Từ thẩm phán ‘thông dâm’ đến vết nhơ ‘hội nhà dê’
Khi vụ ông thẩm phán vào nhà nghỉ để “tư vấn” cho vợ một anh xe ôm ở Cà Mau đang gây xôn xao dư luận, người dân Đất Mũi lại có dịp bàn tán về những chuyện dở khóc dở cười xảy ra trước đây.
>>Thẩm phán thừa nhận ‘qua lại’ với vợ lái xe ôm
>>Phó Văn phòng tòa án Cà Mau vào nhà nghỉ cùng vợ người khác
Đã gần 10 năm trôi qua nhưng tiếng xấu quanh chuyện “hội nhà dê” liên quan đến một số vị cán bộ, chức sắc của huyện Đầm Dơi – Cà Mau vẫn còn nguyên vẹn. Những vị này đã “dày công” nghiên cứu, biên soạn, chỉnh sửa nhiều lần để cho ra đời quyển “điều lệ” lưu hành nội bộ có một không hai về “hội nhà dê”!
“Tổ chức xã hội mang tính nghề nghiệp”
Một cán bộ hưu trí ở Cà Mau còn thuộc nằm lòng “tiêu chí hoạt động” trong cuốn “điều lệ” quái đản ấy: “Nhằm thống nhất hành động trong giới đàn ông con trai để thỏa mãn nhu cầu sinh lý của con người ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn”…
Hồi đó, vốn rất tự hào với cái hội “độc đáo” này mà một số vị lãnh đạo huyện Đầm Dơi luôn bỏ túi “điều lệ hội nhà dê” để mỗi khi có dịp là mang ra khoe với bất cứ người khách nào đến địa phương làm việc.
Một trang trong “Điều lệ Hội nhà dê” |
Một nhà báo lão thành ở Cà Mau hiện vẫn còn giữ lại một quyển “điều lệ hội nhà dê”. “Điều lệ” này được xây dựng gồm nhiều chương mục, có đầy đủ tiêu đề, lời nói đầu, khái niệm, ý nghĩa và mục đích, lịch sử hình thành… Người soạn thảo “điều lệ” là nguyên chủ tịch UBND huyện; nguyên hiệu trưởng một trường THPT đánh máy, sửa văn bản; nguyên trưởng Phòng Giáo dục huyện Đầm Dơi thì chịu trách nhiệm trình bày và xuất bản.
“Điều lệ hội nhà dê” có nội dung cực kỳ tào lao. Phần lịch sử hình thành “hội nhà dê” có đoạn: “Xã hội loài người càng phát triển thì dê còn là một hoạt động có tính văn hóa, tính tổ chức rất cao, và do vậy “hội nhà dê” ra đời, có mục đích, có điều lệ hẳn hoi, nó phù hợp với yêu cầu bức xúc của xã hội (đặc biệt là các thành viên của hội) và ngày sẽ càng lớn mạnh. Hội nhà dê là một tổ chức xã hội mang tính nghề nghiệp và mang tính đặc thù riêng”.
Điều làm dư luận, nhất là nữ giới, lúc bấy giờ phẫn nộ hơn cả là những nội dung có tính chất coi thường phụ nữ của “điều lệ”: “Tất cả thành viên của “hội nhà dê” được quyền quản lý: giá, lém, luốc, vện, phèn, sút cán, lỡ thời… Giá là từ khi chồng chết đến khi mãn tang, lém là từ khi mãn tang đến 2 năm, luốc là 2 đến 4 năm, vện là 4 đến 7 năm, phèn là từ 7 năm trở lên, sút cán là có chồng mà bị chồng thôi hoặc thôi chồng nhưng phải có quyết định của tòa án cho ly hôn, lỡ thời là từ tuổi 25 trở lên mà chưa chồng”.
Điều 5 của “điều lệ” còn cụ thể hơn: “Tất cả thành viên của “Hội nhà dê” được quyền dê các trường hợp sau: Dê đại lộ đi ra đường gặp 7 đối tượng nêu ở điều 3 dê liền; dê bành trướng là bước ra khỏi cửa gặp 7 đối tượng trên dê liền”!
“Điều lệ” quy định con dấu của “Hội nhà dê” phải được làm từ thân so đũa, khắc hình bầu dục, xung quanh có hàng chữ “Hội nhà dê”; chỉ sử dụng khi đóng vào các văn bản hoạt động của hội. Huy hiệu của hội cũng hình bầu dục, ở giữa có đầu con dê, hội viên chỉ đeo khi làm nhiệm vụ của hội. Theo “điều lệ”, nguồn kinh phí của hội do đóng góp tự nguyện của hội viên và được hội viên rút từ túi vợ nhưng phải bảo đảm tuyệt đối bí mật…
“Điều lệ Hội nhà dê” được phổ biến rộng rãi, ai tán thành, muốn tham gia phải làm đơn để được tổ chức hội xem xét, thử thách trước khi quyết định kết nạp. Lễ kết nạp phải tiến hành đơn giản nhưng nhất thiết phải nghiêm túc.
Ngoài ra, “điều lệ” quy định “Hội nhà dê” được hình thành 4 cấp: trung ương hội, tỉnh hội, huyện hội, tổ hội. Tất cả thành viên của hội bất kỳ lúc nào và ở đâu nếu gặp dê phải chắp tay xá 2 xá và kính cẩn chào: “Xin chào sư phụ”!
Vụ việc quái gở này chỉ vỡ lở khi một phóng viên về huyện Đầm Dơi công tác và được tặng một quyển “Điều lệ Hội nhà dê”. Tuy nhiên, không có ai bị kỷ luật nặng sau vụ việc này nhưng họ bị dư luận cười chê đến nay.
Sập bẫy vì thích “ăn chả”
Cũng ở Cà Mau, tại huyện Trần Văn Thời cách đây 5 năm đã xảy ra một chuyện dở khóc dở cười liên quan đến vị chủ tịch huyện và anh cán bộ văn phòng.
Một buổi chiều sau giờ làm, anh B. vừa mở cửa bước vào nhà thì choáng váng khi nhìn thấy ông M., chủ tịch huyện, đang ôm ấp cô vợ trẻ của mình. Sếp M. ngượng ngùng xin lỗi thuộc cấp rồi nhanh chân rút. Chị T., vợ anh B., cuống quýt thú nhận rằng trước đó 2 năm từng bị chủ tịch huyện sàm sỡ ngay tại phòng làm việc của ông nhưng “chưa gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thẩm phán Nguyễn Thanh Mộng ở Cà Mau (người lấy tay che mặt) đang bị vợ một anh xe ôm tố ép cô vào nhà nghỉ |
Sau 3 ngày đắn đo, anh B. bắt vợ viết bản tường trình, ghi rõ 2 năm trước ông M. đã ôm và có ý định cưỡng hiếp chị. Tiếp đó, B. yêu cầu ông M. đến nhà giải quyết. Trong cuộc gặp gỡ ba bên này, B. bắt vợ đọc bản tường trình và yêu cầu ông M. ký tên xác nhận. Ông M. khẳng định chỉ ôm hôn chị T. hai lần chứ không có ý định hiếp dâm nhưng vì muốn “giải quyết nội bộ” cho êm xuôi nên đành ký tên. Vài ngày sau, B. lại buộc ông M. tự tay viết giấy xác nhận đã ôm hôn vợ anh ta hai lần…
Có tờ giấy xác nhận trong tay, B. lập tức đòi ông M. phải bồi thường danh dự cho vợ mình 100 triệu đồng. Choáng váng vì sập bẫy song muốn cho êm chuyện, ông M. bấm bụng chấp nhận. Tuy nhiên, B. vẫn chưa chịu buông tha cho sếp. Một lần, gia đình B. bị giải tỏa khu nhà vệ sinh, được bồi thường 60 triệu đồng nhưng anh ta lại yêu sách đòi ông chủ tịch huyện phải đền bù 100 triệu đồng. Không chịu nổi những đòi hỏi ngày càng quá quắt của thuộc cấp, cùng đường, ông M. chấp nhận đối diện với sự thật, trình báo toàn bộ sự việc với cơ quan công an.
Sau khi điều tra, cơ quan pháp luật đã khởi tố B. và thông báo cho tổ chức xử lý ông M. về mặt hành chính. Ông M. sau đó đã bị mất chức chủ tịch huyện và bị khai trừ Đảng…
Theo VTC
Source: Zing