Quý tộc… mặc áo rách!
TT – Quần vợt là môn thể thao đứng thứ 2 ở VN chỉ sau bóng đá xét về mặt yêu thích từ người dân và được người Việt gọi là “môn quý tộc”. Nhưng tổ chức quản lý “môn quý tộc” thì đang mặc… áo rách!
Quần vợt
Quý tộc… mặc áo rách!
Đã là năm 2011 nhưng lịch thi đấu năm 2009 vẫn hiện hữu trong văn phòng Liên đoàn Quần vợt VN – Ảnh: K.X. |
Vị trí á quân trong làng thể thao VN xuất phát từ khảo sát thống kê của các công ty chuyên cung cấp số liệu cho các nhà kinh doanh nhằm định hướng chiến lược quảng cáo. Theo đó, một công ty bia vào loại hàng đầu VN cho biết ở VN sau bóng đá là quần vợt. Vì vậy, ngành thể thao mới mạnh dạn đăng ký với Chính phủ bốn liên đoàn sẽ không cần xài tiền ngân sách, trong đó quần vợt xếp thứ hai. Tuy nhiên, từ đăng ký đến thực hiện là một khoảng cách xa vời vợi.
Nghèo vẫn hoàn nghèo!
vtf.org.vn vtf.org.vn là địa chỉ trang web của VTF. Và nó cũng buồn như chủ nhân của mình và như thành tích của quần vợt Việt Nam! Ngoài trang chủ với các đề mục chính, hầu như không có bất cứ thông tin gì ngoài điều lệ Giải thanh thiếu niên 2011 là mới, còn lại toàn thông tin cũ mèm! |
Trong năm năm của nhiệm kỳ 4 Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF, từ 2004-2009), tổ chức này thu được 11,3 tỉ đồng. Tính trung bình mỗi năm chỉ kiếm được hơn 2 tỉ đồng. Đó là một con số quá thấp ở bộ môn mà chỉ nội tiền mua sắm áo quần, giày vớ và vợt cũng mất đứt ba tháng lương công nhân.
Hay nữa, nếu so sánh với tuyên bố của gia đình tay vợt trẻ Nguyễn Hoàng Thiên về việc bỏ ra 1 triệu USD (hơn 20 tỉ đồng) để đầu tư cho con học và chơi quần vợt, mới thấy việc đầu tư cho một tay vợt bằng tổng nguồn thu của VTF trong 10 năm. Chỉ mới hai so sánh nho nhỏ đó đã phần nào thấy được sự khốn khó của VTF.
Chưa hết, trong số 11,3 tỉ đồng nói trên, nào chỉ có từ một nguồn tài trợ. Nó là tổng hợp của nguồn thu từ “bầu sữa” ngân sách nhà nước (mỗi năm khoảng 30.000 USD cho các đội tuyển đi thi đấu nước ngoài, lệ phí thi đấu của VĐV), tiền hỗ trợ của Liên đoàn Quần vợt thế giới, Ủy ban Olympic VN… Thậm chí khi tổ chức một giải nào đó, người ta gọi điện đến các địa phương đăng cai để năn nỉ gánh giùm chi phí giải thưởng, tổ chức… Và số tiền năn nỉ được ấy cũng nằm trong tổng nguồn thu. Vì vậy, lấy tổng thu 11,3 tỉ đồng trừ đi tổng chi 11,24 tỉ đồng mới thấy trong két sắt của VTF chỉ còn 60 triệu đồng. Một con số quá bèo đối với liên đoàn môn thể thao quý tộc!
Sau một năm rưỡi của nhiệm kỳ mới, liệu có gì thay đổi tích cực hơn? Phó chủ tịch VTF Nguyễn Quốc Kỳ ngao ngán cho biết: “Chẳng có gì khả quan hơn bởi có gì trong tay mà bán. Một doanh nghiệp muốn ăn nên làm ra phải có sản phẩm tốt, đẹp, giá cả phải chăng và trúng thị hiếu người tiêu dùng. Với quần vợt VN, chỉ vài cái giải linh tinh chẳng mấy người xem thì làm sao chào mời được ai tham gia tài trợ”.
Vì vậy, VTF nhiệm kỳ 5 dù đã được 1/3 chặng đường nhưng xem ra nghèo vẫn hoàn nghèo!
Đi tìm văn phòng VTF
Dân làm quần vợt ở VN nói với chúng tôi: muốn biết bộ mặt của VTF như thế nào, xin thử đi tìm văn phòng của VTF mà xem.
Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến trụ sở VTF ở địa chỉ 141 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Nhưng thật không dễ dàng để tìm được trụ sở của VTF khi chỉ thấy địa chỉ 141 là số nhà của Viện Khoa học TDTT VN. Đi sâu vào trong là con ngõ 141 với hàng chục căn hộ tập thể, cửa hàng bán cơm bụi, chỗ để xe… của người dân.
Hỏi thăm một vòng trong ngõ 141, chúng tôi được người dân chỉ quay ngược trở ra đường lớn nhưng tìm mỏi mắt cũng không thấy trụ sở VTF ở đâu. Chúng tôi vào bãi đỗ xe của Viện Khoa học TDTT để gửi nhờ xe và lếch thếch đi bộ tìm cho chắc ăn. Quay trở lại ngõ 141 một lần nữa và ngước mắt lên cao thì bắt gặp tấm biển nhỏ xíu ghi “Trụ sở VTF” và “Tạp chí Tennis VN” trên tầng hai, ở một góc khuất trong khuôn viên Viện Khoa học TDTT VN. Do không thể tìm được lối lên cầu thang để vào trụ sở VTF, chúng tôi quay ngược trở ra bãi đỗ xe và được người trông xe chỉ đi vào một con hẻm băng qua bãi đỗ xe của Viện Khoa học TDTT, rồi leo lên cầu thang bé xíu vào căn phòng được ghi là trụ sở VTF!
Trụ sở VTF là một căn phòng như nhà kho của Viện Khoa học TDTT, có diện tích khoảng 20m2. Hôm ấy có mỗi một chị tự xưng nhân viên marketing và vận động tài trợ của VTF. Có vẻ như tại đây chẳng bao giờ phải tiếp khách nên mọi thứ đều thiếu. Nhưng ông phó chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ “bật mí”: “Tôi phải móc tiền túi 200 triệu đồng để mua sắm thêm máy vi tính, trang thiết bị văn phòng; chứ lúc trước còn bèo hơn nữa…”.
Có lẽ chỉ cần tả thêm một chi tiết này nữa là đủ hình dung sức sống của VTF như thế nào: bước chân vào phòng, hình ảnh đập ngay vào mắt bạn là tấm bảng lớn nhất treo giữa phòng ghi “Lịch thi đấu giải quốc gia và quốc tế năm 2009” của quần vợt VN. Hôm ấy đã là ngày 7-7-2011.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết do quá ngao ngán với sự nhếch nhác của trụ sở VTF, ông đã liên hệ với Trung tâm thể thao Ba Đình trên phố Quán Thánh để xin thuê một phòng làm trụ sở. Cái này ông Kỳ “đẻ” ra thì có lẽ ông Kỳ cũng phải lo gánh cả chi phí chứ hiện tại VTF lấy đâu ra tiền mà trả. Ngay tại Giải vô địch thanh thiếu niên toàn quốc 2011 đang diễn ra tại TP.HCM, đến sát ngày khai mạc ông Đoàn Quốc Cường – trưởng bộ môn quần vợt kiêm phó tổng thư ký VTF – vẫn than chưa có tiền để trao giải thưởng cho VĐV!
Bỏ VTF đi kinh doanh… giày! Đ.H. (tác giả chỉ đồng ý nêu tên tắt) từng làm việc tại VTF hơn một năm nhưng nay đã xin nghỉ để về nhà kinh doanh giày dép. Anh bảo: “Tôi đã phí mất hơn một năm làm việc tại VTF”! Đ.H. tốt nghiệp Trường đại học Paris 6, ngành marketing và PR, trở về VN năm 2007. Sau một thời gian làm việc tại TP.HCM, anh về Hà Nội – nơi anh lớn lên – và xin vào làm việc tại trụ sở VTF. Mục đích của H. là có thêm kinh nghiệm và tạo nhiều mối quan hệ trong công việc. Anh muốn dùng sở học của mình để áp dụng vào quần vợt, làm kinh tế quần vợt; giúp môn này phát triển mạnh mẽ vì đây là môn thể thao anh yêu thích. Tuy nhiên sau hơn một năm làm việc tại VTF điều duy nhất H. có thể nói là: “Tôi đã phí mất hơn một năm”. H. kể: “Ngay khi về VTF, tôi đã bị sốc bởi đây không phải tổ chức xã hội nghề nghiệp với nhiều điều thú vị như tôi nghĩ, mà ngược lại nó quá nghèo nàn về con người, vật chất và ý tưởng. Nói là có hơn chục người làm việc nhưng tôi chỉ thấy tại trụ sở thường xuyên có bốn người là bác chủ tịch (nhiệm kỳ 4 là ông Đặng Hữu Hải), kế toán trưởng, thủ quỹ và tôi (người chỉ có thỏa thuận làm việc chứ hình như tôi cũng không có bảo hiểm xã hội). Tôi được giao làm những công việc như phụ trách trang web, đi xin tài trợ hay rất nhiều việc linh tinh không tên khác. Ông tổng thư ký, trái tim của một liên đoàn thể thao, ở tận Cà Mau, lâu lâu mới đảo về Hà Nội… Tất cả giải đấu trong năm diễn ra lẻ mẻ, cách tổ chức nghiệp dư khiến tôi vô cùng thất vọng. Việc đi kêu gọi tài trợ là vấn đề đáng nói nhất của VTF trong hơn một năm tôi làm việc tại đây. Tôi chưa bao giờ mời được tài trợ cho VTF và đó là sự thật. Vì sao người ta không muốn tài trợ cho quần vợt, cái môn tưởng như rất dễ tìm tài trợ? Tôi có thể kể một vài ca xin tài trợ thất bại để bạn hiểu rõ vấn đề: 1- Tôi được giao đi xin tài trợ để xây dựng sân quần vợt nằm trong khu liên hợp thể thao tại Mai Dịch (Hà Nội) nghe nói đã được TP Hà Nội cấp đất. Tuy nhiên hồ sơ để đi kêu gọi tài trợ lại không có đủ giấy tờ về việc đất đã được cấp, chủ trương xây dựng ra sao, như thế nào, quyền lợi của nhà tài trợ ra sao… 2- Bất cứ giải đấu nào tôi đi kêu gọi tài trợ, khi đến doanh nghiệp người ta cũng cần làm rõ quyền lợi của doanh nghiệp khi tài trợ cho giải đấu. Chi phí tài trợ sẽ tính toán phân bổ thế nào? Doanh nghiệp quan tâm đến việc họ được gì khi tài trợ? Thế nhưng, các quan chức VTF lại không đưa ra câu trả lời cho doanh nghiệp về việc này. Hẳn bạn sẽ hỏi tôi nói thế nhưng vì sao năm nào VTF cũng vẫn xin được tài trợ cho một vài giải. Đơn giản thôi vì tất cả nhà tài trợ đó đều là mối quan hệ cá nhân với một vài lãnh đạo của VTF và đó không thể gọi là tài trợ mà là xin xỏ. Tôi thật sự quá thất vọng vì cách làm việc của một liên đoàn như thế nên đã xin nghỉ việc vào tháng 2-2010”. |
TR.HUY – K.XUÂN
Source: Báo Tuổi Trẻ