Chuyên nghiệp còn xa lắm!
TT – Có lẽ trong 10 năm tập tễnh làm chuyên nghiệp, chưa bao giờ bóng đá VN bị chỉ trích nhiều như hiện nay. Từ đây đã bộc lộ rõ nhất tính chất nghiệp dư của tổ chức điều hành bóng đá nước nhà…
Sổ tay
Chuyên nghiệp còn xa lắm!
Các “mặt hàng” của VFF xuất hiện trên báo chí không mấy đẹp đẽ |
“Chuyên nghiệp” có lẽ là từ được xài nhiều nhất trong lĩnh vực bóng đá. Nhưng lâu nay người ta thường nói đến những biểu hiện nho nhỏ thể hiện việc thiếu chuyên nghiệp của bóng đá VN kiểu cầu thủ không ý thức được nghề nghiệp, các ông bầu xài tiền không đúng chỗ, các nhà quản lý có những quyết định lúc thế này lúc thế khác… Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đó chưa phải là câu chuyện chính của bóng đá chuyên nghiệp.
Còn nhớ khi ông Mai Liêm Trực ngồi ghế chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) để chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ sau ông đã cất công đi tìm hiểu các mô hình bóng đá chuyên nghiệp của nhiều nước và cuối cùng đúc kết: bộ máy quản lý bóng đá VN phải như một tổng công ty. Ở đó, các thành viên ban chấp hành VFF giống như hội đồng quản trị. trưởng ban tổ chức các giải đấu quan trọng như V-League, Giải hạng nhất, Cúp quốc gia… chẳng khác nào giám đốc phụ trách sản xuất; phụ trách vận động tài trợ giống như giám đốc tiếp thị – kinh doanh. Ngày ấy, tất cả đều chấp nhận cách đặt vấn đề của ông Trực, bởi thực tế ở mọi liên đoàn thể thao phát triển trên thế giới, tất cả đều thế và hai bộ phận quan trọng bậc nhất chính là tổ chức thi đấu với tiếp thị – kinh doanh.
Và hãy điểm lại câu chuyện của Tổng công ty VFF trong thời gian gần đây. Hàng của VFF sản xuất – các trận đấu ở V-League, Giải hạng nhất, Cúp quốc gia – ngày càng kém chất lượng qua các trận đấu bạo lực, kết quả gây nghi ngờ. Giới truyền thông gần đây tấn công mạnh mẽ vào các mặt hàng của VFF. Ví dụ với Vietnamnet là “Bóng đá Việt: Thôi bó tay thật rồi!”, “Có một V-League ngày càng xấu xí”; VTCNew thì “Rất bạo lực, rất… V-League” hay “Thảm họa VFootball”; Pháp Luật thì “Trò mèo sau trận cầu tiền tỉ”, “Quan” xem “cuội”… Khách hàng của VFF – khán giả thì ngày càng sa sút. Theo thống kê của trang web VFF, hiện nay trung bình mỗi trận đấu ở V-League có trên 4.000 khán giả. So với các mùa trước, số khán giả giảm khoảng 50%.
Sản xuất tốt, tiếp thị giỏi Bóng đá Anh thành công được như hôm nay là nhờ họ đã tổ chức được một giải đấu hấp dẫn và được tiếp thị năng động đến khu vực châu Á đông dân cư mê bóng đá. Theo tấm gương này, bộ phận kinh doanh bóng đá Ý cũng bắt đầu tấn công thị trường châu Á từ năm nay khi tổ chức khá nhiều trận đấu diễn ra lúc 22g đêm ở khu vực này. Ở mọi liên đoàn thể thao mạnh trên thế giới, người ta đã rút ra kinh nghiệm thành công là sản xuất tốt (khâu tổ chức thi đấu) và tiếp thị giỏi. |
Nếu VFF là một tổng công ty thật sự thì sao? Chắc chắn bộ phận sản xuất sẽ bị hội đồng quản trị xem xét lại năng lực, thậm chí có thể phải thay thế “giám đốc sản xuất”. Bởi với việc xuất xưởng những lô hàng kém chất lượng khiến khách hàng tẩy chay như thế, việc tiếp thị – kinh doanh sẽ gặp khó. Chuyện kinh doanh gặp khó thì chúng ta đã nghe tâm sự của ông Lê Hùng Dũng – phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF – phát biểu trên Tuổi Trẻ ngày 12-8: “Đá thế là gây khó cho việc vận động tài trợ”!
Vâng, ông Dũng khó xử thật khi vừa đóng vai người kinh doanh – tiếp thị cho VFF, vừa đóng vai nhà tài trợ chính của V-League (ông Lê Hùng Dũng cũng là chủ tịch HĐQT Eximbank). Chắc chắn ông sẽ khó ăn khó nói với các thành viên HĐQT Eximbank khi V-League đang bị chê trách quá dữ dội.
Xưa nay những người làm công tác tiếp thị – kinh doanh cho VFF chưa bao giờ làm việc sòng phẳng được với các nhà tài trợ theo kiểu: Chúng tôi có những mặt hàng chất lượng cao, ai trả giá cao nhất thì được làm nhà tài trợ chính! Tất cả đều phải nhờ vả bằng uy tín và mối quan hệ của người phụ trách tài chính. Cụ thể như hiện nay, cả Eximbank tài trợ cho V-League và Tập đoàn Hoa Sen tài trợ cho Cúp quốc gia và Giải hạng nhất là nhờ mối quan hệ của ông Lê Hùng Dũng chứ không phải chuyện mua bán sòng phẳng mặt hàng bóng đá!
Vì vậy, chúng ta cứ nói bóng đá VN chuyên nghiệp, nhưng sự thật là chuyên nghiệp còn xa lắm…
HUY THỌ
Source: Báo Tuổi Trẻ