Skip to content

2 Tháng bảy, 2011

Đối thoại với các nhà doanh nghiệp

TT – Cứ sau mỗi kỳ tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp (DN) lại nhất loạt lên tiếng phê phán sản phẩm của các trường đại học là chất lượng thấp, kỹ năng kém, phải mất công và của để đào tạo lại.

Nhân mùa tuyển sinh

Đối thoại với các nhà doanh nghiệp

Điều này có phần đúng, quả thật hệ thống giáo dục của chúng ta có vấn đề, các trường đang cố gắng thay đổi theo hướng tiếp cận gần với thị trường tuy vẫn còn chậm. Nhưng các DN nên hiểu cho đúng về đối tượng tuyển dụng và vai trò của mình trong sự nghiệp trồng người này.

Đào tạo lại hay đào tạo  mở rộng

Các DN than cử nhân gì mà không biết sử dụng máy fax, không biết viết văn bản, lúng túng khi tổ chức tiếp khách. Điều họ chê không sai, nhưng đó không phải là tiêu chuẩn đánh giá giá trị của một cử nhân. Các cử nhân tốt nghiệp từ các trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, luật, kinh tế hoàn toàn khác với các trường dạy nghề. Mục tiêu đào tạo cử nhân không phải là để làm việc sự vụ như pha trà, chạy công văn, đánh máy văn bản, trực điện thoại mà để giải quyết vấn đề phức tạp hơn, do vậy tiêu chuẩn đánh giá họ là về trình độ tư duy logic, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề, phương pháp làm việc, cách thức tổ chức nhóm làm việc.

Với mặt bằng dân trí đã có, họ chỉ cần học thêm một vài khóa huấn luyện chuyên sâu theo yêu cầu của công việc cụ thể là có thể làm việc tốt. Để trở thành một luật sư thì cử nhân luật phải học thêm các chương trình đào tạo nghề để biết các kỹ năng tranh biện; một cử nhân xã hội học muốn trở thành nhà tư vấn xã hội thì phải học thêm các khóa học về kỹ năng tư vấn.

Như thế, việc đào tạo thêm (hay đào tạo mở rộng) về phần nghề là điều cần thiết và là phần tất yếu bổ sung cho chương trình đào tạo chính qui không phải ở Việt Nam mà ở tất cả các nước khác trên thế giới, kể cả Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đó không phải là gánh nặng hay nỗi “đau khổ” của DN, bởi vì đó là phần đào tạo mở rộng. Còn việc học các kỹ năng văn phòng và công việc sự vụ không phải là quá khó đối với các cử nhân, chỉ cần để ý là có thể làm được.

Thực tế cho thấy các cử nhân thường lúng túng trong một vài tuần đầu, khi bắt được nhịp thì làm việc hiệu quả hơn các nhóm khác. Do vậy các nhà DN khi tuyển nhân viên thay vì hỏi họ biết làm gì thì nên có những bài toán trắc nghiệm tình huống để xem năng lực và trình độ của họ đến đâu để sử dụng hợp lý.

Các DN đã làm gì để phát triển giáo dục nước nhà

Việt Nam là một quốc gia có nhiều điều kỳ lạ, một trong số đó là các nhà DN đứng ngoài hệ thống đào tạo, đóng vai trò là khán giả và là nhà bình luận. Không đâu như ở nước ta, DN thoải mái tuyển lựa, sử dụng các kỹ sư, cử nhân, kiến trúc sư nhưng không phải trả một xu nào cho đào tạo.

Ở các nước khác, họ phải có nghĩa vụ đóng góp cho phát triển giáo dục. Những quĩ giáo dục nổi tiếng nhất thế giới là của các DN như Toyota Foundation, Ford Foundation, Samsung Foundation, hằng năm họ chi hàng trăm triệu đôla cho học bổng, nghiên cứu khoa học, giải thưởng khoa học các loại. Ở các trường đại học Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có những bảng đồng, bia đá danh dự khắc tên các nhà DN, các cựu sinh viên, các cá nhân đóng góp bất vụ lợi có giá trị lớn cho nhà trường dưới những hình thức khác nhau.

Việc đóng góp cho giáo dục của DN không chỉ mang lại lợi ích cho các trường đại học mà bản thân họ cũng được xét miễn giảm thuế, được đánh giá về đạo đức xã hội và thương hiệu được nâng cao hơn trong vị thế xã hội. Còn các nhà DN được mời đến nói chuyện cho sinh viên ở các trường đại học lớn được coi là một vinh dự để đời. Trong nhiều trường hợp, lợi ích vô hình còn giá trị hơn nhiều lần so với hữu hình.

Ở Việt Nam, DN rất hào hứng tài trợ cho các cuộc thi sắc đẹp, thể thao, ca nhạc… nhưng không mặn mà với việc tài trợ cho giáo dục. Người ta có thể bỏ hàng chục tỉ đồng mua xe hơi, hàng tỉ đồng mua một bức tranh, nhưng lắc đầu từ chối tài trợ cho một hội thảo khoa học, một giải thưởng nghiên cứu sinh viên chỉ một vài trăm triệu, thậm chí là vài chục triệu đồng, còn nếu có thì giống như ban ơn và kèm theo một loạt yêu cầu quảng cáo khiến người được tài trợ khó xử.

Giá như họ biết rằng giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên hạng nhất của Bộ GD-ĐT chỉ có 1 triệu đồng, chưa đủ để photo tài liệu. Những nhà DN tài trợ cho các trường đại học ở Việt Nam đếm được trên đầu ngón tay như Nam Long, Lawrence S. Ting, Samsung Vina…

DN chê sinh viên thiếu kiến thức thực tiễn nhưng rất ít DN nhận sinh viên đến thực tập, họ coi việc sinh viên thực tập như một điều “nhiễu sự” và “rắc rối”. Mối quan hệ của các DN với đại học ở Việt Nam vừa lỏng lẻo vừa nhạt nhẽo.

Đến lúc các nhà DN Việt Nam cần có tư duy mới và có những hành động thiết thực hơn để chung tay vào sự nghiệp phát triển giáo dục. Nhà nước cũng cần có những qui định mang tính pháp lý để DN đóng góp cho giáo dục như một nghĩa vụ hơn là làm từ thiện.

NGUYỄN MINH HÒA

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments