban ngày đã vắng vẻ, về đêm con đường càng hiu quạnh hơn vì hai bên nhiều chỗ có mồ mả. Người dân ở thành phố Đồng Hới bây giờ nếu có biết về làng Trạng cũng chỉ biết như mọi ngôi làng bình thường khác. Chỉ những người Đồng Hới gốc mới biết làng Trạng ra sao.

Một thời là làng… phố

Ông Mai Xuân Sang, chủ tịch UBND phường Đồng Sơn, nói: “Đảng ủy và chính quyền phường rất quan tâm đến tiểu khu Trạng, nhưng phường không đủ tiềm lực để giúp đỡ làng Trạng trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng… Với khả năng của phường, phường đã giao nhiệm vụ cho các đoàn thể, tổ chức hội hỗ trợ bà con làm ăn bằng trồng rừng, cải tạo cây trồng trong vườn nhà để có thu nhập, các hộ nghèo thì phường đã hoàn thành việc xây dựng nhà đại đoàn kết”.

Năm 1965, khi Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đồng Hới trở thành đầu cầu của tuyến lửa khi chỉ cách sông Bến Hải chia cắt hai miền chưa đầy 80km. Thị xã nhỏ bên bờ sông Nhật Lệ phải gánh chịu bom từ máy bay và pháo từ hạm đội 7 của Mỹ suốt ngày đêm.

Ông Nguyễn Văn Mục, trưởng làng Trạng (tiểu khu trưởng) hiện nay, cho biết từ tháng 8-1965, hàng ngàn người dân thị xã Đồng Hới đã giã từ mảnh đất chôn nhau cắt rốn ở Đồng Đình, Đồng Hải, xóm Câu, xóm Chợ… tản cư lên rừng để quân và dân Quảng Bình bước vào cuộc chiến chống trả máy bay Mỹ. Đến tháng 6-1966, nhiều vùng rừng hoang vu phía tây Đồng Hới đã có tên là Trạng, Hà, Ba Đa, Cồn Chùa, Cầu Cúp… và trở thành thị trấn Đồng Sơn (Cộn), thủ phủ tỉnh Quảng Bình thời chiến.

Ông Mục nhớ lại: “Thời kỳ mới tản cư lên, riêng làng Trạng đã có trên 500 hộ. Người dân đem hết nghề ở phố thị lên theo nên làng mở đến 14 nghề để tiếp tục mần ăn. Có cả nghề chụp ảnh, chữa đồng hồ, nhuộm áo quần, phấn viết bảng… Nhưng do chiến tranh ngày càng ác liệt nên nhiều hộ không sống được với nghề cũ. Có hộ phải vào rừng tìm lá mây, củi, lá tranh lợp nhà… mưu sinh. Một số trở thành nông dân hợp tác xã trồng khoai, sắn, đậu mè theo tinh thần vừa sản xuất vừa chống Mỹ”.

Đã 46 năm rồi, bà Trương Thị Tình vẫn chưa quên những ngày ấy: “Nhà tôi thuộc diện gia đình bộ đội nên phải tản cư. Ngày đó tôi đã khóc hết nước mắt vì nơi ở mới không có chợ, không điện, không trạm xá…”. Cũng nhờ cuộc tản cư quy mô như thế nên hầu hết người Đồng Hới bảo toàn được tính mạng, dù thị xã đã bị san phẳng thành bình địa.

Từ năm 1975, lần lượt người dân Đồng Hới ở làng Trạng trở về nơi chôn nhau cắt rốn, tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ. Đến năm 1977, ở làng Trạng còn 350 hộ. Khoảng năm 1995-1996, chính quyền Đồng Hới có chính sách cấp lại đất ở quê cũ cho người dân gốc Đồng Hới đã tản cư lên làng Trạng. Thế nhưng có người không về được. Giờ làng Trạng có 38 hộ, 114 nhân khẩu, sống hiu hắt với nhau giữa rừng. Với nhiều người dân làng Trạng, phố thị đông vui của ngày xưa đã là quá khứ đắng cay.

Ông Nguyễn Văn Mục bây giờ đã trở thành một nông dân thực thụ – Ảnh: Lam Giang

Nỗi niềm người ở lại

Trong chiều nhá nhem tối, anh Phạm Văn Mạng ngồi ngó ra cánh rừng trồng bạch đàn trước cửa nhà, trong lúc vợ anh lui cui với đống củi ngoài vườn. Anh kể: “Trước khi tản cư lên đây, nhà ba mẹ tôi ở ngay cây đa trước cửa cơ quan Thành ủy Đồng Hới bây giờ, chỗ đó nay chỉ cách cửa chợ Đồng Hới chưa đầy 50m. Mẹ tôi được cấp một mảnh đất ở quê cũ, nhưng rồi phải nhượng lại vì không có tiền để lấy. Đành ở lại làng Trạng…”.

