Vì sao công an bị hành hung?
TT – Tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn ra khá nghiêm trọng. Nhiều vụ đối tượng vi phạm tấn công công an ngay cả khi lực lượng này đã nổ súng cảnh cáo.
Vì sao công an bị hành hung?
Một CSGT làm nhiệm vụ trên đường Láng Hạ (Hà Nội) bị người vi phạm lái xe đâm thẳng vào người và hất lên nắp capô – Ảnh: otofun |
Theo Bộ Công an, trung bình mỗi năm có hàng trăm vụ chống người thi hành công vụ trên cả nước. Tình hình chống lại lực lượng thi hành công vụ diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó nổi cộm nhất là lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Ngang nhiên hành hung
Vài năm gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội liên tục bị người vi phạm Luật giao thông chống lại bằng nhiều hình thức. Nhẹ thì lăng mạ, chửi bới, nhổ nước bọt vào mặt, nặng thì đâm thẳng ôtô vào người, thậm chí lái xe bỏ chạy nhiều cây số khi CSGT vẫn còn bám trên nắp capô.
Không chỉ CSGT mà ngay cả lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) có vũ trang cũng bị côn đồ hành hung. Điển hình, rạng sáng 6-3-2011, tổ công tác thuộc đại đội 1, trung đoàn CSCĐ Hà Nội tuần tra trên đường Minh Khai đã bị ba thanh niên đi xe máy từ phía sau ập đến dùng dao chém thẳng vào người anh Cao Thanh Tuấn. Sau khi chém trượt anh Tuấn, nhóm này tiếp tục nhảy vào chém các chiến sĩ khác, buộc một người trong tổ công tác phải nổ súng cảnh cáo mới bỏ chạy.
Điều chỉnh cách thức giao tiếp của công an Để ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ, giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc tới mức hình sự. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội phải điều chỉnh cách thức giao tiếp, ứng xử để có những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa người thực thi pháp luật và người vi phạm. Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp trấn an nhằm giảm thiểu tình trạng chống người thi hành công vụ. Cùng với việc thẳng tay đối với tội phạm, lực lượng cảnh sát sẽ tăng cường chấn chỉnh thực hiện các quy trình công tác, thay đổi tác phong làm việc với nhân dân, xử lý nghiêm các trường hợp có sai phạm, tiêu cực. |
Gần đây nhất là vụ côn đồ tấn công lực lượng cảnh sát hình sự, lái ôtô đâm thẳng vào cán bộ khám nghiệm hiện trường, dùng hung khí chém cảnh sát ngay trên phố Hồng Mai (Hà Nội) vào rạng sáng 10-7. Vụ tấn công này đã làm ba cán bộ cảnh sát hình sự bị trọng thương, hiện đang điều trị tại bệnh viện. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, bắt giữ các nghi can để điều tra làm rõ. Đáng chú ý, trong vụ án này các nghi can ngang nhiên gây án trước sự có mặt của lực lượng công an mặc cảnh phục.
Theo thống kê, tính từ năm 2007 đến tháng 6-2011, chỉ riêng Hà Nội đã có 254 vụ tấn công người thi hành công vụ, làm bị thương 59 cán bộ chiến sĩ. Cơ quan công an đã khởi tố điều tra 190 vụ với 309 bị can. Theo phân tích của cơ quan công an, các đối tượng phạm tội bị xử lý chủ yếu là nam giới, có độ tuổi 18-35 và 50% số này có nghề nghiệp ổn định.
Điều đó cho thấy tình trạng chống người thi hành công vụ có dấu hiệu trẻ hóa và chuyển từ các đối tượng không nghề nghiệp sang những người có công ăn việc làm ổn định. Trong số các vụ chống lại lực lượng công an có tới 125 vụ xuất phát từ hành vi vi phạm giao thông, 69 vụ từ vi phạm trật tự công cộng, 21 vụ từ việc giải quyết các vụ gây rối, 25 vụ xảy ra trong khi bắt giữ các đối tượng phạm tội.
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến – phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm – cho biết tại TP.HCM, Nghệ An, Thái Nguyên, Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều vụ nghiêm trọng, thậm chí lực lượng chức năng đã nổ súng cảnh cáo nhưng vẫn bị đối tượng phạm tội tấn công.
Ở Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, các đối tượng còn ngang nhiên hành hung lực lượng chức năng để giải cứu đồng bọn. Tính từ năm 1998 đến nay đã có gần 90 cán bộ cảnh sát hi sinh, trên 1.000 cán bộ chiến sĩ bị thương và phơi nhiễm HIV do tội phạm tấn công.
Nguyên nhân
Đánh giá về tình trạng chống người thi hành công vụ, trung tướng Trần Đại Quang – thứ trưởng Bộ Công an – nêu ra một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân hàng đầu là do đối với tội phạm, lưu manh chuyên nghiệp, bản chất liều lĩnh nên rất manh động, coi thường pháp luật, sẵn sàng chống lại các lực lượng thực thi pháp luật nhằm trốn tránh pháp luật.
Đối với người dân, do tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, một số ít người sống buông thả, tự do quá trớn, coi thường pháp luật, thiếu tôn trọng kỷ cương phép nước, sẵn sàng chống lại bất cứ ai làm ảnh hưởng tới quyền lợi ích kỷ của họ. Một số cá nhân hiểu biết hạn chế về pháp luật, có tâm lý bất hợp tác với công an, bị xúi giục từ các phần tử xấu, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những hành vi chống đối.
Về phía người thi hành công vụ, bản thân lực lượng công an khi thực thi nhiệm vụ có thái độ ứng xử chưa đúng mực, khả năng thuyết phục quần chúng và các đối tượng khác không cao hoặc có biểu hiện cửa quyền, hách dịch, gây ức chế cho người dân, dẫn đến một số vụ chống người thi hành công vụ. Cá biệt, có một số trường hợp người thi hành công vụ không chấp hành đúng quy định, quy trình công tác, thậm chí vi phạm pháp luật, khiến người dân phản ứng.
Theo đại tá Nguyễn Đức Chung – phó giám đốc Công an Hà Nội, CSGT hoặc CSCĐ đã xảy ra những vụ việc do lực lượng công an xử lý không đúng tác phong làm phát sinh sự chống đối của các đối tượng vi phạm. Điển hình là vụ việc xử lý xe buýt vi phạm Luật giao thông tại Hà Nội vào đầu năm 2011, cán bộ công an đã có hành vi thiếu nghiêm túc gây ức chế cho tài xế nên đã va chạm với cán bộ công an.
Chế tài chưa đủ mạnh?
Ông Chung cũng nhận định hành vi chống người thi hành công vụ ở Hà Nội, nhất là chống lại CSGT, CSCĐ, đang có dấu hiệu gia tăng. Nếu so với ba năm trước, giai đoạn gần đây xuất hiện nhiều trường hợp học sinh sinh viên, cán bộ nhà nước có hành vi chống lại người thi hành công vụ. Ông Chung còn cho rằng hiệu lực răn đe của pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ làm các đối tượng vi phạm pháp luật sợ, điều này dẫn tới một số đối tượng có dấu hiệu coi nhẹ pháp luật, không sợ bị xử lý.
Theo điều 257 Bộ luật hình sự quy định về “tội chống người thi hành công vụ”, khởi điểm của khung hình phạt chỉ là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng. Ngay cả trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, xúi giục lôi kéo, kích động người khác phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì khung hình phạt tù thấp nhất cũng chỉ 2 năm và cao nhất là 7 năm.
Trong thực tế, các vụ chống người thi hành công vụ cũng chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, chỉ những vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ thì mới bị xử lý hình sự, còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính. Đó là chưa kể quy định về trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các quy định về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong phòng vệ, tự vệ và trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật nói chung vẫn còn chưa đầy đủ, chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, hạn chế khả năng đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các lực lượng chức năng.
MINH QUANG
Source: Báo Tuổi Trẻ