Skip to content

27 Tháng tám, 2011

Suất nào cho nhà văn?

TT – Lúc còn là sinh viên, có lần cô bạn thân tâm sự về quan niệm yêu đương rằng: cái gì của mình là của mình, còn cái gì không phải của mình thì không phải của mình. Lúc đó mình suýt bật cười vì cho rằng cô bạn này khéo nói chuyện theo kiểu… huề vốn.

Sổ tay

Suất nào cho nhà văn?

Nhưng nghĩ lại, cách xác định và thái độ ứng xử với “cái gì của mình” cũng là một thách thức lớn cho nhiều người trong hành trình lập thân lập danh.

Bởi trước những nỗ lực đóng góp của bản thân và cái phần kết quả được nhận, người ta thường có phản xạ xem xét rằng: có xứng đáng không?

Một nhà văn đang khiếu nại vì mình không được một suất đi dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc. Trong khi đó có những nhà văn vừa từ chối “suất” giải thưởng được đề cử cho mình. Tùy vào tri thức và ý thức, mỗi nhà văn sẽ xác định “cái suất của mình” là gì trên hành trình theo đuổi công việc tự chọn ấy.

Văn học là chuyện của mỗi nhà văn, nhưng bởi vì sản phẩm của cá nhân nhà văn – tác phẩm lại có liên quan đến toàn xã hội, nên nó trở thành vấn đề của xã hội. Trên hành trình sáng tác, mấu chốt vẫn là nhà văn. Khi mỗi người chủ động trong cách ứng xử nghề nghiệp của mình, thì cái kết quả “suất của mình” sẽ không trở thành nỗi bức xúc hay chuyện bất ngờ.

Hơn ai hết, nhà văn phải am tường cuộc sống, ít ra là cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình. Điều này giúp nhà văn chọn thái độ làm việc. Cao Hành Kiện và Milan Kundera biết chọn chỗ sống để làm nhà văn, điều này ngược lại với nhiều người rất biết chọn (cái gọi là) nghề văn để làm cớ sống.

Biết chọn chỗ sống để làm văn, là vì văn mà sống, chuyện sống được huy động để nuôi nghiệp văn. Còn người dùng văn để kiếm sống, rồi đổ thừa rằng cuộc sống phiền tạp làm ảnh hưởng nghiệp văn không đến đâu của mình đã có người (Viên Mai) từ bi tặng cho một câu: “Lập thân tối hạ thị văn chương”.

Cho nên, cách sống và làm việc hết lòng cho những gì xác định “là của mình” sẽ quyết định giá trị ở phần kết quả nhận được. Điều này tránh được cái tư thế nhận kết quả “của mình” từ ai đó, và phát sinh việc bị ai đó đối xử bất công. Giới hâm mộ cải lương cho rằng: có thể nghệ sĩ Lệ Thủy không được trao giải thưởng, nhưng với công chúng yêu cải lương, tên tuổi Lệ Thủy là nữ hoàng. Hoặc như với công chúng và lịch sử âm nhạc Việt Nam, Phạm Tuyên là nhạc sĩ có vị trí quan trọng. Vị trí này chỉ có thể cộng hưởng giá trị với một giải thưởng dành cho ông, chứ không thể bị ảnh hưởng nếu ông không được giải.

Và như vậy, việc xác định Giải thưởng Nhà nước “là của mình” hay danh hiệu nữ hoàng trong lòng người hâm mộ “là của mình” sẽ giúp người nghệ sĩ chủ động để điềm tĩnh hơn trong cách ứng xử.

Mọi kết quả không thể ngẫu nhiên mà có, nhưng phấn đấu để đạt kết quả gì cũng không thể là việc làm tùy tiện. Đó là trách nhiệm của mỗi người với chính bản thân. Ý thức trách nhiệm đó sẽ giúp mỗi người sống và làm việc tự nhiên hơn, có thể toàn tâm toàn ý với những hoạt động nào được xem như của mình để tin tưởng thành tựu của nó là hoàn toàn xứng đáng.

L.ĐIỀN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments