Truyền thống dạy y đức ở Đại học Y Hà Nội
(Dân trí) – Đại học Y Hà Nội mà tiền thân là Đại học Y Đông Dương là đại học có lịch sử lâu đời nhất ở nước ta. Một truyền thống đáng lưu ý của trường này là không chi coi trọng đào tạo chuẩn mực về chuyên môn mà còn coi trọng dạy y đức. >> Đạo đức lương y đã tới lúc cần “nâng cấp”!
LTS Dân trí– Đại học Y Hà Nội – mà tiền thân là Đại học Y Đông Dương – là đại học có lịch sử lâu đời nhất ở nước ta. Một truyền thống đáng lưu ý của trường này là không chi coi trọng đào tạo chuẩn mực về chuyên môn mà còn coi trọng dạy cách ứng xử đúng với trách nhiệm và lương tâm người Thầy thuốc.
Qua bài viết dưới đây, GS.NGND Nguyễn Ngọc Lanh đã dành một phần xứng đáng để nói về tấm gương sáng về chuyên môn cũng như về đạo đức nghề nghiệp của những Giáo sư người Pháp ở trường Đại học Y Đông Dương trước đây. Đấy cũng là những Giáo sư có công đào tạo nên những Thầy thuốc tiêu biểu đầu tiên của nước ta như Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Chung…
Điều đó cũng cho thấy nếu dạy y đức suông thì không đem lại hiệu quả mà cần kết hợp với việc giáo dục ý thức nghề nghiệp cũng như kỹ năng hành nghề, và điều quan trọng trước hết là giáo dục y đức qua những tấm gương mẫu mực của Người Thầy. Câu nói “Thầy nào Trò nấy” có thể coi là một chân lý vĩnh hằng.
Đối chiếu cách đào tạo ở các trường đại học y ngày nay của chúng ta có điều gì đáng rút kinh nghiệm. Có đúng như tác giả đã nhận định là còn thiên về dạy “lập trường” và “đạo đức thuần túy” cho nên không ít bác sĩ chưa biết ứng xử phù hợp với pháp luật, quy chế và đạo đức; chưa biết cách giải thích, thuyết phục và an ủi người bệnh…
Đạo đức nghề Y chỉ thể hiện ở cách ứng xử mà không ở chỗ thuộc lý thuyết. (nguồn ảnh: internet)
Tại sao mở trường ngành Y mà không phải ngành khác? Vì học xong, sẽ có việc ngay và sẽ gần dân – liên quan tới mục đích nói trên. Làm nghề gì thì mục đích số 1 vẫn là kiếm sống, qua đó mà phục vụ xã hội. Nhưng người Pháp nhận ra, nghề y ở xứ nông nghiệp dễ được người dân tìm đến nhất. Vẫn biết, hành nghề thì được trả công, nhưng trong “lời thề” khi ra trường, có hai nội dung đáng chú ý: 1) Ưu tiên bệnh nặng mà không ưu tiên địa vị xã hội… và: 2) Chữa miễn phí cho người nghèo. Do vậy, thầy thuốc khó mà xa dân. Đã vậy, Quy chế còn nhắc: khi ra trường “phải làm việc ba năm ở miền núi”.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Không phải vị thầy thuốc tân khoa nào cũng nhớ suốt đời những nội dung quan trọng nhất của lời thề. Cụ Vũ Công Hoè ra trường1936 nhưng gần nửa thế kỷ sau được hỏi lại, thì… “chỉ còn nhớ láng máng”. Có thể do cụ Hoè cả đời không trực tiếp chữa bệnh, mà chỉ cặm cụi nghiên cứu trên các tử thi. Tuy nhiên, cụ lại rất nhớ thầy Lucas Championiere đã giảng rất hay về cách ứng xử hợp đạo đức. Vị thầy này cứ đặt ra những tình huống éo le và hỏi học trò: Nếu gặp trường hợp như vậy, các anh sẽ ứng xử thế nào… Sinh viên phải vận dụng lý thuyết đã học để trả lời. Hoá ra, cách dạy case study hiện nay chưa phải sáng tạo gì ghê gớm.
Như vậy, ngoài đọc lời thề (cuối khoá mới có dịp thực hiện) thì vấn đề là hàng ngày sinh viên đã học gì và các thầy đã nêu gương thường nhật ra sao…
Trường không có môn lý thuyết “Đạo Đức Y Học”. Đạo đức nghề nghiệp chỉ thể hiện ở cách ứng xử mà không ở chỗ thuộc lý thuyết. Không có vị đạo cao đức trọng nào dùng cách nói thao thao: “anh phải thế này”, “anh nên thế khác”… mà sinh viên trở thành nhà đạo đức. Tuy nhiên, có một môn được dạy: môn Quy Chế Hành Nghề (Deontology), vừa lý thuyết, vừa thực hành. Các cựu sinh viên cho biết: Chỉ các GS kỳ cựu nhất mới được cử ra “kiêm” dạy môn này, ví dụ GS Sollier (chuyên khoa Tai-Mũi-Họng); nhưng GS Vũ Công Hoè lại nói, từng học môn này từ vị thầy khá trẻ: Lucas Championniere. Đó là môn dạy hành xử sao cho phù hợp quy chế, pháp luật và đạo đức thầy thuốc.
Trường Y Đông Dương mở trước khi có bậc trung học, thí sinh trẻ nhất được tuyển mới có 15 tuổi (ví dụ, Phạm Đình Minh, sinh 1887, ở số 100 phố Hàng Gai, hoặc Trần Đình Huy, sinh cùng năm, số 41 Hàng Bạc) chưa có đủ kiến thức cơ bản cần thiết. Họ phải bổ túc Toán, Hoá, Sinh, Pháp văn… Ra trường, với danh hiệu “y sĩ Đông Dương”, hưởng lương như cao đẳng, được cử phụ trách y tế cả một tỉnh và dứt khoát phải làm việc 3 năm ở miền núi (Trần Đình Đệ lên Hoà Bình; Đỗ Xuân Hợp lên Yên Bái, Martin lên Phú Thọ…). Phải 30 năm sau mới có đủ tú tài để trường này chuyển sang đào tạo bác sĩ.
Thập niên 50 của thế kỷ trước, y sỹ Đông Dương của những khoá muộn nhất (ra trường từ 1922 tới 1930), chỉ còn sót lại 41 vị. Đáng ngạc nhiên là họ có những nét chung rất dễ nhận biết, cứ như đúc từ cùng một cái “khuôn đạo đức” nào vậy. Đó là tác phong đĩnh đạc; tính cách đôn hậu, nói năng khúc chiết, ôn tồn…
Điển hình là các cụ Vũ Đình Tụng (cố bộ trưởng Thương Binh), Nguyễn Kính Chi (thứ trưởng Y Tế), Trần Văn Lai (Đốc Lý Hà Nội), Nguyễn Đức Khởi (giám đốc Y tế Hà Nội), Hoàng Sử (thầy thuốc hoàng gia, sau là chủ nhiệm Bộ Môn X-quang), Đỗ Xuân Hợp (chủ nhiệm bộ môn Giải Phẫu)… Sinh viên Lê Văn Khải khi thực tập ở tỉnh Hoà Bình, đã mô tả cụ Trần Đình Đệ có phong cách như nhân vật Lỗ Túc (thời Tam Quốc). |
– Tấm gương từ những Người Thầy :
Tên tuổi các GS Pháp được sinh viên nhớ mãi trong tâm khảm của mình: Lucas Championniere có ông nội sáng lập một tạp chí y khoa, có cha là viện sỹ, bản thân ông tự nguyện sang Đông Dương để đào tạo, mà không vì thu nhập. Do vậy, rất được sinh viên yêu kính về phẩm chất và khâm phục về chuyên môn. Ông dạy Ngoại Khoa, và dạy cả môn Quy Chế Hành Nghề. Ông mất ở Việt Nam vì một bệnh nhiệt đới, được sinh viên thương xót tiễn đưa về tận Hải Phòng (thi hài đưa về Pháp). GS Hoè coi ông này là Yersin thứ hai của trường. Henri Coppin rất giỏi về các bệnh lây, nhưng cũng mất sớm vì lây bệnh. Naudin thương cả sinh viên lẫn bệnh nhân. Hồi đó, đồng bào ta đói ăn, rét mặc (tuy không có bệnh) nhưng vẫn được sinh viên cho nhập viện để được ăn mỗi ngày 2 bữa cơm đạm bạc, nhưng miễn phí. Khi thầy khám, không phát hiện bệnh gì, sinh viên đành thú thật: cho vào viện để… cứu đói. Thầy liền đọc to câu danh ngôn y học: Kết luận một con người hoàn toàn không có bệnh là điều khó nhất của y học (ý nói, ai cũng có bệnh). Các anh theo dõi, khám cho kỹ, thế nào cũng tìm ra một tên bệnh để ghi vào bệnh án cho “hợp lệ”. Sollier rất hay gắt với sinh viên và bệnh nhân, kể cả khi vợ ông tới khám. Ông ghét tác phong luộm thuộm của sinh viên và ý thức phòng bệnh kém của người bệnh. Tuy nhiên, với sự trong sáng và tính tình thẳng “ruột ngựa” ông vẫn được cử dạy môn Quy Tắc Hành Nghề. Polidori dạy môn Nhi Khoa. Khi khám bệnh ông không bắt bà mẹ ra ngoài (vì đứa trẻ khóc rất dữ trước “ông Tây”) mà cứ để bà ta bế con, dù điều này trái quy chế. Ông khám bệnh rất tỉ mỉ và phát hiện nhiều triệu trứng ẩn dấu khiến những sinh viên khám trước phát hoảng… |
Trong 13 giáo sư đầu tiên của ta – công bố tháng 1 và tháng 10-1955 – có 11 vị thuộc ngành Y (1 ở ngành Dược và 1 ở ngành Toán). Các vị này cùng tất cả các vị lão thành khác đều hấp thu đạo đức y học của những Người Thầy cũng là những trí thức chân chính người Pháp có ý thức trách nhiệm cao trong nghề nghiệp và hết lòng vì người bệnh.
Khi theo Cụ Hồ đi kháng chiến (1946), họ hành xử nghề nghiệp và đào tạo sinh viên cũng theo tinh thần ấy. Trong kháng chiến, sinh viên y năm thứ 3, 4 và 5 đã mặc áo lính, phụ trách quân y cấp tiểu đoàn, trung đoàn và đại đoàn. Mỗi năm họ chỉ được về trường ít tháng để học, do vậy họ rất biết cần học gì. Đạo đức y học được lồng vào các bài giảng chuyên môn kèm những ví dụ thực tế – trong đó bản thân các thầy và các vị đàn anh là những tấm gương sống động.
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, có một điều đáng ghi nhớ với ngành y tế là ngày 27-2-1955 Chủ tịch Hồ chí Minh gửi thư cho ngành, đã nhấn mạnh 2 điều: Đoàn kết hơn nữa; và phải “biết đau cái nỗi đau của người bệnh”. Khẩu hiệu: “Thầy thuốc giỏi phải như mẹ hiền” được nêu cao từ đó. Nhờ vậy, sinh viên y có phương hướng tu dưỡng để trở thành “mẹ hiền” trong cuộc đời hành nghề của mình.
Qua quá trình phát triển lâu dài, Trường Đại học Y Hà Nội ngày nay luôn biết coi trọng dạy thái độ để tạo kỹ năng ứng xử. Không thuyết trình đạo đức suông.
Phương pháp sư phạm hiện đại cho thấy, trong giáo dục có 3 (và chỉ cần 3) mục tiêu: Kiến thức, Thực hành và Thái Độ. Phương pháp này vận dụng vào y học không những cho phép “tích cực hoá người học”, mà dạy mục tiêu Thái Độ chính là nhằm giúp người học ứng xử đúng khi giao tiếp với đối tượng nghề nghiệp (bệnh nhân, người nhà họ, đồng nghiệp và dân cư). Nói cách khác, nó giúp hình thành kỹ năng giao tiếp cho người học. Ví dụ, họ phải có kỹ năng giải thích, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng an ủi… Tóm lại, đó là dạy kỹ năng chung sống nói chung.
GS. NGND Nguyễn Ngọc Lanh
Source: Báo Dân Trí