Bà Tình được cấp đất ở trung tâm Đồng Hới cũng phải bán lại cho người khác. Buồn nhất là ông Trần Đình An. Được cấp một mảnh đất ở phường Hải Đình nhưng không có tiền nộp lệ phí, ông bán đất với giá hơn 5 triệu đồng. Người mua “hảo lòng” đưa ông 6 triệu đồng. Không lâu sau, một nửa mảnh đất đó được bán lại với giá 180 triệu đồng. 

Ông Mục luôn mang nặng nỗi niềm vọng cố hương. Ông kể: “Trước chiến tranh, gia đình tôi có đất ở số 31 Lê Trực, tức là trên đường Mẹ Suốt bây giờ. Theo chính sách cấp đất cho người Đồng Hới gốc về lại quê cũ, tôi được cấp ở phường Hải Đình, nhưng do ở làng Trạng làm không đủ ăn, con cái lại nhỏ nên biết lấy tiền mô nộp phí lấy đất, rồi còn tiền làm nhà nữa…”. Hết thời hạn nộp tiền, ông trả lại đất cho Nhà nước. Mảnh đất cố hương của anh Mạng và ông Mục, theo thời giá bây giờ, đáng cả chục tỉ đồng.

Làng Trạng có 38 hộ thì có 8 hộ nghèo, 10 hộ được làm nhà đại đoàn kết. Ông trưởng làng đưa ra con số: 30% hộ làm vườn, 30% hộ trồng cây lâm nghiệp trong đất vườn nhà, hai hộ buôn bán vặt, còn lại sống nhờ rừng và tứ tán làm thuê công nhật. Hộ có thu nhập ổn định nhất là hai hưu trí và một thương binh. “Bà con sống tạm bợ tùy theo công việc kiếm được trong ngày. Mùa nắng còn kéo nhau đi làm mướn kiếm được đồng vô đồng ra, chớ mùa mưa là lay lắt lắm chú ơi. Muốn làm ruộng kiếm hột lúa ăn cũng chẳng có đất mà mần…” – ông Mục xót xa nói.

Một trong hai hộ tiểu thương của làng Trạng – Ảnh: Lam Giang

Phạm Văn Đức, con trai anh Mạng, mới 15 tuổi đã nghỉ học theo mọi người đi bóc vỏ cây bạch đàn nuôi thân và san bớt gánh nặng cho ba mẹ. Anh Mạng cho biết: “Thu từ cây trái trong vườn một năm được 5-6 triệu đồng mần răng đủ sống? Bản thân tui ai kêu việc chi là mần việc nấy, miễn là không phạm pháp”. Nhà bà Tình hiện có bốn người con ở làng Trạng, nghề nghiệp là đi phụ thợ nề và đi rừng. Bà Tình thổ lộ: “Mơ ước có vốn mua con bò nuôi sinh sản, lấy con bê gầy dần ra cho con cái…”.

Cũng tìm cách thoát nghèo bằng cách đi học nghề lái máy công trình, nhưng anh Hoàng Tân Lợi không xin việc được nên tạm thời đi rừng, dù biết là không hợp pháp. Anh giải thích: “Xin việc cũng phải có tiền bảo đảm này nọ, không có thì đành chịu”. Có gần chục thanh niên ở làng đi rừng, mỗi đợt đi 30-45 ngày, mọi chi phí đều vay mượn hoặc “cắm” trước ở các quán. Đi về, nhiều lúc trừ xong chi phí chỉ còn lại số tiền đủ mua đồ cho lần đi tiếp, thậm chí không ít lần trắng tay vì gỗ đưa về bị kiểm lâm tịch thu hết.

“Chuyện nghèo khổ kể mấy cũng không hết mô, bây chừ kể chuyện vui thôi” – ông Mục bảo. Té ra chuyện vui của ông Mục là làng Trạng đang được thành phố và tỉnh đầu tư hơn 2 tỉ đồng làm một con đường bêtông dài 2km, rộng 2,5m từ đầu làng đến cuối làng. Ông Trần Đình Dinh, chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), cho biết thêm: “Về lâu dài, thành phố sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực có được giúp đỡ bà con nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Và thành phố sẽ có kế hoạch cụ thể cho vấn đề này”.

Sau 46 năm lập làng, “bây giờ làng Trạng đã có một cái gì đó cho nó hiện đại ngang tầm với xã hội chớ, chẳng lẽ lầy lội mãi răng được” – ông Mục nói mà chẳng biết ông vui thật hay vờ.

LAM GIANG

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments