Khó như… “lót tay” cho bác sĩ!
(Dân trí) – Chiều 24/10, trong vai có mẹ chồng cần điều trị tai biến mạch máu não, đang chuyển từ Nghệ An ra, phóng viên Dân trí đã tiếp cận nhiều người nhà bệnh nhân đang điều trị tại đây. Nói đến việc “lót tay” phong bì cho bác sĩ, nhiều người lắc đầu, họ không nhận. >> 74% bệnh nhận thừa nhận đưa phong bì bác sĩ là do tâm lý >> Nhân viên y tế 5 bệnh viện lớn cam kết nói không với phong bì
Trước băn khoăn của “nàng dâu” (PV) lo lắng cho mẹ chồng đang chuyển viện, rằng sợ ở quê ra, chuyển theo BHYT, điều trị lâu dài, khó khăn, liệu có thể “chăm sóc” bác sĩ điều trị chu đáo; biết đâu, số không nhận phong bì chỉ là cá biệt… bà P chia sẻ: “Tôi cũng chăm chồng 7 ngày trong viện rồi, thời gian không nhiều, không ít nhưng khi vào viện, tôi và các con đều quan sát, hỏi han những người đi trước thì đều thấy họ thì thầm: BS không nhận đâu. Chồng tôi bị tai biến mạch máu não, chuyển từ Thái Bình lên theo chế độ bảo hiểm. Bác sĩ vẫn khám hàng ngày cho chồng tôi, vẫn được thuốc thang, chiếu chụp đầy đủ”. Tuy nhiên, bà cũng thú thật, gia đình cũng đang tìm cách nhờ người quen giới thiệu để gặp gỡ, biết đâu chồng lại được chăm sóc tốt hơn. “Mà quan trọng hơn, nếu có gửi gắm thì yên tâm hơn”, bà P nói.
Thấy tôi vẫn băn khoăn, anh T (con cả của bà P) nói: “Không như xưa đâu, tôi đảm bảo không nhận mà. Gia đình tôi cũng đang cố hỏi han địa chỉ nhà bác sĩ điều trị… đến gặp may ra họ nhận. Nhưng vẫn chưa hỏi được. Hỏi nhân viên y tế là nhà bác sĩ này, bác sĩ nọ ở đâu họ đều không nói. Mà không tin, để cho yên tâm, chị cứ đi hỏi thêm vài người nhà bệnh nhân nữa khắc rõ”.
Tiếp cận bà N.T.H (72 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang ngồi chờ lấy kết quả khám bệnh, hỏi về vấn đề liệu có thể “lót tay” bác sĩ để khám nhanh, bà lắc đầu. Bà cho biết, sáng sớm, bà đã đi xe bus đến viện để khám. Lấy số thứ tự, chờ như bình thường và không thấy ai kẹp phong bì bác sĩ. “Tôi nghĩ việc đó chỉ là ngày xưa, khi còn làm thủ công thôi. Còn ở viện này tôi thấy tên bệnh nhân nhập vào máy, có số thứ tự nên việc xen ngang cũng khó. Và bản thân tôi cũng không có ý định đưa phong bì cho bác sĩ. Vì quả thực, bệnh viện đông, chờ đợi lâu, nhưng nếu ai cũng làm thế, thì bất công bằng với những người khó khăn”, bà chia sẻ thẳng thắn.
Em Lê Thị Hương (Xuân Mai, Hà Nội) cũng đang chăm sóc bố bị tai biến mạch máu não tại viện này 4 ngày nay cho biết, khi vào viện, mẹ em cũng hỏi han những người xung quanh nhưng ai cũng lắc đầu không nên. Thế nên giờ, bố em nằm ở đây 4 ngày rồi nhưng chưa đưa bất cứ cái gì cho nhân viên y tế, bác sĩ.
Nói về tâm lý của người bệnh, vào viện đưa phong bì thì yên tâm hơn, cảm thấy được chăm sóc tốt hơn, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho rằng, người bệnh nên tự dẹp bỏ tâm lý đó. Bởi theo ông, việc đưa phong bì cho bác sĩ là không cần thiết. “Tôi khẳng định, không bác sĩ nào muốn mình làm sai, không đúng lương tâm để giết người cả, không có một bác sĩ nào muốn mang tiếng là giết người. Vì thế, người bệnh không phải lo rằng không có tiền thì bác sĩ mổ ẩu cho chết. Nó không chỉ là lương tâm mà còn là danh dự. Vì cùng với ca bệnh như thế, đồng nghiệp mổ thành công, mình thì thất bại, đó là một sự nhục nhã trong nghề nghiệp. Nên tôi khẳng định, không bác sĩ nào dám làm ẩu, chữa ẩu cho người bệnh. Vì thế, người bệnh đừng bao giờ đưa phong bì cho bác sĩ!”, ông Quyết nói. |
Nhẹ gánh đi viện vì đỡ lo phong bì
Cũng vừa làm thủ tục xuất viện cho vợ sau 2 ngày mổ u não tại Khoa Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai), bác N.T.T (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ: Tuyệt đối không nên đưa phong bì cho bác sĩ khi mới vào viện, vì khi đó, nhiệm vụ của họ chưa hoàn thành, họ không dám nhận.
“Tôi đảm bảo lời khuyên này, bởi trong thời gian chờ đợi vợ được mổ tại bệnh viện, tôi đã tìm hiểu, theo dõi, quan sát nhiều người và thấy vậy”.
Bác T cũng cho rằng, việc lót tay để được mổ sớm ở đây cũng khó. Bởi vợ bác là bà L.T.L (63 tuổi) khi vào viện khám, bác được sếp số thứ tự mổ từ phòng khám ngoài. Nhập viện chờ đến ngày thứ 5 thì bác được phẫu thuật.
Vì thế, bác yên tâm chờ đợi và đến chiều ngày thứ 5 nhập viện, vợ bác được gọi đi phẫu thuật, không phong bì, quà cáp.
Sau khi ra viện, bác tìm lại bác sĩ đã trực tiếp phẫu thuật để đưa phong bì cảm ơn. Lúc đầu, vị bác sĩ này kiên quyết không nhận, nhưng tôi nói khó mãi, bày tỏ lòng cảm ơn tới khoa, họ mới nhận.
Anh N.N.C vừa có vợ (sinh năm 1983) sinh mổ sáng 24/10 tại bệnh viện Phụ sản TƯ chia sẻ, đây là lần thứ hai vợ anh được mổ tại bệnh viện này. Lần mổ trước cách đây hơn 3 năm, sau ca mổ, vợ chồng anh cũng đưa phong bì cảm ơn cho kíp mổ. Lần này, theo thói quen, sáng 24/10, trước khi vợ đi mổ, anh cũng làm phong bì 3 triệu đồng để vào túi áo vợ, bảo vợ bồi dưỡng kíp mổ. Rất bất ngờ khi đưa vợ về phòng, vợ lại đưa cho mình đúng cái phong bì đó, bảo nói thế nào thì thế kíp mổ cũng không nhận.
Mà bản thân mình, tìm phòng dịch vụ cho vợ, khi đưa phong bì để cho nhanh gọn thì đều bị từ chối, mắng là làm hư nhân viên y tế. Họ nói, cứ đăng ký tên vợ vào đây, có phòng nhất định sẽ báo.
Cũng không gây khó khăn cho người bệnh khi lấy phòng dịch vụ, tại khoa Nhi BV Bạch Mai, tối thứ 6 (21/10) gia đình chị Thảo rất vui mừng khi được y tá gọi thông báo ra lấy phòng dịch vụ. Vì con chị nhỏ, 10 ngày tuổi nằm phòng thường đông đúc, sợ lây bệnh nên ngay khi nhập viện chị đăng kí phòng dịch vụ nhưng kín phòng. “Nói khó” với nhân viên y tế, họ khẳng định, gia đình không phải lăn tăn quà cáp gì cả, có phòng chúng tôi gọi ngay lập tức, vừa ưu tiên em bé, vừa không để phòng trống cũng là mang lại lợi ích cho khoa”.
Khi hỏi người bệnh, họ có biết phong trào “ầm ĩ” và 5 bệnh viện đầu ngành vừa kí kết, rằng nhân viên y tế nói không với phong bì, nhiều người bệnh tỏ ra bất ngờ: “Thảo nào, giờ tìm cách đưa phong bì mà nhân viên y tế chối đây đẩy”. “Tôi ngạc nhiên quá, phong bì được trả lại, khác hẳn ngày xưa. Thế là kỳ này chi phí cho ca mổ đẻ của vợ tôi nhẹ gánh hơn nhiều rồi, chỉ mất chừng trên dưới 2 triệu kể cả phòng dịch vụ, còn 3 triệu tôi làm phong bì lót tay bác sĩ được trả lại, về sẽ mua cho bé một cái cũi hồng xinh xắn mà trước khi sinh con, hai vợ chồng đã tính mua nhưng chưa thu xếp được tiền”, anh C chia sẻ.
Được biết, 5 bệnh viện kí cam kết “Nói không với phong bì” đều đã chuyển tải nội dung tới tất cả các khoa phòng trong viện và cũng đã kí cam kết. Nếu có những vi phạm sẽ xử phạt nghiêm theo nội quy tại bệnh viện. Có lẽ vì thế mà tình trạng “lót tay” phong bì bác sĩ đã đỡ phổ biến? Nhiều người bệnh thì đang rất vui mừng, vì họ thực sự thấy nhẹ gánh hơn rất nhiều khi đi viện bởi không còn phải lo lót cho bác sĩ.
Hồng Hải
Source: Báo Dân Trí