Cà phê pha loãng
TT – Thu nhập cầu thủ VN liệu có quá cao? Chất lượng bóng đá VN có phải đang đi xuống? Đó là hai câu hỏi đặt ra cho câu chuyện “Nghịch lý bóng đá VN: thu nhập cao, chất lượng thấp!”…
Nghịch lý bóng đá Việt Nam: Thu nhập cao, chất lượng thấp
Cà phê pha loãng
Lượng khán giả bình quân trong một trận đấu ở V-League liên tục giảm – Đồ họa: Vĩ Cường |
>> Nền bóng đá ảo
>> Giá ảo không có lợi cho bóng đá VN
>> Bóng đá Việt Nam:Thu nhập cao, chất lượng thấp!
Không chỉ ta, mà Tây cũng choáng khi nghe thu nhập của giới cầu thủ. Ngay Mario Goetze, ngôi sao bóng đá 19 tuổi của Đức, khi nhận lương 1 triệu euro/năm đã phải thốt lên: “Tại sao đôi chân lại làm ra nhiều tiền hơn bộ óc?”! Đơn giản bởi bố Mario là một chuyên gia máy tính nhưng thu nhập không bằng 1/10 con trai mới vào nghề đá bóng.
Thu nhập cầu thủ VN cao hay thấp?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một giáo sư vật lý hàng đầu VN có gần 100 bài viết đăng trên những tạp chí chuyên ngành nổi tiếng thế giới có lương 6,5 triệu đồng/tháng. Cộng thêm cả tiền nghiên cứu mỗi năm được vài chục triệu, bình quân thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Trong 10 năm lao động của giáo sư, ông được 1,2 tỉ đồng.
Trong khi đó, 10 năm đá bóng của Việt Thắng giúp cầu thủ này kiếm khoảng 10 tỉ đồng tiền lương, thưởng và thực hiện khoảng ba lần chuyển nhượng cũng kiếm được thêm khoảng 20 tỉ đồng. Trên cơ sở tính là 10 năm lao động, thu nhập của ông giáo sư chỉ bằng 1/16 cầu thủ. Còn nếu tính theo tuổi thọ nghề nghiệp, một đời nghiên cứu của ông giáo sư (30 năm) cũng chỉ xấp xỉ 1/10 thu nhập của Việt Thắng làm 10 năm!
Tuy nhiên, tỉ lệ ấy không phải là cao nếu so sánh với nước ngoài. Cụ thể đại học Princeton, Mỹ đã trả cho GS Ngô Bảo Châu khoảng 300.000 USD/năm. Trong khi đó, tiền lương Barcelona trả cho Messi là 15 triệu USD/năm. Tỉ lệ là 1/50! Cứ cho là GS Ngô Bảo Châu bền bỉ làm việc cho Princeton được 20 năm thì thu nhập của ông cũng chỉ bằng 1/25 Messi đá bóng trong 10 năm.
Nhưng ở nước ngoài thường người ta chẳng quan tâm đến sự chênh lệch đó. Một số vị giáo sư từng làm việc ở nước ngoài đều cười rất vui và nói: “Chúng tôi làm toán, nghiên cứu vật lý chẳng ai xem cả. Chứ Messi, Beckham đá bóng thì khối người xem”! Như vậy xét về tỉ lệ chênh lệch, thu nhập của cầu thủ VN vẫn còn thấp so với cầu thủ nước ngoài.
Thật ra, câu chuyện thu nhập của cầu thủ VN thường bị mọi người săm soi với vẻ không hài lòng bởi hai lý do: 1-Mặt bằng thu nhập của lao động VN còn quá thấp. Một công nhân chỉ có 2 triệu đồng/tháng, còn anh đá bóng thì cả trăm triệu đồng. 2-Ở nước ngoài không ai so bì với Messi vì khi anh chơi bóng, khán đài mấy chục ngàn chỗ ngồi đều kín mít. Thậm chí cả tỉ người trên hành tinh này còn dán mắt vào màn hình theo dõi anh. Còn cầu thủ VN thì sao?
Giá cả và chất lượng
Cầu thủ VN thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng nhưng nếu sân bóng đông khán giả, truyền hình tranh nhau mua bản quyền để phục vụ nhu cầu của người hâm mộ thì không nói làm gì. Đằng này sân bóng ngày mỗi vắng mà thu nhập cầu thủ ngày một cao mới là chuyện nghịch lý.
Theo số liệu của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), lượng khán giả đến sân trong ba mùa bóng gần đây đã đi xuống. Cụ thể, năm 2009 số khán giả bình quân đến sân xem một trận đấu V-League là 10.326 người. Năm 2010 con số này giảm còn 8.297 người, và năm nay là 7.395 người!
Khán giả bỏ sân bởi sau một thời gian bóng đá khá sạch nhờ vụ công an mở chiến dịch trị cầu thủ, trọng tài (năm 2005), thì nay bóng ma tiêu cực đang có chiều hướng phát triển mạnh trở lại. Bên cạnh đó, chất lượng cầu thủ cũng không được nâng lên bởi nhiều đội bóng chỉ vung tiền để hái quả mà không muốn trồng cây! Tại AFF Cup 2010, chỉ cần vắng Công Vinh, Việt Thắng là ông Calisto “hết phép”. Rồi bây giờ đến ông Goetz cũng lại chỉ có ngần ấy tên cầu thủ để lựa chọn mà thôi.
Đã có người ví bóng đá VN hiện tại giống như pha cà phê: chỉ có một lượng cà phê đủ để pha mười phin nhưng có đến 14 người uống nên đành phải nhâm nhi cà phê nước dão vậy! Tương tự, lượng cầu thủ VN đủ chuẩn để chơi V-League chỉ đủ cung ứng cho 10 đội nhưng chúng ta có đến 14 đội nên mới xảy ra tình trạng các đại gia lôi kéo cầu thủ giỏi, tạo nên những vụ chuyển nhượng vượt quá giá trị thật của cầu thủ.
Đến giờ trình độ bóng đá VN vẫn chưa thể bằng Thái Lan, nhưng thu nhập của cầu thủ VN thì vượt xa cầu thủ Thái Lan!
HUY THỌ
Source: Báo Tuổi Trẻ