Skip to content

12 Tháng bảy, 2011

Đã đến lúc đưa ra quyết định

TT – Hai đợt thi đại học của kỳ thi tuyển sinh “ba chung” lần thứ 10 đã kết thúc. Cách đây một tháng cũng vừa có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Ý tưởng cải tiến các kỳ thi này, đặc biệt giảm bớt một trong hai kỳ thi, đã gần đi đến nhất trí trong công luận.

Đã đến lúc đưa ra quyết định

Tuy nhiên mấy năm nay vẫn giẫm chân tại chỗ về chủ trương. Đã đến lúc những người lãnh đạo giáo dục đưa ra một quyết định.

Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm nhẹ kỳ thi quốc gia tốt nghiệp phổ thông trung học theo nhiều hướng khác nhau.

Tuy nhiên, nếu bộ muốn tổ chức kỳ thi “2 trong 1” vẫn có thể thực hiện được. Những luận cứ của chủ trương này, từ cả góc độ xã hội và công nghệ, có thể tóm tắt như sau:

– Có thể kết hợp hai loại thi có mục tiêu khác nhau bằng một kỳ thi có cùng bản chất. Thật vậy, việc thiết kế một kỳ thi thường theo hai cách: cách dựa vào kết quả học tập và cách dựa vào năng khiếu/năng lực. Ở nước ta, hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học tuy nhằm hai mục tiêu khác nhau nhưng đều được thiết kế theo cách thứ nhất nên chúng có cùng bản chất, tổ chức hai lần là rất lãng phí.

– Loại thi kết hợp này không nên thiết kế cho các đối tượng rộng rãi, không chỉ cho học sinh sắp tốt nghiệp phổ thông mà cho tất cả mọi người muốn được công nhận tốt nghiệp phổ thông hoặc muốn được có điểm để dự tuyển vào đại học/cao đẳng, kể cả những người tự học và những người muốn thi để nâng điểm.

Vì đối tượng rộng nên có thể tổ chức kỳ thi này nhiều lần trong một năm, trước mắt hai lần, phù hợp với hai học kỳ của học chế tín chỉ trong các trường ĐH hiện nay.

Việc tổ chức nhiều lần thi trong một năm sẽ giải tỏa bớt sức ép về việc thí sinh chỉ có cơ hội thi duy nhất trong một năm, cũng làm giảm sự nặng nề của việc tổ chức quá đông thí sinh trong cả nước thi cùng một lúc.

Hơn nữa, việc thi nhiều lần cũng tạo cơ hội cho các thí sinh đạt kết quả thấp có thể ôn luyện thêm để nâng cao năng lực và kết quả. Muốn được xét tuyển vào các trường ĐH, thí sinh cần có bằng tốt nghiệp phổ thông và kết quả kỳ thi kết hợp nói trên.

– Khi đã có chỗ dựa tin cậy để tuyển sinh, đa số trường đại học/cao đẳng sẽ sử dụng kết quả kỳ thi chung để xét tuyển; một số ít trường đòi hỏi chất lượng đầu vào cao hơn hoặc các năng lực đặc biệt có thể dựa vào kết quả kỳ thi chung để sơ tuyển một số lượng gấp 2-3 lần chỉ tiêu, rồi tổ chức thêm một kỳ thi hoặc một hình thức nào đó để xét chung tuyển.

Cần bỏ quy định chung về điểm sàn, để các trường ĐH tự chủ định mức điểm chuẩn đầu vào cho trường mình, thậm chí quy định cả hệ số của điểm các môn thi thích hợp cho các ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, để chứng tỏ trách nhiệm trước xã hội, để đảm bảo chất lượng và sự công bằng, tránh tiêu cực, các trường phải công bố minh bạch quy trình và điểm xét tuyển của trường mình.

– Kỳ thi chung không cần tổ chức quá nhiều buổi theo từng môn thi mà có thể thiết kế thành các đề kết hợp nhiều môn, ví dụ chỉ cần bốn đề thi: toán, tiếng Việt, khoa học xã hội nhân văn (văn + sử + địa lý kinh tế) và khoa học tự nhiên (lý+hóa+sinh+địa lý tự nhiên). Như vậy mỗi thí sinh chỉ cần thi 2-3 buổi là xong.

Lưu ý rằng thi vào đại học/cao đẳng chưa cần đánh giá các kỹ năng nghề nghiệp chuyên biệt, chỉ cần đánh giá các năng lực tư duy cơ bản là tính toán và diễn đạt bằng ngôn ngữ.

Các đề thi phần lớn nên dùng hình thức trắc nghiệm, có thể thêm các đề tự luận ngắn cho hai môn toán và tiếng Việt, như hầu hết các nước tiên tiến đã làm đối với các kỳ thi đại trà. Tuy nhiên, để ra được các đề thi tổng hợp như trên có chất lượng cao, đánh giá được cả các cấp độ năng lực nhận thức ở cấp độ cao chứ không phải các năng lực nhớ và biết tầm thường, nhất thiết phải tuân thủ quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và thiết kế đề thi trắc nghiệm đúng công nghệ trắc nghiệm hiện đại.

Hơn nữa, có như vậy mới có thể thiết kế được các đề thi thật sự tương đương cho các kỳ thi khác nhau.

GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments