Skip to content

27 Tháng tám, 2011

Chuyện hướng nghiệp ở Canada

TTCT – Chuyến thăm mới đây tới một số cơ sở giáo dục của hai tỉnh British Columbia và Ontario (Canada) đã mang lại một cái nhìn mới mẻ cho tôi về một không gian thật sự “thân thiện” và “tích cực” ở các trường học.

LTS: Nhiều phản hồi gửi tới loạt câu chuyện cuộc sống “Tôi không qua nổi kỳ thi này” cho thấy phần lớn sự bối rối của giới trẻ là do họ chỉ có duy nhất một lựa chọn: đại học. TTCT giới thiệu một góc nhìn về giáo dục hướng nghiệp từ cách làm của Canada.

Chuyện hướng nghiệp ở Canada

Những câu chuyện về hoạt động hướng nghiệp ở nước này từ khi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường thể hiện một quan điểm giáo dục hết sức “động”, không chỉ tập trung vào kiến thức sách vở.

Giờ học mỹ thuật ở Trường trung học Queen Margaret – Ảnh: Lưu Trang

Phát triển năng khiếu

Không đợi đến khi hoàn thành chương trình trung học, học sinh ở Canada đã được định hướng về nghề nghiệp tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đối với học sinh ở Canada, không có quy tắc học hết bậc trung học thì thi vào đại học như ở Việt Nam, mà mỗi cá nhân có một lối rẽ cho riêng mình, được định hình từ rất sớm…

“Ở đây không ai đánh giá bạn thấp nếu bạn không học đại học, quan trọng là cách mà bạn thể hiện kinh nghiệm và khả năng khi bắt tay vào công việc”

NGUYỄN MINH HUYỀN
(sinh viên ngành kế toán Trường cao đẳng Mohawk)

Laila Mazir, 16 tuổi, học sinh Trường trung học Union Ville (tỉnh Ontario), vừa kết thúc chuyến tham quan và biểu diễn tại Ý và New York vào cuối tháng 5 vừa rồi. Từ khi bước vào Trường Union Ville, Laila và các bạn đã được tự chọn các bộ môn năng khiếu mà các em thích. Laila chọn kèn saxophone, còn Charis Choi, bạn của Laila, chọn chơi trống.

Mỗi tuần, Laila và bạn có ít nhất bốn buổi sinh hoạt ở lớp phát triển âm nhạc. Các em được học chơi các loại nhạc cụ vào cuối tuần, giáo viên sẽ dẫn những học sinh chơi tốt nhất đến các rạp hát, sân khấu ở địa phương để thực hành và nhận cả những “sô” diễn ở nước ngoài. Đó là cơ hội để những học sinh đam mê âm nhạc được cọ xát như những nghệ sĩ thực thụ.

Laila kể với chúng tôi: “Chuyến đi mang lại nhiều kinh nghiệm và cả những kỷ niệm đáng nhớ. Em đã nghĩ đến chuyện sẽ tiếp tục học nhạc tại học viện âm nhạc sau khi tốt nghiệp trung học vì thấy mình phù hợp với sân khấu và biểu diễn”.

Ở Trường Union Ville, ngoài âm nhạc, học sinh còn có nhiều lựa chọn khác về các lớp năng khiếu như kịch nghệ, múa, vẽ, thể thao, thiết kế, nhiếp ảnh, nặn tượng… Cô Susan Logue, hiệu trưởng nhà trường, nói các môn nghệ thuật, năng khiếu luôn được chú trọng để các em tự do phát triển và làm những gì mình thích. Nhà trường giống như một câu lạc bộ mà các em thích đến mỗi ngày để sinh hoạt và thể hiện khả năng của mình. Hằng tuần, giáo viên đều có buổi nói chuyện với phụ huynh về sự phát triển năng khiếu của từng học sinh, qua đó cùng bàn bạc, định hướng về tương lai của các em.

Cô Lauri, giáo viên lớp nghệ thuật với hơn 150 học sinh, cho biết: “Khoảng 40% học sinh của tôi đã định hình được nghề nghiệp tương lai phù hợp với sở thích và khả năng của mình”. Trong khi đó, cô Deborah, giáo viên balê và cũng là một nghệ sĩ múa, nói: “Không phải tất cả học sinh của tôi đều theo ngành múa trong tương lai, nhưng đây là cơ hội để các em luyện tập cho sức khỏe và vóc dáng của mình. Sau đó các em sẽ thấy ngành múa có hợp với mình hay không, mình có đam mê thật sự hay không và có sẵn sàng để trở thành diễn viên hay không”.

Khi tham quan các phòng học tự chọn ở trường này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những họa tiết, tranh ảnh, đồ trang trí do chính học sinh tự thể hiện theo cách riêng của từng em, điều đó khiến cho lớp học trở nên cực kỳ sinh động.

Ở Trường trung học Queen Margaret (tỉnh British Columbia), học sinh nữ còn được học cưỡi ngựa như một môn thể thao phổ biến. Các lớp học vẽ được tổ chức trong những phòng học trang trí nghệ thuật, giáo viên mở nhạc không lời du dương suốt buổi học và tất cả học sinh đều có thể mải mê sáng tạo theo đúng ý thích của mình.

Điều thú vị là ngôi trường này được xây dựng như một ngôi làng nhỏ thân thiện, với những hàng hoa anh đào nở trắng đều tăm tắp, những khuôn viên dành cho lớp học nằm thu gọn ở một khu vực nhỏ, phần còn lại dành cho sân tập thể thao, khu cưỡi ngựa, sân khấu và cả những lớp thực hành ngoài trời. Cảm giác như trường học không chỉ là nơi để học mà là một không gian sống, chẳng có chút áp lực học tập nào, trái lại, là nơi để học sinh tận hưởng những khoảng thời gian thoải mái nhất của thời trung học. Từ đây những ý tưởng mới, sự sáng tạo bắt đầu nảy nở.

Hướng nghiệp

Christina, học sinh lớp 8 Trường trung học Notre Dame (Ottowa – Ontario), trao đổi với chúng tôi: “Khi bước vào trường, thầy cô hỏi em muốn trở thành người thế nào trong tương lai. Em nói muốn làm giáo viên dạy tiếng Anh và lịch sử. Giáo viên lập tức cho em một danh sách các môn học tốt cho lựa chọn đó của em. Được tự do chọn môn học nhưng em cũng phải chọn ít nhất là tám môn. Ngoài ra, em còn chọn sinh hoạt ở lớp kịch nghệ và âm nhạc, vì em nghĩ những khả năng về nghệ thuật sẽ làm cho công việc của em sau này thuận lợi hơn”.

Hằng tuần, Christina đều có ít nhất ba buổi làm trợ giảng cho giáo viên tại các lớp hệ mầm non và tiểu học trong trường. Nhiệm vụ của Christina là chơi cùng em nhỏ, tập cho chúng vẽ và viết, nặn đồ chơi và tổ chức các trò chơi tập thể. Mới lớp 8 nhưng Christina đã tỏ ra rất lành nghề khi quản lý một lớp học.

“Điều thật sự em nhận được khi thực tập ở những lớp học này không chỉ là lương mà quan trọng là kinh nghiệm. Càng làm em càng ham thích công việc này. Một số bạn của em khi thực hành cảm thấy không phù hợp với công việc đã chuyển sang tìm hiểu một nghề nghiệp khác”.

Tương tự, những học sinh muốn trở thành bác sĩ được thực hành ở các nhà thương trong địa phương. Việc thực hành có khi chỉ dừng lại ở quan sát, phụ trợ trong các ca cấp cứu. Khoảng 70% học sinh ở đây thường xuyên làm việc bán thời gian ở các nông trại, tiệm gội đầu, cửa hàng thời trang, quán ăn… và nhận lương đều đặn hằng tháng. Giáo viên sẽ hỗ trợ tìm và giới thiệu việc làm bán thời gian phù hợp với mỗi học sinh.

Khi bắt đầu lên lớp 10, hoạt động hướng nghiệp được thực hiện dày hơn với các chương trình “co-op” (thực tập). Mỗi năm, học sinh sẽ có 3-4 tháng làm việc tại một công ty, có lương, có thử thách, cạnh tranh, sa thải, lên chức… như một công việc thật sự. Kết quả của kỳ “co-op” cũng sẽ được tính trong kết quả cuối năm học và trong bản giới thiệu về khả năng của các học sinh khi ra trường.

Tôi không chọn đại học

Khác với học sinh Việt Nam luôn coi trường đại học là cánh cửa duy nhất, uy tín nhất để bước ra cuộc đời, ở Canada, nhiều học sinh lại khẳng định họ không chọn đại học sau khi tốt nghiệp trung học.

“Đơn giản vì học đại học tốn rất nhiều tiền và tôi không đủ sức để học vì yêu cầu của các giáo sư ở trường đại học rất cao. Nếu bạn không theo nổi chương trình đại học, bạn sẽ bị quá sức và tụt lại phía sau. Nếu chọn học cao đẳng hoặc học các trường dạy nghề, cơ hội làm việc vẫn rất cao mà vừa với sức mình hơn” – Vũ Kim Thúy, sinh năm 1995, du học sinh Việt Nam đang học tại Trường trung học Windermere (Vancouver), nói.

Ở Canada, chuyện học đại học chỉ dành cho những học sinh xuất sắc với điều kiện kinh tế gia đình khá giả, bởi mức học phí ở các trường đại học rất cao. Chính vì vậy, những lựa chọn như học cao đẳng, học nghề… luôn được ưu tiên trong chương trình hướng nghiệp của các trường trung học.

Nguyễn Minh Huyền, sinh viên ngành kế toán Trường cao đẳng Mohawk, tâm sự: “Trước khi đi du học, tôi đã tìm hiểu kỹ và thấy việc chọn một trường cao đẳng ở Canada để học là vừa khả năng. Học ngành kế toán, tôi bắt đầu được thực tập từ năm thứ 2, tự lên trang web, liên hệ với các công ty, hẹn phỏng vấn, xin vào làm…, vì vậy tôi khá tự tin với việc tự liên hệ công việc cho tương lai sau này”.

Điểm khác với việc học ở Việt Nam, theo Huyền, là sinh viên học theo kiểu “thân ai người nấy học”, ở đây Huyền làm việc theo nhóm và được giáo viên hỗ trợ tận tình. Nếu thấy giáo viên không phù hợp, nhà trường sẽ đổi giáo viên mới. Hằng tuần được yêu cầu đọc các cuốn sách về kế toán, kinh doanh qua những câu chuyện cụ thể, khiến hình dung về công việc kế toán rõ ràng, mạch lạc hơn và chắc chắn không còn bỡ ngỡ khi ra trường.

Theo Huyền, học cao đẳng giúp bạn có nhiều thời gian thực hành, thực tập hơn chứ không chỉ chú trọng vào các lý thuyết theo kiểu sách vở, hàn lâm. “Ở đây không ai đánh giá bạn thấp nếu bạn không học đại học, quan trọng là cách mà bạn thể hiện kinh nghiệm và khả năng khi bắt tay vào công việc” – Huyền nói.

Tham quan một số trường cao đẳng ở Canada mới thấy việc thực hành rất được chú trọng. Chẳng hạn, Trường cao đẳng Niagara có cả khu trang trại dành riêng cho việc sản xuất rượu và thức ăn cho nhà hàng và xưởng rượu của trường, cũng là nơi cho sinh viên học ngành nhà hàng, khách sạn thực tập. Sinh viên được tham gia sản xuất và bán loại rượu vang chiết xuất từ nho, một sản phẩm nổi tiếng mang thương hiệu của trường.

Trường cũng có một vườn hoa rộng lớn với đủ loại hoa và cả cửa hàng kinh doanh hạt giống làm nơi thực hành của sinh viên các ngành trồng trọt. Chính vì vậy mà sinh viên ở đây rất tự tin với khả năng làm việc và tay nghề, kinh nghiệm của mình.

Chính ở đất nước này chúng tôi nhận ra sự thân thiện trong môi trường học tập, sự động viên và cách thức tạo điều kiện của nhà trường đối với khả năng của học sinh. Việc đầu tư công sức để hướng nghiệp là nền tảng vững chắc để học sinh ở đây tự tin hơn trên lớp học và cả khi đã bước ra khỏi lớp học để lựa chọn tương lai của mình.

LƯU TRANG

__________

Tin bài liên quan:

>> Tôi như con búp bê được lập trình
>> Đâu chỉ có một con đường
>> Tôi học để không sợ hãi
>> Con tôi đã gần đến đích

Source: Báo Tuổi Trẻ

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments