Dạy bổ túc ở vùng cao
TTC – Mới vào nghề, tôi được điều về xã vùng cao, nơi bà con dân tộc cư trú, dạy lớp bổ túc văn hóa.
Chuyện vui nghề nghiệp
Dạy bổ túc ở vùng cao
Học viên của lớp là những học sinh lớn tuổi được tách ra để học chương trình bổ túc văn hóa theo kế hoạch phấn đấu phổ cập trung học cơ sở. Lớp có cả một số thanh niên nghỉ học từ dăm năm trước, nay lại đi học tiếp, có người đã có vợ con.
Trước khi đi dạy, tôi được nghe các nhà giáo lớn tuổi kể những câu chuyện thời dạy xóa mù chữ và dạy bổ túc văn hóa, thầy và trò xấp xỉ tuổi nhau, có học trò còn lớn tuổi hơn. Nhiều câu chuyện vui, tình huống tức cười. Tôi nhủ thầm: Mình sẽ quen thôi, không sợ!
Lớp học đặt tại một điểm trường lẻ. Tôi vào lớp, các học viên ít tuổi đứng dậy chào, nhưng mấy học viên nam lớn tuổi cứ ngồi đó nhìn tôi. Tôi đưa mắt nhìn cả lớp, chưa chào lại, nhất định chờ cho tất cả phải đứng lên. Cuối cùng mấy học viên lớn mới miễn cưỡng đứng dậy. Tôi gật đầu chào lại và cho cả lớp ngồi xuống. Có tiếng ở cuối lớp: “Ôi dô! Trẻ mà oai thế!”. Tôi làm như không nghe thấy. Hai tiết học qua đi không dễ dàng vì học trò quên nhiều kiến thức cũ. Tôi giao bài tập về nhà, yêu cầu làm, mai sẽ gọi từng người lên bảng giải bài.
Hôm sau, tôi yêu cầu một số học viên lên bảng. Hai học viên thấp bé giải được bài, chỉ phải sửa một vài chi tiết nhỏ. Một học viên lớn ngồi cuối lớp hay nói chuyện pha ngang, tôi gọi anh ta lên bảng. “Ồ! Không lên đâu, cô giáo à!”. Tôi kiên quyết: “Mời anh lên bảng!”. Thấy tôi kiên quyết, anh ta miễn cưỡng đi lên. Loay hoay viết viết xóa xóa mãi không xong, tôi đành cho anh ta về chỗ. Vừa đi về chỗ ngồi, anh ta vừa nói: “Mình đã bảo không muốn lên, cô giáo cứ bắt lên.
Sắp ra, cô lại bắt mình xuống!”. Mấy học viên lớn cười ồ. Mặt tôi nóng ran. Tôi nghiêm nét mặt nhắc mọi người phải học hành nghiêm túc. Vừa lúc hết tiết học, cả lớp đứng dậy ra về. Anh chàng học viên lúc nãy làu bàu tếu táo, cố nhấn tiếng ngọng của người dân tộc: “Trong lớp học toán thì cô hôn (hơn) mình. Ra nương, ra rừng thì mình hôn cô đấy!”. Mấy học viên lớn lại cười ầm lên. Tôi bực tái mặt.
Một hôm trời mưa dầm dề. Từ đường lớn rẽ vào đường nhỏ, tôi chỉ lái xe đi được một đoạn thì bánh xe bết đất, xe nằm ềnh ra, bánh xe quay tít, ống xả mù khói. Tôi đành ì ạch kéo xe vào gửi nhà bên đường rồi đi bộ. Đất mến người quá mức, giữ cả dép lại, tôi đành tụt dép đi chân đất, bấm móng chân mỏi nhừ mà vẫn vồ ếch. Ôm cặp, xách dép vào lớp thì đã muộn giờ. Học trò nhìn tôi ái ngại.
Tan lớp, tạnh mưa nhưng đường vẫn trơn. Học trò đi chậm chờ tôi. Chỗ đường trơn, mấy cánh tay đưa ra dìu tôi. Anh chàng học viên tếu táo nhào đi trước cùng mấy bạn khiêng xe tôi ra đường lớn, lấy que cạy hết đất quanh bánh xe. Anh chàng ấy còn nổ máy giúp rồi đưa xe cho tôi. Tôi dắt xe một đoạn rồi mới lên xe: “Tôi đi trước nhé!”.
Tôi nghe tiếng anh chàng tếu táo hát: “Cô giáo tẹp (đẹp) như con nai rừng…”. Tôi cười. Quỷ sứ cái anh chàng này…
VĂN TIẾU (Lào Cai)
Tuổi Trẻ Cười số 433 (1-08-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Source: Báo Tuổi Trẻ