Skip to content

25 Tháng mười, 2011

Còn sức thì còn làm…  

TTC – Trong các chương trình dành cho thiếu nhi như kịch cổ tích, múa rối, ca nhạc… thì có một bộ môn cũng rất thu hút sự quan tâm, yêu thích của các em, đó là ảo thuật vui!

Gương mặt LINH SANG

Còn sức thì còn làm…  

Trong môn này, ngoài Mạc Can đã có thâm niên trong nghề do cha truyền con nối thì Linh Sang đến với ảo thuật vì thấy “nó” vui vui, dẫn đến chuyện tò mò, tìm hiểu.

Gia đình ở quận 6, cũng là quận nhà của nghệ sĩ ảo thuật hè phố Lê Văn Quý, thân sinh của nghệ sĩ Mạc Can. Và đó cũng chính là điều kiện để cậu bé Lâm Văn Cửu (tên thật của Linh Sang, sinh năm 1960) thường có mặt tại “sân khấu” ảo thuật của Lê Văn Quý trên đường Tháp Mười, Chợ Lớn vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Rất nhiều trò ảo thuật vui và cách diễn xuất rất có duyên của ông Quý đã làm cậu bé mê mẩn…

“Ổng làm sao hay quá xá trời vậy ta? Mình mần được hông?”. Với ý nghĩ ấy, ngoài giờ đi học, Cửu mày mò lượm các thứ vặt vãnh trong nhà, chế biến đạo cụ rồi làm theo những gì đã được chứng kiến qua các buổi biểu diễn của ông Quý. Thành công đâu hổng thấy mà chỉ thấy suốt ngày cậu ta bị bà già la mắng vì phải dọn dẹp các thứ linh tinh do cậu ta quăng tá lả khắp các ngóc ngách trong nhà.

“Có công mài sắt…” Đã không làm thì thôi, còn làm thì phải làm bằng được! Trong một lần đi mua sách trên đường Phùng Hưng, bé Cửu chợt khám phá ra tiệm sách có rất nhiều đầu sách dạy làm ảo thuật. Mừng quá, Cửu về nhà đập ống heo, “chơi” luôn một hơi hai ba cuốn đem về tự học. Vốn dĩ rất “máu” với những trò ảo thuật, qua một thời gian mày mò, cậu bé Lâm Văn Cửu đã nổi tiếng là một ảo thuật gia nhí khi còn là học sinh tiểu học trường Á Đông.

Tết năm 1977 là năm “ra nghề” lần đầu tiên của Linh Sang. Anh cùng một số bạn diễn của nhóm Hội chợ ra tận Quy Nhơn để thử thời vận. Lần đầu tiên được đứng trên sân khấu, dù chỉ là sân khấu của hội chợ nhỏ. Nhưng điều đó không lấn áp được cái điệu bộ lóng nga lóng ngóng của một nhà ảo thuật còn rất non tay nghề như anh. Một ngày, hai ngày…

Thuần thục hơn, nhuần nhuyễn hơn và cái cảm giác sợ khán giả đã không còn ngự trị trong anh cho dù trống ngực luôn “nhảy lăm-ba-đa” và lưng áo ướt đẫm mồ hôi khi được khán giả vỗ tay cổ vũ mỗi khi anh diễn xong một trò ảo thuật.

Học xong lớp 9, anh quyết định đi theo con đường nghệ thuật. Ngoài cái vốn sở trường là ảo thuật, anh còn là học viên của lớp kịch nói tại Nhà Nghệ thuật quần chúng, kịch câm tại Nhà Văn hóa Thanh Niên… Anh trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp khi về đoàn ca múa nhạc Tiếng Ca Sông Hậu.

Sau 5 năm lặn lội ở miền Tây, năm 1983, anh quyết định trở về Sài Gòn để mong phát triển nghề nghiệp cho tương lai… Ở thành phố, anh có mặt từ đoàn múa rối TP.HCM cho đến đoàn văn công TNXP. Từ năm 1987, khán giả thường thấy anh cặp kè cùng Mạc Can đi “đánh đấm từa lưa” và rất “ăn rơ” tạo rất nhiều thích thú cho khán giả nhí qua các tiết mục xiếc, ảo thuật hài tại các đoàn chuyên nghiệp và các nhà thiếu nhi trong thành phố.

Hiện tại, ngoài chuyện đi tạo niềm vui cho con nít theo hợp đồng, anh còn là một giáo viên rất tận tâm (cũng dạy theo yêu cầu của từng học viên) các môn xiếc, ảo thuật và kịch câm… Nắm trong tay một số học trò ruột có khả năng biểu diễn và truyền thụ lại các môn nói trên, anh đã đề nghị Cung văn hóa lao động Thành phố cho phép mở lớp đào tạo các môn xiếc, ảo thuật, kịch câm và anh đang hy vọng sẽ được đơn vị chủ quản “ô-kê”. Trong đó, điều làm anh trăn trở, lo lắng nhất là kịch câm. Đây là bộ môn nghệ thuật diễn bằng động tác – khi diễn thì từ già đến trẻ ai cũng hiểu – hiện đang mai một tại nước ta.

Vừa đi diễn, vừa đóng phim, vừa đi dạy lại còn làm kinh doanh (Cty TNHH Tổ chức sự kiện Hiền Sang) nên Linh Sang khá “bí dì”. Khi được hỏi: “Anh có nghĩ mình quá ôm đồm không và trong các nghề trên, anh mê cái nào nhứt?” thì anh trả lời không cần thời gian suy nghĩ: “Tui chưa già mấy (sanh năm 1960), còn sức thì còn làm…

Nói chung tui cũng có cái tánh hơi bị tham lam, nghề nào tui cũng mê chỉ sau… vợ con tui. Không những các nghề trên, bản tánh của tui cũng rất mê con nít, vì trong lứa tuổi của các cháu, cái bản tánh vô tư, chân thật, hay tò mò, tìm hiểu những cái hay cái lạ thì cũng y chang như tui hồi nhỏ thôi! Cho nên vừa qua (năm 2010), tui đã cho ra lò đĩa DVD đầu tay dành riêng cho các cháu thiếu nhi với tựa đề ÚM BA LA, trong đó gồm 8 trò ảo thuật vui, và đĩa thứ hai cũng sắp được phát hành trong năm nay”.

BÀ TÁM

 

Tuổi Trẻ Cười số 438 (15-10-2011)  hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments