Làm Bác sĩ tốt cũng thật gian nan!
(Dân trí) – Tôi mong có đồng lương đủ sống, để chúng tôi tập trung vào công việc, thì chắc chắn trình độ và đạo đức sẽ nâng cao nhanh chóng. Còn không nếu tình trạng ăn còn không đủ thì không hiểu tôi có thể gắng gượng làm Bác sĩ tốt được bao lâu nữa? >> “Nâng cấp” đạo đức lương y nếu không bạo lực sẽ tái diễn
Kính thưa quý vị bạn đọc,
Tôi là 1 bác sĩ trẻ, xuất thân từ nhà quê, nên tôi hiểu hơn ai hết nỗi khổ của bệnh nhân nghèo. Từ khi ra trường đến nay, tôi đã thực sự làm việc theo đúng lương tâm của câu nói “Lương y như từ mẫu”, trước đây tôi từng làm cho 1 bệnh viện, ở nơi đó tổng thu nhập cũng vào khoảng 8tr/tháng. Với số tiền đó đủ để tôi sinh hoạt và phụ giúp bố mẹ, nhưng tôi đã xin nghỉ việc để đi làm 1 nơi khác, vì làm ở đây… nói gọn trong 1 câu là “nếu thương bệnh nhân thì bị sếp trách mắng”.
Làm việc tốt cho bệnh nhân tôi cảm thấy rất vui, nhưng nỗi lo kinh tế gia đình luôn đè nặng tâm trí tôi (nguồn ảnh: internet)
Làm việc ở chỗ mới tôi thấy vui vì bệnh nhân được chăm sóc rất tốt, nhưng đổi lại niềm vui đó của tôi là nỗi lo của gia đình, ngay cả những lần về thăm bà (106 tuổi), tôi không còn khả năng mua cho bà những món quà đơn giản, ngay bản thân tôi, cũng ăn không đủ.
Nhiều lúc thấy cuộc sống khắc nghiệt và thiếu công bằng, vào học y với điểm số rất cao, sáng học bệnh viện, chiều lên giảng đường, tối tuần trực 2 buổi, trong 6 năm. Trong khi các trường khác chủ yếu học 1 buổi, phần lớn chỉ học 4 năm, vậy mà khi ra trường lương nhà nước trả như nhau, đều 2,34 và nếu làm doanh nghiệp thì cao hơn rất nhiều. Bạn đã bao giờ nghĩ đến chuyện này chưa?
Lại nói về đạo đức nghề nghiệp, tại sao người ta lại hay phản ánh về ngành y và ngành C.A, chẳng qua là do người ta bị lấy tiền trực tiếp, còn những ngành nghề khác? tham nhũng, ô nhiễm môi trường,…thiệt hại hang ngìn tỉ, thì hầu như không ai quan tâm, vì đều nghĩ là… không phải tiền của mình.
Mọi người ở cơ quan mới thì ai cũng bảo tôi ngốc khi về đây. Gặp người quen cũ thường nói đùa với tôi là “em gặp bác thì có phải đưa phong bì qua gầm bàn không ạ?”. Tôi chỉ cười nụ cười cay đắng và không nói gì cả.
Có nhiều người con gái thích tôi, và khi tôi hỏi tại sao thì họ nói “vì bác sĩ giàu lắm”, những người này thì tôi không bao giờ nói chuyện trừ khi họ cần tư vấn về sức khỏe. Bên cạnh đó niềm vui lớn nhất của tôi là được bệnh nhân và người nhà yêu quý. Nhiều lần về nhà chơi, bạn bè rủ đi đây đó nhưng khổ nỗi đi chơi mà “túi rỗng” thì chán lắm, nên đôi khi bị hiểu lầm là coi thường họ.
Tôi không biết phải giải thích sao để mọi người hiểu và thông cảm cho tôi, nhiều khi có những chuyện không thể chia sẻ được. Mong sao khi đọc được dòng tâm sự này của tôi, mọi người sẽ hiểu được lý do vì sao tôi không thể về thăm hay đi chơi với họ được.
Hôm nay đọc được phản hồi từ địa chỉ thientranghp@gmail.com, tôi cũng thấy buồn, và mong mọi người sẽ nhìn sự việc từ nhiều phía, tôi đã hỏi nhiều đồng nghiệp có ngại khi nhận tiền không? thì họ chỉ nói “biết làm sao được, không thế thì mình chết”, còn nhớ có 1 lần tôi và 1 điều dưỡng cấp cứu cho bệnh nhân xong, người nhà đưa tiền, tôi đã chia đôi, 1 phần cho chị điều dưỡng, còn phần của tôi trả lại cho bệnh nhân. Tôi đã không nói với chị điều dưỡng cũng như không yêu cầu chị phải trả tiền lại cho họ, vì tôi chỉ có 1 mình, còn chị ấy có con nhỏ, tiêu tốn nhiều thứ. Tôi không biết làm vậy có đúng không nữa nhưng tôi thấy rất vui.
Mong mỏi lớn nhất của tôi bây giờ là có đồng lương đủ sống, để chúng tôi tập trung vào công việc, thì chắc chắn trình độ và đạo đức sẽ nâng cao nhanh chóng. Nếu với tình trạng ăn không đủ thế này (đấy là chưa nói đến chuyện có gia đình, con cái) thì tôi không biết làm Bác sĩ tốt được bao nhiêu ngày nữa.
Nguyen phuc quang
email:quangnua@gmail.com
Source: Báo Dân Trí