Yêu cầu của vị trí trưởng phòng tổ chức sự kiện?
Ảnh: eventmanagement.inTTO – * Tôi tốt nghiệp cử nhân Anh, đã có kinh nghiệm báo cáo thuế và các công việc của tổ chức sự kiện, nhưng tôi không đảm nhận khâu tìm khách hàng cũng như lên kế hoạch, ý tưởng chào hàng đối tác.
Yêu cầu của vị trí trưởng phòng tổ chức sự kiện?
Hiện tôi đang thử việc với vị trí trưởng phòng tổ chức sự kiện. Xin vui lòng tư vấn tôi nên bổ sung kiến thức thế nào cũng như thực tế yêu cầu nghề nghiệp của trưởng phòng tổ chức sự kiện để tôi có thể phù hợp với vị trí mới. Chân thành cảm ơn.
(Mỹ An)
– Chào bạn. Thông thường, việc tìm kiếm khách hàng ở các công ty chuyên về tổ chức sự kiện sẽ do các Account manager (tạm dịch: chuyên viên kinh doanh) đảm nhận. Vị trí Event manager (trưởng phòng tổ chức sự kiện) sẽ chuyên về khâu tổ chức sự kiện.
Dưới đây là bản yêu cầu phổ biến của công việc Event manager ở các công ty truyền thông:
1. Tổ chức sự kiện, hội thảo, hội nghị:
– Yêu cầu khả năng sáng tạo, có nhiều ý tưởng độc đáo để lên ý tưởng thực hiện chương trình, viết proposal, lập bảng báo giá…
– Khả năng làm việc độc lập và khả năng làm việc nhóm tốt để tổ chức sự kiện, giám sát việc tổ chức và quản lý nhân sự trong chương trình.
2. Giới thiệu với khách hàng về chương trình:
– Yêu cầu khả năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ tốt để tìm kiếm, tiếp cận và tư vấn khách hàng về các sản phẩm/dịch vụ của công ty;
– Khả năng thuyết trình và đàm phán tốt để trình bày ý tưởng chương trình và thuyết phục khách hàng.
3. Tạo mối quan hệ với khách hàng, với nhà cung cấp:
– Yêu cầu khả năng tạo dựng mối quan hệ mật thiết với khách hàng và các nhà cung cấp;
– Khả năng hoạch định kế hoạch và tự phân bố chi phí để lựa chọn nhà cung cấp có chất lượng tốt, chuyên nghiệp, uy tín, giá cả phù hợp.
4. Yêu cầu quan trọng khác:
– Xử lý tình huống tốt;
– Chịu được áp lực công việc cao;
– Nhiệt tình, chăm chỉ, cẩn thận, nhanh nhẹn;
– Lãnh đạo, phát triển nhân viên.
Để phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực tổ chức sự kiện một cách bài bản và chuyên nghiệp, bạn có thể tham gia các khóa học về tổ chức sự kiện/ truyền thông/ quan hệ công chúng/ marketing/ branding ở các trung tâm uy tín.
Chúc bạn gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực tổ chức sự kiện!
* Em vừa tốt nghiệp ĐH ngành tiếng Anh loại khá. Em vẫn chưa nộp hồ sơ tìm việc vì nhiều công ty tuyển dụng ngành tiếng Anh nhưng yêu cầu kinh nghiệm ít nhất một năm. Hiện em vẫn chưa hình dung công việc nào thích hợp với mình và cũng chưa thấy thích làm loại công việc gì cả. Em dự định sẽ thi văn bằng 2 ĐH Kinh tế, nhưng không biết nên học ngành nào để sau này có công việc phù hợp.
Em là nữ, gương mặt ưa nhìn nhưng thấp người, nhỏ con. Em không muốn làm công việc phải ngồi máy tính suốt 8 giờ hằng ngày, mà muốn làm việc giấy tờ hay tiếp xúc người khác trong nửa ngày làm việc. Tính em thân thiện, chăm chỉ, có khả năng làm việc độc lập, hay để ý chi tiết và cẩn thận, nhưng em không thích công việc phải di chuyển thường xuyên hay phải tính toán con số quá nhiều.
Vậy xin báo Tuổi Trẻ tư vấn giúp em nên lựa chọn ngành kinh tế nào phù hợp với khả năng và tính cách của em? Công việc cụ thể nếu em học xong văn bằng 2 và đi làm sẽ như thế nào? Hiện giờ em đang muốn tìm việc làm trước, vậy những công việc nào thích hợp với em? Em xin chân thành cảm ơn.
(Nguyen Anh)
– Chào bạn. Tuy tốt nghiệp ngành tiếng Anh, song bạn có nhiều cơ hội việc làm ngoài công việc dịch thuật. Thực tế cho thấy rất nhiều bạn trẻ không có cơ hội làm hoặc không thích công việc đúng chuyên ngành, song họ có sự lựa chọn công việc đúng đắn và có sự phấn đấu, đầu tư nghiêm túc với sự lựa chọn đó nên đã gặt hái không ít thành công.
Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần xác định tính chất công việc phù hợp với khả năng và mong muốn của bản thân, bằng cách tự đặt câu hỏi: Mình thật sự đam mê lĩnh vực gì? Mình đặc biệt mạnh ở điểm nào?
Các bài kiểm tra tính cách, tâm lý là công cụ hiệu quả giúp bạn khám phá bản thân. Bạn có thể tham khảo công cụ MBTI, trắc nghiệm IQ, EQ. Một cách khác là liệt kê các hoạt động bạn đã từng tham gia (đoàn hội, từ thiện, chức vụ ở trường lớp, công việc bán thời gian…), đặt câu hỏi bản thân thích và không thích gì ở những hoạt động đã trải nghiệm. Cách này sẽ giúp bạn bước đầu hình dung được bản thân yêu thích tính chất công việc như thế nào.
Bạn có thể tham khảo một số ngành nghề tương đối phù hợp với tính cách và mong muốn của bạn như: ngân hàng (vị trí giao dịch viên, chăm sóc khách hàng); dịch vụ khách hàng; nhân sự, xuất nhập khẩu (tiếng Anh là một lợi thế lớn của bạn trong lĩnh vực này). Dù chưa có kinh nghiệm, song bạn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng bằng các kỹ năng mềm đã tích lũy được, thái độ, tính cách phù hợp yêu cầu công việc.
Bạn có thể nghĩ đến việc học văn bằng 2 khi nào? Khi bạn rất yêu thích một công việc và sở hữu những kỹ năng cốt lõi để hoàn thành tốt công việc đó, nhưng chưa có kiến thức liên quan. Ví dụ: bạn xác định muốn làm trong lĩnh vực ngân hàng, bạn có thể học văn bằng 2 ngành tài chính/ngân hàng. Nếu chọn lĩnh vực xuất nhập khẩu, bạn có thể học ngành kinh doanh quốc tế. Kiến thức chuyên môn tích lũy được sẽ giúp bạn thuyết phục nhà tuyển dụng dễ dàng hơn.
Chúc bạn có sự lựa chọn phù hợp và không ngừng phấn đấu!
NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT
(chuyên viên tư vấn nghề nghiệp VietnamWorks.com)
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc… bạn đọc gửi về chương trình “Tư vấn việc làm” tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. |
Source: Báo Tuổi Trẻ