Skip to content

15 Tháng bảy, 2011

Tôi hoang mang với tình trạng thất nghiệp của mình

Ảnh minh họa: bandi.glogster.com

Tôi hoang mang với tình trạng thất nghiệp của mình

TTO – Tôi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng chuyên ngành kinh tế phát triển và đã đi làm ở một công ty nước ngoài. Tôi đã từng làm xuất nhập khẩu. Công việc không liên quan đến ngành học nhiều, nên tôi đã cố gắng học việc và làm việc rất tốt. Nhưng vì một số lý do mà tôi đã nghỉ ở công ty.

Hiện giờ tôi cảm thấy khó khăn hơn khi mới ra trường kiếm việc, bởi giờ đã có kinh nghiệm làm việc nhưng tư tưởng không tốt bằng lúc mới ra trường (vì tôi rất may mắn ra trường chưa đầy một tháng đã có công việc và chính từ bản thân chứ không do quen biết). Lúc đầu mới nghỉ ở công ty, tôi đã bỏ qua rất nhiều cơ hội việc làm. Giai đoạn này, tôi đang trong tình trạng khủng hoảng khi thất nghiệp đã 5 tháng rồi.

Khi tới phỏng vấn ở các công ty, nhà tuyển dụng nào biết công ty tôi làm trước kia cũng bảo sao không làm ở đó nữa (vì công ty ấy lớn và môi trường tốt). Thật sự tôi hơi lúng túng trong câu hỏi này. Nên đối phó như thế nào trong tình trạng thất nghiệp kéo dài như vậy mà chưa có lối thoát? Mong tư vấn giúp tôi.

Tôi đang có ý định chuyển nghề sang làm ngành kế toán, vì tôi cũng học kế toán và có chứng chỉ nghiệp vụ kế toán. Nếu tôi làm kế toán thì nên như thế nào để tìm được công việc kế toán, vì công việc gì họ cũng yêu cầu kinh nghiệm?

Ms. Hang

Trong nội dung thắc mắc của bạn, tôi nhận thấy có hai vấn đề mà bạn phải trực tiếp đối mặt.

1. Giải đáp thắc mắc của nhà tuyển dụng về lý do nghỉ việc của bạn ở công ty cũ và tình trạng thất nghiệp trong một thời gian khá dài.

2. Tự giải đáp các vấn đề của bản thân và giải tỏa tâm lý của chính mình trong việc hoạch định nghề nghiệp, để nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp.

Đối với câu hỏi đầu tiên, tốt nhất bạn nên trả lời nhà tuyển dụng một cách chân thật, không nên giấu giếm hay tránh né mà cứ dũng cảm thừa nhận những sai lầm của mình trước đây. Nhà tuyển dụng sẽ hiểu rằng ai cũng có thể mắc sai lầm, nhất là đối với một người trẻ tuổi như bạn, điều quan trọng đối với họ là bạn đã rút được những kinh nghiệm và có hành động như thế nào để khắc phục những sai lầm đã qua. Chính những bài học kinh nghiệm đó sẽ giúp bạn hạn chế được những rủi ro trong công việc tương lai.

Để có câu trả lời hợp lý đối phó với nhà tuyển dụng không phải là điều quá khó khăn, ví dụ như: “Công việc ở công ty đầu tiên thật sự là một cơ hội tốt đối với tôi nhưng vì tại thời điểm đó tôi chưa đủ chín chắn để xác định rõ công việc ấy có phù hợp với mình hay không, và chưa đủ tự tin và kiên định để vượt qua những thử thách ban đầu nên đã nghỉ việc. Trong sáu tháng vừa qua tôi đã có nhiều cơ hội để tìm hiểu và trải nghiệm qua nhiều công việc bán thời gian, trong nhiều lĩnh vực để tự tìm cho mình câu trả lời về công việc phù hợp để theo đuổi lâu dài. Giờ tôi đã có câu trả lời chính xác cho bản thân mình và quyết tâm theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp này đến cùng. Thời gian qua tôi cũng trang bị thêm cho mình một số kỹ năng và kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp này như: ngoại ngữ, vi tính, kế toán… Tôi quyết định khởi tạo lại sự nghiệp của mình từ vị trí này, và quyết tâm sẽ không lùi bước trước khó khăn nào…”.

Để tự nhận định lại và thuyết phục chính bản thân mình là một vấn đề bạn cần phải thật đầu tư và tập trung suy nghĩ. Sáu tháng sẽ là rất dài đối với bạn nhưng cũng chỉ là một khoảng thời gian ngắn đối với sự nghiệp của một con người, nếu cần phải bỏ một năm để đi tìm câu trả lời chính xác thì cũng xứng đáng để có thể tự tin phát triển và tìm thấy niềm vui trên con đường sự nghiệp của mình.

Theo tôi dự đoán, hiện tại bạn đang rất hoang mang lo lắng về sự nghiệp của mình, không biết nên hoạch định hướng đi như thế nào cho phù hợp, đồng thời cũng bắt đầu mất tự tin về năng lực của mình, do đó bạn sẽ rất khó thuyết phục nhà tuyển dụng tin dùng bạn, đó là lý do vì sao bạn chưa tìm được việc trong thời gian qua.

Vậy bạn hãy tập trung để tìm hiểu chính bản thân mình, bắt đầu lấy một tờ giấy ra và trả lời 4 câu hỏi sau:

1. Bạn có kỹ năng, sở trường gì? (Khả năng dễ bắt chuyện làm quen với người lạ, khả năng lắng nghe và thấu hiểu tâm lý người đối diện, khả năng ngoại ngữ…)

2. Điều gì thường thu hút được sự quan tâm của bạn nhiều?  (Tôi thích đọc sách tâm lý, tôi thích xem phim tâm lý xã hội, thích lắng nghe bạn bè tâm sự, tôi thích đọc những câu chuyện về giá trị sống, văn hóa…)

3. Những tính cách nào của bạn là nổi trội nhất? (Tôi là người hướng ngoại, bạn bè thường nói là tôi ôn hòa, thân thiện, tôi thường bị phê bình là cả tin, thiếu cẩn thận…)

4. Mục tiêu hay giá trị sống mà bạn luôn hướng tới là gì? (Gia đình hạnh phúc, sức khỏe, được mọi người yêu thương và quý trọng…)

Khi xác định được khả năng của mình và những điều mà mình mong muốn, bạn sẽ đối chiếu với từng loại hình công việc sẽ thấy được mình có phù hợp với công việc đó hay không, công việc đó có hỗ trợ mình phát huy những khả năng vốn có, giúp mình thỏa mãn được những mục tiêu sống và những sở thích cá nhân hay không.

Khi đã xác định được đâu là công việc phù hợp thì bạn sẽ có được sự tự tin để theo đuổi, không dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn.

Một khi bạn tin vào năng lực và sự lựa chọn của mình thì bạn sẽ dễ dàng thuyết phục người khác tin và tuyển dụng mình. Chúc bạn tìm được công việc như ý!

NGUYỄN NGỌC MỸ
(chuyên viên tư vấn nghề nghiệp Công ty CareerVision)

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc… bạn đọc gửi về chương trình “Tư vấn việc làm” tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments